Các nhà thiên văn học Châu Âu vừa công bố bản đồ 3D Dải Ngân hà chính xác nhất từ trước đến nay, một thành tựu hứa hẹn sẽ làm sáng tỏ những hoạt động của thiên hà và bí ẩn của vũ trụ xa xôi.

Tập bản đồ số khổng lồ được tổng hợp từ dữ liệu thu thập bởi đài quan sát Gaia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), trong đó thể hiện vị trí và chuyển động của lượng lớn các ngôi sao với độ chính xác cao. Đài quan sát đã nghiên cứu bầu trời kể từ khi được phóng lên quỹ đạo vào năm 2013, theo tờ The Guardian.

bản đồ
Bản đồ Dải Ngân Hà lập từ dữ liệu mới của đài quan sát Gaia. (Ảnh: ESA/Gaia/DPAC)

Bản đồ lập dưới dạng 3D với khoảng 2 tỷ ngôi sao chứa đủ các thông số chi tiết để các nhà thiên văn đo gia tốc của Hệ Mặt trời và tính toán khối lượng của thiên hà. Những điều này sẽ cung cấp manh mối về cách thức mà Hệ Mặt trời hình thành và tốc độ vũ trụ mở rộng kể từ buổi bình minh sơ khai.

Ông Nicholas Walton, một thành viên của nhóm các nhà khoa học ESA Gaia tại Viện Thiên văn học ở Cambridge, đã so sánh nỗ lực điền vào chỗ trống trên các bản đồ cổ đại, các vùng chưa được biết tới với các kỳ quan.

“Những gì chúng tôi thực sự đang làm ở đây là có được một bản đồ rất chi tiết về vũ trụ phụ cận trong không gian 3 chiều với các ngôi sao cách nhau vài trăm năm ánh sáng,” ông cho biết.

Bằng cách lập bản đồ vị trí và chuyển động của các ngôi sao, tàu thăm dò đã khám phá ra các quá trình hủy diệt bên ngoài rìa của Dải Ngân Hà. Một dòng sao mờ nhạt được phát hiện giữa 2 thiên hà gần đó là bằng chứng cho thấy Đám mây Magellan Lớn có khối lượng lớn hơn đang dần nuốt chửng Đám mây Magellan Nhỏ.

Nhiều thiên thể mà Gaia quan sát là chuẩn tinh, những vật thể cực kỳ xa và cực sáng được xuất phát từ các lỗ đen có khối lượng gấp một tỷ lần Mặt Trời. Bằng cách đo chuyển động của Hệ Mặt trời so với những vật này, dữ liệu Gaia cho thấy Hệ Mặt trời đang rơi về phía trung tâm của Dải Ngân Hà với gia tốc khoảng 7mm một giây mỗi năm.

Bên cạnh đó, dữ liệu còn cho phép các nhà thiên văn học kết hợp sự phân bố của vật chất trong Dải Ngân Hà, từ đó họ sẽ trực tiếp ước tính được khối lượng của nó.

Ông Floor van Leeuwen, người quản lý việc xử lý dữ liệu cho Gaia tại Viện Thiên văn học, cho biết kho dữ liệu này cho phép các nhà thiên văn học “phân tích chính xác vùng lân cận ngôi sao của chúng ta và giải quyết những câu hỏi quan trọng về nguồn gốc và tương lai của Dải Ngân Hà.”

Trong quá khứ, các nhà thiên văn học đã rất vất vả và tốn nhiều công sức cho việc ghi chú chi tiết và định vị chính xác các ngôi sao trên bầu trời. Và thật may mắn khi Gaia đã chỉ mất  7 năm để đạt được một thành quả đáng kể như trên. Mặc dù vậy, các tấm bản đồ lớn hơn sẽ xuất hiện trong tương lai bởi theo ông Anthony Brown, một nhà thiên văn học tại Đại học Leiden, Hà Lan, chủ tịch nhóm Điều hành của Hiệp hội Phân tích và Xử lý Dữ liệu Gaia, hiện ESA mới chỉ quan sát được khoảng 1% tổng số các ngôi sao trong Dải Ngân Hà.

Theo The Guardian,

Linh Sơn

Xem thêm: