Thành phố cổ đại 3.000 năm tuổi từng bị chôn vùi trong cát mới được tìm thấy ở Ai Cập. Đây được xem là khám phá khảo cổ học lớn nhất của nước này, kể từ khi phát hiện ra lăng mộ của vua Tutankhamun gần một thế kỷ trước.

Các nhà khảo cổ đã khai quật được tàn tích của một thành phố cổ có niên đại 3.000 năm, vốn được mô tả là “lớn nhất” từng được tìm thấy ở Ai Cập. Ông Zahi Hawass, cựu Bộ trưởng Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập, đã công bố việc phát hiện ra “thành phố vàng bị thất lạc” có tên Aten này vào hôm 8/4 vừa qua.

Nằm gần Luxor, quê hương của Thung lũng các vị vua huyền thoại, Aten được xác định xây dựng từ thời đại của vua Pharaoh Amenhotep III, người trị vì Vương triều thứ 18 (từ năm 1388 – 1351 TCN) và đã phát triển thịnh vượng trong nhiều thập kỷ cho tới sau triều đại của vua Pharaoh Tutankhamun (từ năm 1332 – 1323 TCN).

Ai Cập
Thành phố cổ đại lớn nhất Ai Cập được xây dựng vào thời kỳ trị vì của vua Pharaoh Amenhotep III. (Ảnh: Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập)

Các cuộc khai quật bắt đầu vào tháng 9/2020 giữa những ngôi đền của Ramses III và Amenhotep III gần Luxor, khoảng 500 km về phía nam Cairo. Trong vòng vài tuần, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra các hàng gạch làm bằng bùn chạy theo mọi hướng.

Sau 7 tháng khai quật, một số khu vực nội đô và ngoại ô thành phố đã được phát hiện, bao gồm một tiệm bánh hoàn chỉnh với lò nướng và đồ gốm lưu trữ, cũng như các khu hành chính và dân cư. Các đồ trang sức cũng đã được khai quật, cùng với các bình gốm màu, bùa hộ mệnh hình bọ hung và gạch bùn mang các con dấu của vua Amenhotep III. “Phát hiện về thành phố mất tích này là phát hiện khảo cổ học quan trọng thứ hai kể từ khi lăng mộ vua Tutankhamun được tìm ra”, Betsy Brian, giáo sư thuộc Viện John Hopkins, Đại học Baltimore, Mỹ cho biết.

Các nhà sử học cổ đại nói rằng Amenhotep III thừa kế một đế chế trải dài từ sông Euphrates ở Iraq và Syria ngày nay đến Sudan và qua đời vào khoảng năm 1354 trước Công nguyên. Triều đại của ông, kéo dài hơn bốn thập kỷ, nổi tiếng với sự xa hoa và các di tích lớn, bao gồm cả Colossi of Memnon – hai bức tượng đá khổng lồ gần Luxor đại diện cho ông và vợ.

Nhiều chuyên gia khẳng định tìm ra thành phố vàng mất tích này là phát hiện khảo cổ quan trọng thứ hai kể từ thời điểm khai quật lăng mộ của vua Tutankhamun, mang đến “cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về cuộc sống của người Ai Cập cổ đại” vào thời điểm cực thịnh.

Tuần trước, Ai Cập đã vận chuyển hài cốt ướp xác của 18 vị vua và 4 nữ hoàng cổ đại khắp Cairo từ Bảo tàng Ai Cập đến Bảo tàng Quốc gia Văn minh Ai Cập mới. Đám rước công phu được mệnh danh là “Cuộc diễu hành vàng của các Pharaoh.” Trong số 22 thi thể có của Amenhotep III và vợ của ông, Nữ hoàng Tiye. Việc vận chuyển đã được phát trực tiếp để khán giả trên khắp thế giới cùng xem.

Quốc gia này đang nỗ lực quảng bá các di sản cổ xưa nhằm vực dậy ngành du lịch, vốn rơi vào tình trạng trì trệ trong nhiều năm qua do bất ổn chính trị và sự gián đoạn do đại dịch COVID-19.

Theo DW,

Phan Anh

Xem thêm: