Trên thế giới hiện nay, có nhiều người chọn hình thức bảo vệ môi trường bằng cách giảm lượng rác thải mà gia đình họ tạo ra. Chúng ta hãy cùng xem một số cách đơn giản mà họ sử dụng.

(ảnh: modernluxury.com)
(ảnh: modernluxury.com)

Cuốn sách Zero Waste Home: The Ultimate Guide to Simplifying Your Life by Reducing Your Waste” (tạm dịch: Gia đình không rác thải: cách đơn giản hóa cuộc sống bằng việc giảm chất thải) do tác giả Bea Jonhson mô tả các phương pháp giảm lượng rác thải tới 75%. Cuốn sách đề cập rất nhiều phương pháp, từ rất dễ đến rất khó để dần biến một ngôi nhà trở thành không có rác thải. Ví dụ kéo sợi từ vải để làm chỉ nha khoa. Tuy nhiên, có nhiều người có cách thực hiện đơn giản và thiết thực hơn nhiều. Đó là làm sao để “rác có thể chuyển từ bãi rác về nhà” càng nhiều càng tốt, cụ thể là tiến hành ủ rác thay vì đổ rác ra bãi.

Nếu bạn đang có kế hoạch để ngôi nhà của mình trở thành không có rác thải, hoặc tối thiểu là ít rác thải nhất, thì bạn cần phải bắt đầu từ căn bếp nhà mình. 5 cách sau đây sẽ giúp cho căn bếp nhà bạn trở thành nơi không có rác thải:

1. Sử dụng túi và các đồ đựng có thể tái chế khi mua sắm

Trước đây, các bà các mẹ chúng ta đi chợ thường mang theo rổ, rá bằng tre hoặc làn nhựa. Các bà nội trợ ngày nay có thói quen đi chợ tay không. Khi về đến nhà, họ sẽ xách theo túi lớn túi nhỏ ni lông đựng thực phẩm. Có lẽ họ sẽ thấy rất kỳ lạ khi xách làn đi chợ như các bà, các mẹ khi xưa.

Nhiều tỉnh và thành phố trên cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng về việc hạn chế sử dụng túi ni lông và khuyến khích sử dụng làn nhựa hoặc túi tái chế khi đi chợ.

Sử dụng túi và đồ đựng tái chế khi đi chợ và mua sắm sẽ ngăn chặn túi rác ni lông trong nhà bạn (ảnh: thegioimoitruong.vn)
Sử dụng túi và đồ đựng tái chế khi đi chợ và mua sắm sẽ ngăn chặn túi rác ni lông trong nhà bạn (ảnh: thegioimoitruong.vn)

Nếu bạn có thể ngăn rác vào ngôi nhà của bạn thì bạn sẽ không cần phải đi xử lý chúng. Bạn có thể chia sẻ với người xung quanh và giáo dục cộng đồng về cuộc sống không có rác thải nếu sử dụng làn nhựa, túi tái chế và từ chối sử dụng các phương pháp đóng gói hàng hóa khi đi chợ và mua hàng.

Bạn có thể sử dụng các lọ thủy tinh để đựng thực phẩm tươi sống khi mua sắm. Bạn cũng có thể mang theo các túi tái chế để đựng các món đồ nhỏ cần phải giữ chặt (ví dụ như đồ thủy tinh). Để giữ chặt các món đồ này, bạn có thể tìm mua các túi vải bông có dây rút để giữ chặt chúng. Bạn có thể tham khảo một số trang web có nhiều hướng dẫn cho cuộc sống không có túi ni lông.

>> Khi lãng phí trở thành nét “văn hóa” còn tiết kiệm là “hiện tượng sắp tuyệt chủng”

2. Mua thực phẩm với số lượng lớn

Nếu bạn tập thói quen mua thực phẩm với số lượng lớn mỗi lần đi chợ hay siêu thị, bạn sẽ giảm được số lượng đóng gói và bao bì. Điều này sẽ góp phần làm giảm lượng rác thải. Nó cũng khiến cho bạn tiết kiệm được thời gian đi chợ.

3. Tiến hành ủ rác

Thùng ủ phân hữu cơ 220 lít được bán với giá 880.000đ (ảnh: vuondothi.vn)
Thùng ủ phân hữu cơ 220 lít được bán với giá 880.000đ (ảnh: vuondothi.vn)

Ở Việt Nam, nhiều hộ chăn nuôi gia súc đã sử dụng phương pháp ủ biogas để xử lý chất thải từ phân và nước tiểu của vật nuôi, giúp bảo vệ môi trường đồng thời tiết kiệm chất đốt. Cha ông ta từ xưa vẫn tiến hành ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Với các gia đình ở thành phố, nếu bạn có vườn hoặc nơi thoáng khí, hãy tiến hành ủ rác hữu cơ. Ủ rác là cách tốt nhất để giảm rác thải hữu cơ và cũng giúp cho gia đình bạn thu được phân hữu cơ để bón cho cây trồng.

Ở Việt Nam hiện đã có cơ sở bán các thùng ủ phân hữu cơ và có nhiều trang web hướng dẫn cách ủ phân hữu cơ hiệu quả cho các gia đình trong thành phố.

4. Tự chế biến một số thực phẩm để giảm lượng bao bì

Để giảm lượng bao bì đóng gói thực phẩm, bạn cũng có thể tự chế biến các thực phẩm vốn chỉ được mua từ siêu thị và cửa hàng trước đây như sữa chua, bánh mì… Có nhiều người cảm thấy hơi ngại khi thực hiện điều này. Tuy nhiên, nếu mạnh dạn làm thử, bạn sẽ thấy rất thú vị và cũng không mất quá nhiều thời như bạn vẫn tưởng.

Sữa chua: Hãy làm sữa chua và đựng chúng trong các hũ thủy tinh. Bạn chỉ tốn vài phút để làm ra món ăn tốt cho sức khỏe này. Bạn có thể tìm mua các hũ thủy tinh đựng sữa chua từ rất nhiều trang web.

Những chiếc hũ thủy tinh đựng sữa chua xinh xắn được rất nhiều cửa hàng ở Việt Nam được rao bán trên mạng (ảnh: bestsale.com.vn)
Những chiếc hũ thủy tinh đựng sữa chua xinh xắn được rất nhiều cửa hàng ở Việt Nam được rao bán trên mạng (ảnh: bestsale.com.vn)

Bánh mì: Hầu hết các công thức bánh mì yêu cầu 10 phút để thực hiện công đoạn ban đầu, sau đó bạn không cần để ý đến chúng nhiều trong giai đoạn ủ bánh.

Trái cây và rau quả đóng hộp: Sẽ tốn khá nhiều thời gian để có thể chế biến các hộp trái cây hoặc rau quả. Tuy nhiên chúng ta đa số chỉ làm chúng vào mùa hè và mùa thu, là mùa mà hoa trái rất phong phú. Nếu bạn có thể dành ra vài ngày để chế biến những thứ này, bạn sẽ cảm ơn bản thân mình về những món ăn có hương vị rất tuyệt, vệ sinh và tiết kiệm tiền những tháng sau đó.

Ngũ cốc: Ngoài gạo tẻ, nhiều gia đình cũng hay mua thêm các loại thực phẩm từ ngũ cốc khác. Hãy mua ngũ cốc với số lượng lớn và chứa chúng trong các lọ thủy tinh hoặc các thùng đựng thay vì mua chúng trong các hộp các tông hoặc túi nhựa không thể tái chế.

>> Đà Nẵng: 100ha thuộc Khu bảo tồn bán đảo Sơn Trà sẽ trở thành công viên

5. Loại bỏ thói quen sử dụng các thứ dùng-một-lần

Hãy bỏ đi thói quen giữ khăn giấy, giấy ăn, túi rác, lá nhôm, màng bọc thực phẩm hoặc các bát đĩa dùng một lần trong nhà bếp. Việc bỏ chúng đi sẽ có thể gây ngạc nhiên lúc bạn đầu, tuy nhiên bạn sẽ luôn tìm được các thứ tái chế thay thế chúng. Sau này bạn có thể phát hiện rằng khi bỏ đi những thứ dùng một lần và thực hiện các công việc nội trợ mà không cần đến chúng, bạn sẽ thấy thùng rác nhà mình vơi đi rất nhiều.

Hãy bỏ thói quen sử dụng các thứ dùng một lần (ảnh: wikihow.com)
Hãy bỏ thói quen sử dụng các thứ dùng một lần (ảnh: wikihow.com)

Bạn cũng có thể tham khảo thêm các hướng dẫn có ích sau để bảo quản thực phẩm tươi mà không cần dùng túi nhựa.

Thiện Tâm tổng hợp

Xem thêm: