Hàng ngàn người trên thế giới đã kể lại trải nghiệm cận tử khi họ ở trong trạng thái hôn mê sâu, nhưng trường hợp của Eben Alexander trong quyển sách “Chứng cứ về thiên đường” lại đáng chú ý bởi lẽ: ông là bác sĩ phẫu thuật não có uy tín, người có chuyên môn và am hiểu y học cao-hơn-trung-bình để phân biệt đâu là ảo giác, đâu là trải nghiệm phi thường nơi địa giới tinh thần.

Chứng cứ về thiên đường
Bác sĩ Eben Alexander và tựa sách “Chứng cứ về thiên đường” phiên bản tiếng Việt

Cuốn sách “Chứng cứ về thiên đường” mô tả trải nghiệm cận tử của Eben trong suốt 7 ngày hôn mê – điều đã làm thay đổi hoàn toàn quan niệm và suy nghĩ của ông về thế giới bên kia.

Một bác sĩ với hồ sơ ‘hoàn hảo’

Eben Alexander (11/12/1953) là con nuôi của một chuyên gia phẫu thuật thần kinh đáng kính. Eben là thành viên của Hiệp hội Y khoa Mỹ; ông từng theo học tại Viện Phillips Exeter (1972), Đại học North Carolina tại Chapel Hill (1975), đại học Y khoa Duke rồi tham gia giảng dạy ở Bệnh viện Đại học Duke, Đại học Y Harvard, Đại học Y Massachusetts và Đại học Y Virginia.

Hơn 25 năm làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, Eben thường xuyên tiếp xúc với các bệnh nhân trong trạng thái hôn mê sâu và tỉnh lại sau đó, rất nhiều người đã kể cho ông nghe về trải nghiệm cận tử, nhưng ông vẫn luôn nghĩ đó hoàn toàn chỉ là ảo giác khi não của họ gặp vấn đề.

Cho tới khi…

Một chứng bệnh cực kỳ hy hữu

Ngày 10/10/2008, Eben – người mà cả đời gần như chẳng bao giờ bệnh tật gì – bỗng bị đau lưng dữ dội, và được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Lychburg, Virginia (chính nơi ông đang làm việc) trong tình trạng hôn mê, co giật.

Ông bị viêm màng não do khuẩn E. coli cực kỳ hiếm gặp với chưa đến 1 phần 10 triệu người mắc phải ngẫu nhiên mỗi năm.

Ông ở vào tình trạng hôn mê trong 7 ngày với tỷ lệ tử vong được xác định là trên 97%.

“Một tuần bất tỉnh với căn bệnh viêm màng não nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra đã là vượt quá giới hạn của bất kỳ khả năng hồi phục khả dĩ nào,” bác sĩ Scott Wade nhận định vào ngày thứ 7 Eben hôn mê.

Trong 7 ngày đó, “Eben” lại trải qua một hành trình khác…

Một trải nghiệm cận tử mỹ diệu

Ba vùng đất kỳ lạ

Cuộc phiêu lưu trong trải nghiệm cận tử của ông diễn ra tại 3 nơi trong một không gian khác, được ông gọi trong cuốn sách là “Vùng Quang cảnh của Giun đất”, “Cổng vào” và “Cốt lõi”.

Chứng cứ về thiên đường
Bác sĩ Eben Alexander và tựa sách “Chứng cứ về thiên đường” phiên bản tiếng Anh (ảnh: thespirituniversity.com)

“Cổng vào” được Eben mô tả là một “thứ gì đó vừa xoay vòng một cách chậm rãi, vừa tỏa ra những sợi ánh sáng như tơ mỏng màu vàng… mang theo một âm thanh sống, tựa như một bản nhạc đẹp đẽ nhất, phức tạp nhất, phong phú nhất”. Nó dẫn ông đến “một thế giới kỳ lạ nhất, đẹp đẽ nhất” mà ông “chưa từng thấy”. Thế giới đó theo Eben mô tả là “rực sỡ, sống động, ngây ngất, choáng ngợp…” “có dùng một đống tính từ của ngôn ngữ con người thì nó vẫn chưa đủ để mô tả sự đẹp đẽ của thế giới đó.”

Eben mô tả: “ Nó là trái đất… nhưng đồng thời không lại không là trái đất. Giống như khi bố mẹ bạn đưa bản trở lại nơi bạn đã sống từ khi còn rất nhỏ. Nơi đó hoàn toàn xa lạ với bạn. Hay ít ra là bạn nghĩ thế. Nhưng rồi khi bạn nhìn xung quanh, có thứ gì đó níu lấy bạn, rồi bạn nhận ra đó là một phần bên trong mình – một phần ở rất, rất sâu – vẫn còn nhớ được nơi này, và hân hoan khi được quay trở lại nơi đây”.

Tại “Cổng vào”, Eben cũng nhìn thấy con người, động vật. “Người ta hát và nhảy thành những vòng tròn… tất cả đều ngập tràn niềm vui. Họ mặc những bộ quần áo đơn giản nhưng vô cùng đẹp đẽ.”

Kể về cái gọi là “Cốt lõi”, Eben mô tả rằng mình đang đi tới “một vùng khoảng trống bao la, tối mịt, vô hạn về kích thước, nhưng cũng lại êm dịu vô ngần. Dù đen kịt đến thế, nhưng lại ngập tràn ánh sáng: một thứ ánh sáng như thể phát ra từ một quả cầu rực rỡ”.

Tại “Cối lõi”, Ebeb cảm thấy mình đang ở trong một bào thai, bồng bềnh trong một nhau thai, giúp nuôi dưỡng nó và làm trung gian với “người mẹ” của ông. Người mẹ của ông ở đây “chính là Chúa, là Đấng Sáng Tạo, là Nguồn Sống chịu trách nhiệm kiến tạo ra vũ trụ và tất thảy những gì ở bên trong nó”. Ông cảm nhận được “sự bao la vô tận”, cảm nhận được “sự gần gũi, sự yêu thương vô điều kiện, toàn năng, toàn trí và không thể tả bằng lời” của Đấng Sáng Tạo.

Tình yêu vô điều kiện nơi thiên đường

Eben mô tả, ở thế giới tinh thần đó, ông đã gặp “một cô gái xinh đẹp, với đôi gò mà cao và cặp mắt xanh lam sâu thẳm”. Trang phục của cô gái “mang trong chúng thứ sức sinh động đến choáng ngợp mà tất cả mọi thứ khác ở xung quanh đều sở hữu”.

Cô gái nói chuyện với Eben bằng “những thông điệp xuyên qua người” ông “như một cơn gió”. Thông điệp đó mang đến tình yêu “vượt lên trên tất cả những tình yêu khác nhau mà chúng ta biết đến trên trái đất này. Nó là thứ gì đó cao cả hơn, vừa chứa đựng tất thảy mọi thứ tình yêu còn lại, vừa chân thành, vừa thuần khiết hơn chúng”.

Chứng cứ về thiên đường
Cô gái xinh đẹp mà Eben gặp trên thiên đường, chính là người em ruột đã mất mà ông chưa từng gặp

Eben thấy rằng “trong dạng thuần khiết và mãnh liệt nhất, thứ tình yêu này không ghen tuông hay ích kỷ, mà vô điều kiện, là thực tế của mọi thực tế, là chân lý của mọi chân lý, chói sáng và vượt trên cả mọi kiến thức, vẫn luôn sống và thở trong cố lõi của vạn vật, nó chính là cảm xúc quan trọng nhất trong vũ trụ, và còn là chân lý khoa học quan trọng nhất”.

Eben cho biết: Tình yêu và sự chấp nhận vô điều kiện mà tôi nếm trải trong hành trình của mình là khám phá quan trọng độc nhất mà tôi đã hay sẽ thực hiện”. Ông “cũng biết được rằng bằng trái tim mình, chia sẻ thông điệp rất cơ bản này – một thông điệp cơ bản đến nỗi hầu hết trẻ con đều chấp nhận ngay – là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của mình”.

Trải nghiệm các thời gian – không gian khác biệt và khả năng học hỏi tức thì

Khi ở trong “Cổng vào”, Eben cho biết: “tôi không biết mình đã bay như vậy chính xác là bao lâu. Thời gian ở nơi này khác biệt với thời gian tuyến tính đơn giản mà chúng ta cảm nhận ở trái đất, và miêu tả về nó cũng vô vọng y hệt như miêu tả về những khía cạnh khác của nơi này.”

Tại “Cốt lõi”, nhiều lần Eben giao tiếp với Chúa mà ông gọi là Đấng Sáng Tạo thông qua một Quả Cầu Ánh Sáng. Đấng Sáng Tạo cũng cho Eben biết được rằng không chỉ có một mà có nhiều vũ trụ – nhiều hơn so với điều mà con người có thể hình dung – nhưng ở trung tâm của tất cả các thứ ấy là tình yêu.

Eben trông thấy sự phong phú của sự sống qua “hằng hà sa số vũ trụ, bao gồm cả những vũ trụ nơi trí tuệ đã vượt xa loài người”. Eben cũng trông thấy “vô số chiều không gian cao hơn… Thế giới của của thời gian và không gian mà chúng ta di chuyển ở trên trái đất này được đan cài một cách chặt chẽ và phức tạp bên trong những thế giới cao hơn ấy.”

Tỉnh lại sau trải nghiệm cận tử, Eben cho rằng “bản thân bộ não không tạo ra ý thức”, nó giống như một cái van giảm áp hay máy lọc, có tác dụng điều chỉnh ý thức phi vật chất mà chúng ta có được trong những thế giới phi vật chất rộng lớn thành một loại ý thức có dung lượng hạn chế trong hiện thực cuộc sống nhỏ bé này.

Chính vì vậy, khi ý thức của Eben vượt ra ngoài thân thể, ông đã thu được những kiến thức về thiên nhiên và cấu tạo của vũ trụ, vượt trên rất nhiều khả năng hiểu biết trong thế giới này của ông, một cách tức thì và vô cùng dễ dàng.

Chứng cứ về thiên đường – Một hành trình thay đổi thế giới quan

Chứng cứ về thiên đường
(ảnh: Shutterstock)

“Dù cho khi lớn lên, tôi đã rất muốn tin vào Chúa và thiên đường cũng như kiếp sau, nhưng nhiều thập kỷ sống trong thế giới khoa học giải phẫu thần kinh nghiệm ngặt đã khiến tôi hoài nghi sâu sắc sự tồn tại của những điều này. Khoa học thần kinh hiện đại tuyên bố rằng bộ não là khởi nguồn của ý thức – của tâm trí, linh hồn, tâm linh, của cái phần vô hình, phi vật thể mà bạn muốn gọi là gì cũng được – là phần thật sự tạo nên chúng ta – và tôi đã không mấy nghi ngờ gì về lời tuyên bố này,” Eben cho biết.

Trải nghiệm cận tử của chính bản thân đã khiến Eben rốt cuộc đã thay đổi những niềm tin bấy lâu nay của mình về khái niệm bộ não, về ý thức, thậm chí là về việc bản thân cuộc sống này mang trong nó ý nghĩa gì.

Khi Eben hăng hái chia sẻ những trải nghiệm của mình với mọi người, đặc biệt là các bác sĩ đồng nghiệp, nhưng đã có rất nhiều người thờ ơ trước câu chuyện của ông. Eben nhận ra rằng chính bản thân mình trước kia cũng có thái độ như vậy khi tiếp xúc với các trải nghiệm cận tử.

Tuy nhiên, với vai trò là một bác sĩ, Eben nhận thấy mình có nghĩa vụ phải kể lại câu chuyện của bản thân với hy vọng có thể giúp đỡ những người khác. Và có lẽ, không ai ở vị trí tốt hơn ông để làm điều đó.

Một quyển sách sống động như bộ phim

Quãng thời gian 7 ngày Eben khám phá những cảnh giới cao hơn, thì ở thực tại, người thân và bạn bè của ông phải đối mặt với một Eben “gần như đã chết”, và cả 2 câu chuyện đều diễn ra đồng thời.

“Chứng cứ về thiên đường” không chỉ thú vị ở những trải nghiệm phi thường của Eben, mà còn là cách kể chuyện đan xen hiện tại, quá khứ, thế giới thực, thế giới tinh thần trong 7 ngày.

Người đọc được theo dõi một câu chuyện giàu kịch tính, pha chút hài hước nhưng đầy lý trí, được chia thành từng đoạn nhỏ chỉ dài khoảng vài trang hệt như những cảnh phim sống động. Đó không chỉ là trải nghiệm của một mình Eben, mà là tình thương, sự lo lắng và hành động của cả người thân và các bác sĩ, đồng nghiệp ở chính nơi ông làm việc.

Cuốn sách “Chứng cứ về thiên đường” đã được dịch sang tiếng Việt và phát hành ở Việt Nam bởi nhà sách Nhã Nam.
Thiện Tâm, Phong Trần tổng hợp

Xem tiếp phần 2: Ý thức con người đến từ Vũ trụ

Xem thêm: