Chuyện gì sẽ xảy ra khi hai máy tính có thể giao tiếp bằng một mã hóa bí mật mà chúng tự tạo ra và một máy tính khác có nhiệm vụ phải giải mã đoạn thông tin này?

(ảnh: Shutterstock)
(ảnh: Shutterstock)

Trí tuệ nhân tạo (AI) của Google đã có thể tạo nên điều này, hai mạng nơ-ron nhân tạo có thể trao đổi tin nhắn mã hóa mà không cần sự can thiệp của con người.

Các nhà nghiên cứu dự án Google Brain đã từng dạy AI tạo nên một tác phẩm trừu tượng, bây giờ họ đang sáng tạo nên một thứ đen tối hơn: AI tự tạo mã hóa độc lập không cần sự can thiệp của con người. Theo một nghiên cứu mới, hai nhà nghiên cứu của Google Martín Abadi và David G. Andersen đã để cho 3 AI thử nghiệm, những mạng lưới nơ-ron thần kinh nhân tạo này là Alice, Bob và Eve gửi tin nhắn sử dụng một phương pháp mã hóa chúng tự tạo ra.

>> Trên thế giới chỉ có 1% người đạt đến “cảnh giới trí tuệ”

Theo tờ New Scientist, hai nhà nghiên cứu Abadi và Andersen đã giao cho mỗi AI một nhiệm vụ: Alice gửi một tin nhắn mã hóa mà chỉ Bob có thể đọc được, trong khi Eve sẽ làm nhiệm vụ cố gắng nghe trộm và giải mã thông điệp cuộc trao đổi giữa Alice và Bob. Thử nghiệm bắt đầu với một tin nhắn văn bản đơn giản mà Alice đã mã hóa thành những ký tự không đọc hiểu được, Bob đã có thể giải mã bằng khóa mật mã.

Lúc đầu, Alice và Bob che giấu bí mật của chúng khá tệ, nhưng sau 15.000 lần thử Alice đã tạo ra chiến lược mã hóa cho riêng mình và Bob cũng tìm ra cách giải mã nó. Thông điệp chỉ dài 16 bit, mỗi bit có giá trị là 0 hoặc 1, và kẻ nghe trộm không có khóa giải mã Eve chỉ có thể đoán được một nửa các bit trong tin nhắn, điều này có nghĩa rằng Eve chỉ đoán mò mà thôi.

Do Alice tự nghĩ ra chiến lược mã hóa, ngay cả những nhà nghiên cứu cũng không biết phương pháp mã hóa này, vì vậy có thể nó không hữu dụng lắm trong thực tế. Thử nghiệm này cũng cho thấy, công nghệ giúp AI đã có thể giao tiếp bằng thông điệp mã hóa mà không cần sự can thiệp của con người đã dần trở thành hiện thực chứ không chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng.

Trường Tiến tổng hợp