Trong nhiều thập kỷ, người hướng nội được xem như những nhà lãnh đạo kinh doanh kém hiệu quả và không mấy có năng lực. Một nhận định sai lầm đã tồn tại từ rất lâu trong giới kinh doanh đó là người hướng nội không phù hợp với vai trò lãnh đạo.

Vì sao người hướng nội là những nhà lãnh đạo xuất sắc?
(Ảnh: Unsplash)

65% các nhà quản lý cấp cao nhìn nhận tính cách hướng nội như là một “rào cản” với vai trò lãnh đạo và chỉ có 6% nghĩ rằng người hướng nội có khả năng lãnh đạo thành công. Nhiều doanh nghiệp có nhận định chung cho tính cách mà một nhà lãnh đạo giỏi cần có đó là dễ gần, hòa đồng và là chuyên gia trong việc gắn kết mọi người, trong khi xem tính cách hướng nội như một dạng “bệnh lý” về phương diện xã hội.

Điều này quả thật hết sức vô lý. Chúng tôi đã nói chuyện với hơn mười nhà sáng lập doanh nghiệp thành công là người hướng nội và xem các tài liệu nghiên cứu về năng lực lãnh đạo trong suốt 3 thập kỷ gần đây để giải thích cho điều này.

Thế nào là người hướng nội?

Một người hướng nội được định nghĩa là người có được nguồn động lực khi ở một mình hơn là khi tham gia các hoạt động xã hội. Khái niệm này lần đầu tiên được đưa ra bởi Carl Jung vào năm 1920. Không giống như người hướng ngoại (lấy động lực từ bên ngoài), người hướng nội thường thiên về nội tâm, thích sự yên tĩnh (nhưng không nhất định là nhút nhát) và khả năng quan sát rất tốt.

Tất nhiên, người hướng nội cũng tự định nghĩa bản thân theo nhiều cách khác nhau:

“Nhiều người nghĩ rằng người hướng nội không thích vây quanh bởi mọi người.Tuy nhiên tính cách hướng nội không đồng nghĩa với khó gần, lập dị” – Cody Vermillion, đồng sáng lập Uncommon.

“Một người hướng nội là người thích các tình huống riêng tư… một người không nhất định là khó gần nhưng là một người xuất sắc với quá trình phân tích, suy luận bên trong” – David Acosta, đồng sáng lập Rebel PR.

“Với tôi, điều đó có nghĩa là tôi cảm thấy thoải mái, thư giãn khi thường xuyên có khoảng thời gian yên tĩnh, riêng tư” – Dan Purcell, người đồng sáng lập Ever In Touch.

“Là người hướng nội không có nghĩa bạn là kẻ “thất bại” hay “lập dị”, điều đó có nghĩa là bạn chỉ cần một mình trong khi những người khác cần có mọi người giúp đỡ” – Kevin Pasco, đồng sáng lập Nested Natural.

Không ai là một người hướng nội hay hướng ngoại thuần túy (hầu hết là những người vừa có tính cách này, vừa có cả tính cách kia). Nhưng nói chung, người ta ước tính rằng 33% -50% dân số thiên về tính cách hướng nội.

Tuy nhiên, trong giới kinh doanh đặc biệt là các nhà lãnh đạo thì 96% các nhà quản lý cấp cao được cho là người hướng ngoại, và tồn tại thành kiến mạnh mẽ đối với nhóm người có tính cách hướng nội. Trong các nghiên cứu, tính cách hướng ngoại luôn được xếp hạng là đặc điểm quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo cần có. Điều này liên quan rất nhiều với cách chúng ta nghĩ về vai trò lãnh đạo trong quá khứ.

Nền văn hóa đã định nghĩa vai trò “lãnh đạo” như thế nào?

unsplash meeting 1024x672 image
(Ảnh: Unsplash)

Theo nghĩa cơ bản nhất, lãnh đạo là “quá trình ảnh hưởng đến người khác nhằm tăng cường sự đóng góp của họ cho việc thực hiện các mục tiêu chung của nhóm.”

Không biết từ bao giờ nhận thức của chúng ta về một nhà lãnh đạo “giỏi” đã chuyển từ một người thúc đẩy thành công của tập thể đến một người nổi bật, uy tín và có sức thu hút lớn: thường thì một người giỏi phát ngôn thường quan tâm đến nhận thức của công chúng hơn là tích cực cho việc thúc đẩy tập thể. Hàng trăm nghiên cứu trong hơn một thế kỷ đã cố gắng để xác định ra những gì làm nên một nhà lãnh đạo giỏi – bao gồm cả việc phỏng vấn hơn 300.000 nhà lãnh đạo doanh nghiệp để xếp hạng những đặc điểm hàng đầu của họ. Và tựu chung là những đặc điểm này không mâu thuẫn với bản chất của người hướng nội – vậy tại sao nhiều người lại phản đối việc thuê họ với vai trò lãnh đạo?

Dưới đây là những nhận định sai lầm phổ biến về người hướng nội:

1. Người hướng nội thường lẩn tránh vai trò lãnh đạo

photo 1459499362902 55a20553e082 1024x684 image
(Ảnh: Unsplash)

Một trong những nhầm tưởng về người hướng nội là bản thân họ không muốn trở thành nhà lãnh đạo. Tuy nhiên thực tế lại không phải vậy.

Có thể kể đến những nhà lãnh đạo xuất chúng trong mọi lĩnh vực như: Michael Jordan, một người hướng nội, được biết đến như là ngôi sao thể thao lớn nhất trong lịch sử; Audrey Hepburn là một trong những nữ diễn viên nổi tiếng bậc nhất Hollywood; Mahatma Gandhi làm nên một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử Ấn Độ. Một phần tư trong tổng số tất cả các tổng thống Hoa Kỳ bao gồm: Thomas Jefferson, Abe Lincoln… là những người hướng nội với khả năng tự nhận thức bản thân ở các mức độ khác nhau.

Trong giới kinh doanh, một số nhà sáng lập, phát minh, đầu tư và nhà công nghệ thành công nhất là người hướng nội như: Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg…

“Tôi nghĩ người hướng nội có thể làm mọi thứ rất tốt”, Bill Gates nói trong một bài phát biểu cách đây vài năm. “Nếu tinh tế, bạn có thể học cách thu nhận lợi ích khi là một người hướng nội.”

Hóa ra nhiều đặc điểm mà giới kinh doanh coi như là bất lợi và tiêu cực lại thực sự có thể là những lợi điểm đối với vai trò lãnh đạo.

2. Người hướng nội thiếu “kỹ năng mềm” để lãnh đạo người khác

1 unsplash working 1024x682 image
(Ảnh: Unsplash)

Nhiều chuyên gia kinh doanh liên kết “kỹ năng mềm” với “uy tín”, và “uy tín” với “sự lãnh đạo hiệu quả”. Có một số vấn đề với nhận định này.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã phân tích cơ sở dữ liệu của 17.000 chủ doanh nghiệp và thấy rằng trong khi một người có uy tín và khả năng thuyết phục tốt, điều này lại không tương quan với hiệu suất làm việc tốt hơn. Trong cùng nghiên cứu, các nhà lãnh đạo hướng nội lại cho thấy khả năng đáp ứng vượt trên mức kỳ vọng. Các nhà lãnh đạo hướng nội không sôi nổi như các nhà lãnh đạo hướng ngoại, nhưng họ là người có thể kiểm soát tốt cảm xúc và các giác quan.

Người hướng nội thường có lưu lượng máu được bơm nhiều hơn đến thùy trán và vùng dưới đồi – vùng não bên trong chuyên về việc xử lý và giải quyết vấn đề. Điều này mang lại cho họ khả năng xử lý các tình huống cá nhân phức tạp trong một tập thể.

3. Người hướng nội giao tiếp kém

unsplash working2 1024x683 image
(Ảnh: Unsplash)

Rất dễ hiểu lầm người hướng nội là người dường như rất ít quan tâm đến các vấn đề xung quanh. Nhưng trong thực tế, hầu hết người hướng nội là những nhà “phương pháp luận”.

John Sherwin, Giám đốc điều hành của Hydrant Launch Pharmaceuticals cho biết: “Tôi sẽ dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ các kịch bản trong đầu trước khi thực sự nói hoặc làm bất cứ điều gì. Thật hiếm khi tôi đưa một ý tưởng mà nó chưa được suy nghĩ hoặc lên kế hoạch.”

Kevin Pasco, đồng sáng lập Nested Naturals, một trong những thương hiệu thực phẩm chức năng tự nhiên bán chạy nhất, nói trên Amazon: “Tôi có xu hướng để người khác nói chuyện, thực sự lắng nghe những gì họ nói, sau đó mới mở lời một cách nhẹ nhàng”.

Cách giao tiếp này thực sự có nhiều ích lợi đối với vai trò lãnh đạo. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng người hướng nội thường sử dụng ngôn ngữ cụ thể, chính xác hơn khi mô tả mọi thứ. Họ có thể mất nhiều thời gian hơn, nhưng khi họ nói, họ đảm bảo rằng những đóng góp của họ có giá trị và mang tính xây dựng.

4. Người hướng nội không thích cộng tác

unsplash working1 1 1024x683 image
(Ảnh: Unsplash)

Trong khi người hướng nội thích làm việc một mình, họ cũng xuất sắc trong các công việc đòi hỏi sự cộng tác – đặc biệt là trong một môi trường năng động, không thể đoán trước như khởi nghiệp.

Một nghiên cứu của Harvard đã chỉ ra rằng, trong khi người hướng ngoại nổi trội trong việc lãnh đạo ở các nhóm làm việc “thụ động” (nhân viên chỉ làm theo các công việc được chỉ định), họ tỏ ra kém hiệu quả trong nhóm làm việc “chủ động”, nơi mọi người thường đưa ra các đóng góp về mặt ý tưởng.

Người hướng nội thường hiệu quả hơn người hướng ngoại trong các nhóm làm việc “chủ động” bởi vì họ không cảm thấy bị “đe dọa” bởi sự cộng tác, do vậy họ dễ tiếp thu và lắng nghe các đề xuất một cách kỹ lưỡng hơn.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 57 nhà quản lý và 374 nhân viên tại 130 chi nhánh của một chuỗi cửa hàng bánh pizza lớn và thấy rằng các chi nhánh dựa trên lãnh đạo là người hướng nội mang lại lợi nhuận cao hơn 20% so với chi nhánh được quản lý bởi người có tính cách hướng ngoại. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu đã chia 163 học sinh thành 56 nhóm – một số được chỉ huy bởi một người hướng nội và một số bởi người hướng ngoại – và các đôi này thực hiện việc xếp chồng nhiều áo thun nhất có thể trong vòng 10 phút. Họ kết luận rằng các đội do người hướng nội chỉ huy hiệu quả hơn lên tới 28%.

Nghiên cứu kết luận “Các nhà lãnh đạo hướng ngoại đang bị ‘đe dọa’ và không thể lãnh đạo các nhân viên làm việc “chủ động”. “Trong khi các nhà lãnh đạo hướng nội thường lắng nghe cẩn thận và làm cho nhân viên cảm thấy giá trị của bản thân và thúc đẩy họ làm việc chăm chỉ hơn”.

Lời khuyên cho các nhà lãnh đạo hướng nội giàu tiềm năng

unsplash man 1024x646 image
(Ảnh: Unsplash)

Là một người hướng nội, thật dễ dàng để cảm thấy như thể nền tảng cho vai trò lãnh đạo doanh nghiệp được thiết kế chống lại bạn – cá biệt chỉ có các “ông trùm” lĩnh vực công nghệ (như Bezos, Zuckerberg, Musk) nổi tiếng với vai trò CEO. Tuy nhiên người hướng nội có những đặc điểm độc đáo có thể giúp họ trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc nếu được sử dụng đúng cách.

Chúng tôi đã phỏng vấn những nhà sáng lập doanh nghiệp với tính cách hướng nội để chia sẻ một số biện pháp mà họ đã sử dụng để khai thác sức mạnh hướng nội. Dưới đây là chọn lọc những gì họ đã chia sẻ:

Cân bằng thời gian của bạn: Đối với mỗi cuộc họp 1 giờ, hãy đảm bảo giành ít nhất 30 phút cho chính bạn.

Hãy ra khỏi những suy nghĩ trong đầu bạn: Viết ra tất cả các ý tưởng và chia sẻ chúng với người mà bạn tin tưởng. Đừng chỉ giữ những ý tưởng cho riêng mình.

Hãy chân thật: Đừng cố gắng trở thành một người hướng ngoại, hoặc buộc bản thân phải trở nên cởi mở hoặc sôi nổi hơn.

Tối ưu hóa các mối quan hệ theo chiều sâu (thay vì mở rộng): Cần hiểu một người nào đó đủ kỹ lưỡng để cảm thấy thoải mái khi trao đổi các điều liên quan và sau cùng những mối quan hệ này sẽ mang lại nhiều lợi ích trên cả phương diện cá nhân và nghề nghiệp.

Hãy rõ ràng về quá trình suy nghĩ của bạn: Người hướng nội thường giữ các ý tưởng trong một thời gian dài trước khi nói; vậy hãy chắc chắn làm cho quá trình đó thật rõ ràng.

Hành động hóa các quan sát của bạn: Giống như một người đứng ngoài quan sát, bạn luôn có quan điểm, cái nhìn độc đáo riêng; hãy biến tất cả các thứ bạn lắng nghe và quan sát được thành các đề xuất khả thi.

“Trong nhiều năm, tôi nghĩ rằng có điều gì đó không đúng với tôi”, CEO của một công ty vận chuyển cho hay. “Tôi nghĩ, tại sao tôi không thể là anh chàng nổi bật trong hội nghị và kết bạn với mọi người trong phòng? Và tại một sự kiện, tôi đã chửi thề và bỏ đi tìm một nơi yên tĩnh khác để làm việc. Và vào ngày đó, trong góc yên tĩnh đó, tôi đã nghĩ ra ý tưởng cho công ty của mình”.

Theo Zachary Crockett/ The Hustle
Nguyễn Việt

Xem thêm: