Ốc mượn hồn lớn lên từng chút một, trong khi vỏ ốc thì số lượng có hạn và có thể to hơn hoặc nhỏ hơn kích cỡ lý tưởng. Bạn đã bao giờ tự hỏi làm sao ốc mượn hồn xoay xở để tìm được một cái vỏ ốc mới như ý? Câu trả lời rất thú vị: “lập hội” trao đổi vỏ.

(ảnh chụp/Vimeo)
(ảnh chụp/Vimeo)

Các loài ốc mượn hồn (còn gọi là ốc hồn cua hay cua ẩn sĩ) đều có vảy, chúng sống ở trong nước hoặc gần nơi có nước để giữ cho vảy ẩm ướt, thì chúng mới có thể thở được. Chúng cần một cái vỏ ốc để bảo vệ khỏi nhiệt độ môi trường, và cũng để che đi phần đuôi yếu ớt của mình. Do đó, một con ốc mượn hồn không có vỏ thì cũng tương đương với án tử hình.

Khi một con ốc tìm thấy chiếc vỏ rỗng, nó sẽ đo xem có vừa hay không, và nếu quá to thì nó sẽ ngồi đó chờ, có khi lên tới 8 tiếng. Những con ốc khác cũng sẽ đến và xem xét, những con nào có nhu cầu đổi vỏ sẽ xếp hàng đằng sau cái vỏ lớn và rỗng kia. Chúng sẽ đứng theo thứ tự từ vỏ to cho tới vỏ nhỏ. Cho đến khi con ốc mượn hồn đủ lớn để lấy cái vỏ rỗng xuất hiện, cuộc trao đổi hàng loạt sẽ diễn ra. Nó trút cái vỏ đang đeo và chui mình vào cái vỏ rỗng, rồi con tiếp theo sẽ lấy cái vỏ đó và trút ra cái vỏ cho con thứ 3… Quả là một cảnh tượng thú vị!

Từ hiện tượng này, các nhà xã hội học còn sáng tạo ra thuật ngữ “chuỗi trao đổi dư thừa” (vacancy chain) để mô tả cách con người trao đổi nguồn lực dư thừa hiệu quả.

Hãy xem video và ngẫm nghĩ về bài học ốc mượn hồn có thể mang đến cho chúng ta: kiên nhẫn, hợp tác và hiệu quả!

Phong Trần