Trong lịch sử 8 năm từ khi thành lập, Uber dường như không lúc nào gặp nhiều tai tiếng và bê bối như thời gian qua. Trào lưu #DeleteUber hồi đầu tháng 2 còn chưa kịp nguội, thì Uber lại bị cáo buộc kỳ thị giới tính, quấy rối nhân viên nữ, dùng phần mềm hòng qua mặt nhà chức trách và kéo theo việc hàng loạt nhân viên xin thôi việc.

(Ảnh: Shutterstock)
(Ảnh: Shutterstock)

Câu chuyện đúng là không hề đơn giản với công ty được xem là môi trường làm việc hấp dẫn và quyền lực nhất Thung lũng Silicon này.

Cựu nhân viên tố cáo Uber phớt lờ nhiều cáo buộc quấy rối tình dục

Cơn ác mộng của Uber bắt đầu khi cựu kỹ sư Susan Fowler cáo buộc bị cấp trên quấy rối và phòng nhân sự phớt lờ cáo buộc vì không muốn động chạm tới quan chức cấp cao. Fowler đã đăng tải trên blog cá nhân của mình những gì cô trải qua: mặt trái bên trong văn hóa doanh nghiệp tại Uber, những vụ quấy rối tình dục, những xung đột và đối xử bất công của giới quản lý cấp cao….

Bài viết của Fowler đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi gay gắt về môi trường làm việc của phụ nữ tại Thung lũng Silicon và cho một cuộc khủng hoảng nội bộ Uber. Câu chuyện này cũng lập tức tạo nên một sự phản ứng dữ dội, một lần nữa tiếp đà cho trào lưu #DeleteUber hồi đầu tháng 2 (thời điểm có đến 200.000 khách hàng xóa tài khoản khi có hành khách tố cáo Uber lợi dụng cuộc đình công của taxi New York để kinh doanh.)

Sau đó, hàng loạt nữ nhân sự cấp cao tại thung lũng Silocon cũng cho biết họ từng rơi vào tình trạng tương tự. Trước tình huống này, Giám đốc Điều hành Uber Travis Kalanick đã lên tiếng phản hồi, hứa sẽ “tiến hành điều tra khẩn cấp” về các cáo buộc và thuê cựu Chưởng lý Mỹ Eric Holder hỗ trợ.

Theo thông báo mới nhất của Uber ngày 7/3, chỉ có 170 đơn kiện chính thức về các hành vi quấy rối hành khách của tài xế Uber trong thời gian từ tháng 12/2012 đến tháng 8/2015. Trong khi đó, chỉ có 5 trường hợp tố cáo bị tài xế cưỡng bức.

Tuy nhiên, trước đó một ngày, hãng BuzzFeed công bố báo cáo cho biết đã xảy ra 6.160 vụ quấy rối tình dục và 5.827 vụ cưỡng bức trên xe của Uber. Thống kê này được BuzzFeed đưa ra sau khi phân tích các dữ liệu thu thập được từ một cựu quan chức Uber phụ trách dịch vụ khách hàng.

Hàng loạt nhân sự cao cấp rời khỏi công ty

Amit Singhal, Phó giám đốc kỹ thuật của hãng đã nghỉ việc sau 5 tuần nhậm chức sau khi công ty phát hiện ông từng bị cáo buộc quấy rối tình dục trong thời gian còn làm việc tại Google.  Amit Singhal đã đảm nhiệm vị trí lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của Google suốt 15 năm. Singhal gia nhập Uber hồi tháng 1/2017 với lý do mình luôn là “fan ruột” của công ty mà không hề tiết lộ các cáo buộc quấy rối tình dục trong quá khứ khi phỏng vấn ứng tuyển ở Uber.

Amit Singhal
Amit Singhal, Phó giám đốc kỹ thuật của hãng đã nghỉ việc sau 5 tuần nhậm chức. (Ảnh: Shutterstock)

Theo thông tin từ Recode, sau khi vụ việc bị phanh phui, CEO Uber Travis Kalanick đã đích thân yêu cầu ông Singhal từ chức. Tuy nhiên, Singhal phủ nhận các cáo buộc này tuyên bố mình quyết định ra đi để dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Sau đó không lâu, thêm 2 nhân sự cao cấp khác của Uber cũng rời đi. Ed Baker, phó chủ tịch phát triển và sản phẩm của Uber, ra đi sau bốn năm làm việc mà không tiết lộ lý do. Charlie Miller, nhà nghiên cứu bảo mật nổi tiếng nhất của Uber, cũng thông báo rời đi trên Twitter sau thời gian làm việc một năm rưỡi.

Uber sử dụng phần mềm qua mặt các cơ quan quản lý trên khắp thế giới

Sóng gió chưa lắng xuống, Uber lại tiếp tục bị cáo buộc sử dụng phần mềm Greyball và nhiều phương pháp khác nhau để nhận diện và ngăn chặn việc xử phạt của cảnh sát đối với các xe của Uber đậu sai nơi quy định hoặc vi phạm luật an toàn giao thông.

Greyball là một phần của chương trình VTOS (violation of terms of service – vi phạm các điều khoản về dịch vụ) mà Uber tạo ra để loại bỏ những người mà hãng nghĩ là đang vi phạm nội quy dịch vụ. Chẳng hạn như những người hành hung tài xế, những đối thủ cạnh tranh không lành mạnh muốn phá dịch vụ của hãng, hay liên hệ với nhân viên công quyền bí mật thực hiện các cuộc gài bẫy tài xế Uber.

(Ảnh: Shutterstock)
Uber bị cáo buộc sử dụng phần mềm qua mặt các cơ quan quản lý trên khắp thế giới (Ảnh: Shutterstock)

Greyball đã được sử dụng bắt đầu từ năm 2014 và điều đáng nói là Uber dùng chính phương pháp này để lách luật ở các thành phố lớn ở Mỹ như Boston,  Las Vegas, hay các quốc gia bên ngoài như Úc, Trung Quốc, Italy và Hàn Quốc.

Nói một cách đơn giản, ở những thành phố mà xe của Uber khá nhiều, nhưng lại không được cấp phép hoạt động, Greyball sẽ xác định những cảnh sát ngầm đang cố truy tìm các lái xe Uber và tịch thu xe của họ. Khi cảnh sát dùng ứng dụng Uber để đặt một cuốc xe, họ sẽ tìm thấy những xe “Uber ma” xung quanh thành phố, nhưng thực tế là họ sẽ chẳng bao giờ đặt được chuyến xe nào cả. Bởi vì các xe hiển thị trên ứng dụng không tồn tại, cảnh sát cũng không thể đặt được chuyến xe nào, nên rốt cuộc họ cũng không thể truy tìm được các lái xe Uber.

Một nữ phát ngôn của hãng Uber cho biết hiện phần mềm Greyball vẫn còn được sử dụng tại 15 bang của Mỹ, nơi tài xế của họ có thể bị bắt hoặc phạt vì chưa có luật rõ ràng.

Ngoài ra, còn có thông tin Uber đã nhiều lần lờ đi yêu cầu từ Sở quản lý cơ giới (DMV) California về việc đăng ký chương trình xe tự động của công ty này với tiểu bang, ngay cả khi công ty đã triển khai dịch vụ tại San Francisco.

Số lượng nhân viên xin nghỉ việc có chiều hướng gia tăng

Những vụ bê bối liên tiếp xảy ra khiến hình ảnh của Uber bị giảm đi đáng kể. Không ít người tỏ ra quan ngại về văn hóa doanh nghiệp tiềm ẩn sau sự hào nhoáng của công ty quyền lực nhất Thung lũng Silicon này. Thêm vào đó việc CEO Uber là Travis Kalanick tuyên bố muốn hoãn IPO lâu nhất có thể cũng khiến các nhân viên bi quan về giá trị số cổ phiếu họ nắm giữ và không ít người đã phát dấu hiệu muốn rời khỏi công ty.

Theo Guillaume Champagne, Giám đốc của công ty nhân sự SCGC Executive Search cho biết, số lượng nhân viên Uber xin nghỉ đang tăng vọt, số hồ sơ xin việc trong 1 tuần qua còn nhiều hơn cả tháng trước cộng lại. Ông cũng nhận định: “Trước đây, việc lôi kéo nhân sự từ Uber hết sức khó khăn, bởi không ai muốn từ bỏ các khoản cổ phiếu của mình. Vì thế, khi mà xu hướng này thay đổi, chứng tỏ là môi trường làm việc ở Uber quá sức tồi tệ.”

Uber hiện được định giá khoảng 70 tỷ USD. Đối với các nhân viên quyết định rời bỏ Uber, họ hoàn toàn có thể sẽ phải hy sinh số quyền chọn hoặc mua cổ phiếu trị giá hàng trăm ngàn USD, nếu công ty này tiến hành IPO.

Suốt 8 năm qua, Uber cũng từng đối mặt với khá nhiều tai tiếng, nhưng chưa khi nào công ty này lại bước vào thời kỳ đen tối như hiện nay. Trong bối cảnh hàng loạt dịch vụ đi xe, chẳng hạn Lyft đang dần chiếm lĩnh thị trường và mang về nhiều doanh thu hơn, một câu hỏi được đặt ra cho Uber: Đến khi nào startup công nghệ nổi tiếng này mới có thể lấy lại danh tiếng và hồi phục trở lại? Thành thật mà nói, con đường của Uber đã hẹp dần và ngày một khó đi hơn.

Minh Ngọc (T/H)

Xem thêm: