Bạn có thể đã nghe nói rằng đa nhiệm là không tốt, nhưng các nghiên cứu mới cho thấy rằng nó thậm chí còn có thể ‘giết chết’ khả năng xử lý công việc của bạn và làm tổn hại não bộ.

Làm nhiều việc một lúc, đa nhiệm,
(Ảnh: Shutterstock)

Không ít người nghĩ rằng họ có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc, và đa nhiệm là tốt, giúp tiết kiệm thời gian xử lý công việc và cho thấy bản thân là người có năng lực,… Thực ra là ngược lại, bạn đang làm việc kém hiệu quả hơn mình tưởng. Khi đa nhiệm, bạn không chỉ khiến hiệu suất xử lý công việc của bạn tại thời điểm này, mà nó rất có thể sẽ khiến một vùng não của bạn bị tổn thương, điều đó có ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự thành công trong tương lai của bạn.

Nghiên cứu tiến hành tại Đại học Stanford cho thấy đa nhiệm sẽ mang lại hiệu quả công việc thấp hơn là tập trung vào làm một việc duy nhất tại một thời điểm. Xét cho cùng đa nhiệm chỉ đơn giản là chuyển đổi qua lại giữa hai hay nhiều công việc trong cùng một khoảng thời gian. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người thường xuyên bị ‘oanh tạc’ với nhiều luồng thông tin (hoặc thông tin điện tử) khác nhau sẽ dễ bị phân tâm, khiến việc thu thập, sàng lọc và giữ lại thông tin hoặc chuyển đổi từ công việc này sang công việc khác không tốt bằng những người hoàn thành từng nhiệm vụ một. Người đa nhiệm mất nhiều thời gian hơn khi phải xử lý những công việc mới mẻ hoặc phức tạp.

Đa nhiệm có phải là kỹ năng đặc biệt?

Nhưng nếu một số người được thiên phú khả năng đa nhiệm thì sao? Các nhà nghiên cứu Stanford so sánh những nhóm người có khuynh hướng đa nhiệm và niềm tin của họ, thấy rằng điều đó giúp họ hoàn thành công việc của mình.

>>Nghiên cứu: IQ, trí nhớ, khả năng tập trung giảm mạnh khi làm việc đa nhiệm  

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người đa nhiệm — những người thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc những thường cảm thấy rằng nó đang giúp họ gia tăng hiệu suất– thực tế kết quả công việc của họ lại thường tồi tệ hơn những người thích làm một điều duy nhất tại một thời điểm. Những người đa nhiệm thường xuyên thực hiện công việc kém hiệu quả hơn bởi vì họ gặp nhiều rắc rối hơn trong việc tổ chức suy nghĩ của họ và lọc ra các thông tin không liên quan, và họ bị mất thời gian hơn khi phải liên tục chuyển đổi qua lại giữa các công việc.

Đa nhiệm làm giảm hiệu suất và hiệu quả của bạn bởi não bộ chỉ có thể tập trung vào một thứ tại một thời điểm. Khi bạn cố gắng làm hai việc cùng một lúc, não của bạn không có khả năng thực hiện cả hai nhiệm vụ thành công.

Đa nhiệm làm giảm IQ

Làm nhiều việc một lúc, đa nhiệm,
(Ảnh: Shutterstock)

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ngoài việc làm giảm khả năng xử lý công việc, đa nhiệm còn làm giảm IQ của bạn. Một nghiên cứu tại Đại học London đã phát hiện ra rằng những người tham gia nghiên cứu đa nhiệm được giao xử lý các công việc liên quan tới nhận thức có điểm IQ bị giảm tương tự như những gì họ gặp phải nếu họ hút cần sa hoặc thức trắng đêm. Khi IQ giảm 15 điểm thì chỉ số IQ của những người đa nhiệm giảm xuống thấp hơn mức trung bình của đứa trẻ 8 tuổi.

Vì vậy, nếu bạn thường xuyên đa nhiệm, lần tiếp theo khi bạn viết email cho ông chủ, hãy nhớ rằng khả năng nhận thức của bạn đang giảm xuống đến mức bạn có thể nhờ một đứa trẻ 8 tuổi viết nó hộ bạn.

Não bị thương tổn khi đa nhiệm?

Từ lâu người ta cho rằng suy giảm nhận thức từ đa nhiệm chỉ là tạm thời, nhưng nghiên cứu mới đây, lại cho một cái nhìn khác. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Sussex ở Anh đã so sánh số lần những người tham gia nghiên cứu phân tán sự tập trung vào nhiều thiết bị (chẳng hạn như nhắn tin trong khi xem TV) để quét MRI não của họ. Kết quả cho thấy những người đa nhiệm cao có mức độ tập trung của não thấp hơn ở vùng vòng cung vỏ não trước, khu vực chịu trách nhiệm kiểm soát sự đồng cảm, cũng như kiểm soát tư duy và cảm xúc.

>>Làm cách nào để tăng khả năng tập trung một cách hữu hiệu?

Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem liệu đa nhiệm có làm tổn hại vật lý đến não bộ hay không, thì rõ ràng là đa nhiệm đang có những tác động tiêu cực tới não bộ.

Nhà thần kinh học Kep Kee Loh, tác giả chính của nghiên cứu, đã giải thích: “Tôi cảm thấy việc chúng ta nhận thức được rằng cách chúng ta tương tác với các thiết bị có thể thay đổi cách chúng ta tư duy và những thay đổi này có thể xảy ra ở mức độ cấu trúc não bộ là vô cùng trọng yếu”.

Kết nối EQ

Đừng biến mình thành trò cười khi liên tục nghịch hoặc lướt điện thoại và máy tính bảng trong khi đang nói chuyện. Đa nhiệm trong các cuộc họp và các buổi gặp gỡ mang tính quan hệ xã hội khác cho thấy sự kém hiểu biết về bản thân và khả năng nhận thức xã hội, hai kỹ năng EQ có ý nghĩa quyết định đến thành công trong công việc.

TalentSmart đã kiểm tra hơn một triệu người và nhận thấy rằng 90% người có hiệu suất làm việc cao nhất đều có EQ cao. Nhiều nghiên cứu hiện tại cho thấy, đa nhiệm thực sự gây tổn thương vùng vòng cung vỏ não trước (một vùng não quan trọng cho EQ), nó sẽ làm giảm EQ và có thể khiến đồng nghiệp xa lánh bạn.

Lời kết

Nếu bạn có thiên hướng đa nhiệm, hãy cẩn trọng với thói quen này, vì bạn sẽ dễ lạm dụng nó và khiến chất lượng công việc của bạn bị giảm sút. Ngay cả khi nó không gây tổn thương cho não bộ, thì nó cũng cho phép bạn thực hiện nhiều nhiệm vụ một lúc, và cũng sẽ làm cho bạn gặp khó khăn về khả năng tập trung, tổ chức và chú ý đến chi tiết.

Theo Entrepreneur
Tác giả: Travis Bradberry
Minh Minh biên dịch

Xem thêm: