Có thể bạn chưa biết, để sửa chữa bê tông rạn nứt, người ta có thể dùng “băng dính” để dán nó lại. Đây là không phải là chuyện đùa, mà là một vật liệu dạng tấm có thật tên Fiber Reinforced Polymer – FRP (tạm dịch: Polyme Sợi Gia cường). Thứ băng dính này đã có từ lâu, và hiện nay các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore đang tìm cách cải tiến nó.

bang dinh be tong
(Ảnh: Đại học Nanyang)

Để sữa chữa các vết rạn, người ta sẽ dùng một loại nhựa epoxy chuyên dụng để lấp đầy vào các lỗ hổng, trước khi dán tấm FRP lên trên. Theo tính toán của các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Nanyang, cần 6 nhân công để thực hiện việc này. Và theo họ, như thế là quá nhiều người và vẫn chưa đủ nhanh.

Để giảm bớt thời gian và số người cần thiết, họ đã phát triển phiên bản nâng cấp của băng dính FRP có tên FasRap – Fast Wrapping Fibre Reinforced Polymer (tạm dịch: Polyme Sợi Gia cường Dán nhanh). Bí quyết ở đây là phủ lên trên lớp băng dính một loại keo dính đặc biệt chỉ trở nên cứng chắc khi tiếp xúc với ánh sáng. Nhờ vậy, lượng nhân công cần thiết sẽ giảm một nửa, còn khoảng 3 người.

Chưa hết, vì nhựa đã được phủ trước lên trên băng dính trong điều kiện có kiểm soát nên chất lượng của quá trình sửa chữa và gia cường sẽ thống nhất và dễ đánh giá hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, FasRap có chất lượng tương đương với FRP truyền thống, với khả năng tăng độ cứng cáp của cột bê tông lên 80% so với cột không sử dụng vật liệu gia cường.

bang dinh be tong 2
(Ảnh: Đại học Nanyang)

Ng Kee Woei, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Phát minh của chúng tôi cho phép các công ty tiết kiệm chi phí nhân công, tăng hiệu suất và khiến việc gia cường các kết cấu trở nên dễ dàng hơn. Nó sẽ giúp họ đáp ứng được các tiêu chuẩn xây dựng trong tương lai, kéo dài tuổi thọ của các tòa nhà, công trình cũ tại Singapore và các đô thị khác.”

Theo New Atlas
Quốc Hùng tổng hợp