Áo sẽ cấm các nhân viên chính phủ sử dụng ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok trên điện thoại phục vụ công việc. Đây là thông báo mới được Bộ trưởng Nội vụ Áo Gerhard Karner đưa ra ngày 10/5 sau khi nhiều nước cũng có động thái tương tự, theo hãng tin Reuters.

TikTok
(Ảnh minh họa: MAYUMI NASHIDA/Shutterstock)

Nhiều nước trong đó có Anh, Mỹ và một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cấm nhân viên làm việc cho chính quyền sử dụng TikTok vì các lo ngại về an ninh. Hai thể chế hoạch định chính sách lớn của EU cũng đã ra lệnh cấm sử dụng ứng dụng này từ tháng 3.

Phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp nội các hằng tuần, Bộ trưởng Nội vụ Áo nêu rõ ứng dụng TikTok sẽ bị cấm sử dụng trên các điện thoại di động phục vụ công việc trong các cơ quan chính phủ. Những điện thoại cá nhân không thuộc mạng làm việc nội bộ có thể được sử dụng ứng dụng này.

TikTok là ứng dụng thuộc sở hữu của công ty ByteDance (Trung Quốc). Thời gian gần đây, chính phủ và cơ quan quản lý tại  nhiều nước đã tăng cường giám sát sử dụng ứng dụng này dẫn các lo ngại về lạm dụng dữ liệu cá nhân của người dùng.

Tính đến nay, có 13 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức đã ban lệnh cấm Tiktok trên thiết bị của nhân viên – gồm Đan Mạch, Bỉ, Ấn Độ, Đài Loan, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand, Na Uy, Hà Lan, Anh, Pháp và Ủy ban châu Âu (EC), trong đó có 3 quốc gia đã ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này.

Phan Anh

Video: Khách ngoại quốc trả 4 triệu đồng, anh taxi thật thà lấy đúng giá 400 nghìn