Hôm 23/5 vừa qua, Amazon, công ty thương mại điện tử hàng đầu của Hoa Kỳ, đã gửi email tới khách hàng Trung Quốc thông qua Amazon App Store, trong đó tuyên bố rằng Amazon Trung Quốc sẽ thu hẹp hoạt động kinh doanh, không còn cung cấp dịch vụ cửa hàng ứng dụng nữa.

kinh doanh
(Ảnh minh họa: Jonathan Weiss/Shutterstock)

Đồng thời, có thông tin cho rằng trang web chính thức của Amazon Trung Quốc “Amazon.cn” sẽ ngừng hoạt động. Điều này có nghĩa là Amazon sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần thu hẹp mới nhất của một công ty công nghệ Hoa Kỳ tại nước này.

Amazon Appstore ra mắt vào năm 2011 như giải pháp thay thế cho Google, để người dùng smartphone Android cài đặt ứng dụng và game. Người dùng có thể truy cập Amazon Appstore ở Trung Quốc mà không cần mạng riêng ảo (VPN), dù các ứng dụng Mỹ như Facebook và Twitter không khả dụng tại quốc gia châu Á này.

Một đại diện của Amazon xác nhận Appstore sắp ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trang mua sắm chính thức Amazon.cn cùng các dịch vụ khác như Amazon Global Selling, Amazon Global Store và đơn vị đám mây Amazon Web Services (AWS) vẫn hoạt động ở Trung Quốc.

Thứ Ba (23/5), Amazon Appstore đã thông báo qua email cho khách hàng của họ, nói rằng từ ngày 17/7, Amazon Trung Quốc sẽ không còn cung cấp dịch vụ của hàng ứng dụng (Appstore) nữa. Ra mắt vào ngày 22/3/2011, Amazon Appstore hiện đã có mặt tại gần 200 quốc gia.

Tờ “21st Century Business Herald” (Báo cáo Kinh tế Thế kỷ 21) của Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn của Amazon nói rằng trước khi đóng cửa Amazon.cn, họ sẽ hợp tác chặt chẽ với người bán, để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, và tiếp tục cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Ngoài ra, những seller có ý định bán hàng trên nền tảng Amazon bên ngoài Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục bán sản phẩm thông qua trang web bán hàng toàn cầu của Amazon. Việc đóng cửa Amazon Appstore tại thị trường Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của hãng tại các lĩnh vực khác.

Amazon đã nhiều lần thu hẹp quy mô hoạt động tại Trung Quốc. Tháng 4/2019, Amazon Trung Quốc chính thức xác nhận rằng vào ngày 18/7/2019, họ sẽ ngừng cung cấp dịch vụ cho người bán bên thứ ba trên trang web Amazon Trung Quốc.

Tháng 6/2022, Amazon tuyên bố ngừng dịch vụ cửa hàng sách điện tử kỹ thuật số Kindle tại Trung Quốc. Khi đó, Amazon khẳng định không phải do áp lực từ Chính phủ Trung Quốc hay cơ quan kiểm duyệt buộc Amazon phải rút lui.

Tuy nhiên, Amazon vẫn tuân thủ lệnh cấm của chính quyền Trung Quốc đối với nội dung được coi là nhạy cảm, đồng thời phải đối mặt với sự cạnh tranh về giá thấp hơn từ nhiều công ty Trung Quốc trên thị trường sách điện tử và máy đọc sách điện tử.

Amazon không đưa ra lý do đóng cửa Appstore, nhưng trong bối cảnh Bắc Kinh thắt chặt các quy định về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư, cũng như sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty địa phương, thị trường dịch vụ internet Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Năm ngoái, không chỉ Kindle, nhiều công ty đã ngừng kinh doanh tại Trung Quốc. Cuối tháng 5/2022, Airbnb, một công ty cho thuê homestay của Mỹ hoạt động tại Trung Quốc từ năm 2016, thông báo rằng họ có kế hoạch đóng cửa hoạt động kinh doanh tại đây.

Tháng 7/2022, Nike, thương hiệu đồ thể thao lớn nhất thế giới, đã ngừng ứng dụng nổi tiếng Nike Run Club. Đến tháng 10/2022, Google cũng chấm dứt dịch vụ Google Translate tại Trung Quốc.

Đầu tháng này, LinkedIn, mạng truyền thông xã hội thuộc sở hữu của Microsoft tập trung vào các chuyên gia kinh doanh, cho biết họ sẽ loại bỏ dần ứng dụng tìm việc làm tại Trung Quốc, đồng nghĩa với việc đóng cửa toàn bộ sự hiện diện của họ tại quốc gia này.

Trước đó vào năm 2021, LinkedIn đã rút phần lớn hoạt động kinh doanh khỏi Đại Lục, với lý do môi trường kinh doanh “đầy thách thức”.

Một số chuyên gia từng chỉ ra rằng Trung Quốc có thể là thị trường Internet cạnh tranh nhất thế giới. Tất cả các công ty kỹ thuật số phương Tây đều phải cạnh tranh với các công ty tại Đại Lục. Sự khác biệt về văn hóa và mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi rõ rệt khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Bình Minh (t/h)

Video: Khoảnh khắc cả dãy nhà bị sụp xuống sông ở An Giang