Toàn bộ nước Anh sẽ trải qua lệnh phong tỏa với cấp độ 4 (Tier 4) – cấp độ cao nhất từ trước đến nay, kể từ thời điểm tháng 3/2020. Kể từ tối ngày 4/1, tất cả các trường tiểu học và trung học sẽ bị đóng cửa, khoảng 56 triệu dân Anh phải ở trong nhà và chỉ được phép ra ngoài một lần mỗi ngày để tập thể dục ngoài trời, hoặc đi mua các nhu yếu phẩm.

phong tỏa
Thủ tướng Anh Boris Johnson. (Ảnh: paparazzza/Shutterstock).

Ngày 5-1 (giờ Việt Nam) vừa qua, sau nhiều tuần liền cố gắng tránh đưa nước Anh trở lại thời kỳ phong tỏa vì thiệt hại kinh tế, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, trong đó đưa ra lệnh phong tỏa toàn quốc.

Đây là lần thứ 3 nước Anh phải tiến hành biện pháp phong tỏa, với thời gian dự kiến kéo dài trong 6 tuần, tức đến khoảng giữa tháng 2/2021 tới. Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng cảnh báo hệ thống y tế Anh (NHS) đang đứng trước ngưỡng bị quá tải. Số ca nhập viện do COVID-19 chỉ riêng ngày 4/1 tại Anh là 26.626 người, tăng 30% so với 1 tuần trước đây và cao hơn 40% so với thời điểm đỉnh dịch hồi đợt cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020.

Trước khi lệnh phong tỏa toàn quốc được đưa ra, Anh đã áp dụng phong tỏa cục bộ khiến khoảng 44 triệu người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các biện pháp này không ngăn chặn được làn sóng bùng phát dịch mới do biến thể VOC 202012/01 của virus corona.

Thủ tướng Anh lập luận các biện pháp hiện tại là vẫn chưa đủ và cần phải tiến hành thêm các biện pháp nghiêm ngặt hơn nữa trong lúc chờ vắc xin Oxford/AstraZeneca được triển khai. “Tôi tin đây là lần cuối cùng chúng ta đối mặt với khó khăn như thế này,” ông Johnson cho hay.

Quốc hội Anh sẽ thông qua để yêu cầu này trở thành luật vào ngày 6/1/2021 trong khi các doanh nghiệp được khuyến cáo sẽ đóng cửa không hoạt động kể từ ngày 5/1. Tuy nhiên, một số biện pháp đã bắt đầu có hiệu lực ngay khi được công bố.

Các biện pháp mới tương tự các biện pháp trong đợt phong tỏa đầu tiên kéo dài 3 tháng từ cuối tháng 3 đến tháng 6/2020. Người dân được yêu cầu làm việc tại nhà bất cứ khi nào có thể, không được ra đường ngoại trừ mua nhu yếu phẩm, tập thể dục hoặc gặp tình huống gây nguy hiểm tính mạng.

Tất cả các trường tiểu học, trung học và cao đẳng – đại học sẽ bị đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến kể từ ngày 6/1 cho đến ít nhất ngày 15/2. Điều này có nghĩa các kỳ thi quốc gia hết bậc phổ thông cơ sở (GCSE) và hệ dự bị đại học (A level) vào mùa hè 2021 sẽ không thể diễn ra như dự kiến trước đây.

Thủ tướng Anh khẳng định biến thể virus corona mới không ảnh hưởng tới trẻ em nhiều. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn, việc dạy và học sẽ được tiến hành từ xa kể từ ngày 5/1 đến hết tháng 2/2021.

Hiện chính phủ Anh vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc có tổ chức kỳ thi tốt nghiệp quốc gia cho học sinh trung học như mọi năm hay không. Ông Johnson cho biết thông tin sẽ có sau khi ông tham vấn ý kiến của bộ trưởng giáo dục và các cơ quan cấp chứng chỉ.

Các biện pháp cứng rắn khác bao gồm đóng cửa những cửa hàng bán lẻ không thiết yếu và khách sạn đến hết ngày 15/2. Nhà hàng và một số quán rượu vẫn được phép hoạt động nhưng chỉ bán mang đi hoặc giao hàng qua mạng.

Một số môn thể thao ngoài trời có đông người chơi, sân tennis và sân golf sẽ bị cấm trong thời gian này, ngoại trừ các giải đấu chuyên nghiệp như Giải ngoại hạng Anh (Premier League).

Ở một diễn biến khác, Anh sắp phê chuẩn vắc-xin COVID-19 chỉ tiêm 1 mũi duy nhất được phát triển bởi tập đoàn dược Johnson & Johnson. Vắc-xin phòng COVID-19 do công ty dược Janssen, thuộc sở hữu của Johnson & Johnson, bào chế có thể được phê chuẩn để đưa vào sử dụng trong tháng 2/2021.

Thông tin này được đưa ra khi Cơ quan Quản lý Thuốc và Chăm sóc sức khoẻ Anh (MHRA) quyết định cắt giảm thời gian phê duyệt các lô vắc-xin từ 20 ngày xuống chỉ còn 4 ngày, nhằm thúc đẩy quyết liệt chiến dịch tiêm chủng.

Quyết định trên được đưa ra giữa những lo ngại ngày càng tăng về tốc độ triển khai tiêm phòng chậm chạp tại Anh, trong khi làn sóng lây nhiễm vẫn điên cuồng đẩy đất nước tới những kỷ lục về số ca nhiễm mới và ca tử vong.

MHRA cũng sẽ tăng cường nhân sự nhằm đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà. Cơ quan này vừa phê duyệt lô hàng thứ hai gồm 500.000 liều vắc-xin của Oxford AstraZeneca. Đây là lô hàng rất quan trọng vì tính chất dễ phân phối hơn nhiều so với vắc-xin của Pfzier, vốn cần được bảo quản ở -70 độ C.

Một chiến dịch tiêm chủng được tăng tốc mạnh hơn đang được trông đợi nhằm thực hiện chủng ngừa cho hơn 13 triệu người Anh vào giữa tháng 2/2021, đem đến hy vọng sớm chấm dứt đợt tái phong toả hiện tại.  Hiện tại, chính phủ Anh đã đặt hàng 7 loại vắc-xin COVID-19 khác nhau, với tổng số lên tới trên 300 triệu liều. Trong đó, vắc-xin của AstraZeneca/Oxford là 100 triệu liều (đã phê duyệt) vắc-xin của Pfizer/BioNTech là 40 triệu liều (đã phê duyệt); 30 triệu liều vắc-xin Janssen (đang thử giai đoạn 3); 5 triệu liều vắc-xin Moderna (giai đoạn 3); 60 triệu liều Novavax (giai đoạn 3); 60 triệu liều Valneva (giai đoạn 1/2); 60 triệu liều vắc-xin của GSK/Sanofi (giai đoạn 1/2).

Trong khi đó, ngày 6/1, số ca tử vong tại Anh đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 ca/ngày kể từ tháng 4/2020. Số ca nhiễm mới cũng lập một kỷ lục mới là 62.322 ca kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.

Theo tờ The Sun, Thủ tướng Boris Johnson cam kết sẽ tiêm vắc-xin cho 13 triệu người Anh có nguy cơ nhiễm cao nhất vào giữa tháng 2/2021 và hy vọng có thể nới lỏng các hạn chế.

Phan Anh (tổng hợp)