Ở một số nước có văn hóa truyền thống tương đối giống nhau như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, thì việc cha mẹ mua nhà cho con hoặc trợ giúp phần lớn tiền nhà cho con trước hoặc sau khi kết hôn là chuyện khá phổ biến. Tuy nhiên ở Nhật, điều này là hiếm.

Vì sao ở Nhật không thịnh hành việc cha mẹ mua nhà cho con khi kết hôn?
(Ảnh minh họa: AaronChenPS2, Shutterstock)

Hội đời sống sinh viên Tokyo từng làm một cuộc điều tra, tỉ lệ những thanh niên ở độ tuổi 20-30 kết hôn thuê nhà lên đến 85%, 10% ở ký túc xá của công ty hoặc ở nhà cha mẹ, chỉ có 5% là mua nhà khi kết hôn.

Từ số liệu của cuộc điều tra này có thể thấy, ở Nhật việc thuê nhà sau khi kết hôn là một việc hết sức bình thường, cũng có nghĩa là khi con cái kết hôn, nhà tân hôn không phải là vấn đề lớn phải xem xét của hai bên cha mẹ. Con cái có thu nhập bao nhiêu thì sẽ thuê nhà ở mức bấy nhiên, tùy khả năng mà làm. Điều này chủ yếu có hai nguyên nhân.

Một là người Nhật sau khi sinh con thì cha mẹ phải có trách nhiệm nuôi dưỡng, không được phép ỷ lại vào ông bà nội ông bà ngoại. Nuôi con là việc của chính cha mẹ, không phải việc của thế hệ trước. Vì thế rất nhiều nữ công chức sau khi kết hôn hoặc phải hoãn sinh con hoặc sinh xong phải từ chức. Chính vì điều này mà xã hội Nhật Bản có rất nhiều người phụ nữ chuyên nội trợ.

Hai là bởi vì chế độ thuế ở Nhật Bản đã hạn chế việc cha mẹ mua nhà cho con. Bởi vì theo chế độ thuế ở đây, cha mẹ ruột mua một căn nhà tặng cho con là thuộc về khoản cho tặng, việc này giống như thừa kế tài sản, cần phải trả mức thuế rất cao gọi là “thuế cho tặng”. Ví dụ như thuế cho tặng của một căn nhà có giá hơn 10 triệu Yên là 50%. Theo khái niệm này, ví dụ cha mẹ mua một căn nhà 4 triệu Yên cho con thì còn phải trả 2 triệu thuế “cho tặng” cho cục thuế, tổng giá trị một căn nhà lên đến 6 triệu Yên.

Có người nói rằng có thể mua nhà trên danh nghĩa cha mẹ ruột, sau đó cho con cái ở. Tuy nhiên, ở Nhật, con cái có thể được phép sống cùng nhà với cha mẹ, nhưng nếu sống ở một ngôi nhà khác là tài sản của cha mẹ, con cái phải trả tiền thuê nhà cho cha mẹ, thậm chí cha mẹ sẽ phạm tội “trốn thuế”. Nếu mức trốn thuế của công ty và cá nhân cao thì sẽ bị bắt.

Pháp luật Nhật Bản quy định chỉ có tiền dùng cho việc học tập của con cái thì dùng bao nhiêu cũng không phải đóng thuế. Nhưng nếu con cái đã trưởng thành mà phát sinh quan hệ tiền bạc ở mức cao với cha mẹ thì phải giải thích rõ ràng với cục thuế, nếu không sẽ rất phiền phức.

Như vậy có thể thấy quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở Nhật không hoàn toàn giống ở các nước châu Á khác, con cái phải có xu hướng độc lập hơn, nhất là khi đã lập gia đình.

Kỳ thực chúng ta biết rằng Nhật Bản dù cũng nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giáo ở châu Á, bảo tồn khá nhiều luân lý Khổng Mạnh, nhưng không bị ảnh hưởng nhiều bởi Hán Nho hay Tống Nho, tức luân lý Nho giáo được nhà Hán, nhà Tống đề xướng. Hán Nho, Tống Nho đã khác so với đạo Khổng Mạnh tương đối nhiều rồi. Do đó văn hóa Nhật Bản ở điểm này là có khác biệt sâu sắc. Kinh Lễ dạy rằng: “Nhứt mạng chi sĩ, phụ tử dị cung”, nghĩa là kẻ sĩ trưởng thành rồi (đặc biệt đã làm quan rồi), thì cha con ở riêng nhà. Nó không giống với khái niệm “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường” (gia đình 3, 4 thế hệ) sau này trong Nho giáo. Xét ra, một người đến tuổi thành nhân rồi, lập riêng gia đình của mình, cũng là một sự trưởng thành riêng. Tư cách ấy là điều mà người Nhật xem trọng.

Thanh Loan

Xem thêm:

Mời xem video: