Năm 2008, người ta đã khám phá ra một vật bí ẩn dưới mỏ than ở thành phố Donetsk nước Ukraina. Một bánh xe cổ đại nằm chìm trong trần đá tại khu mỏ, và vì không thể lấy nó ra ngoài một cách an toàn không hư hại, những người phát hiện đã quyết định để nó lại. Những thông tin tiếp theo đây được lấy ra từ cuốn The Myth Of Man (tạm dịch: Bí ẩn của loài người) của J.P.Robinson.

bánh xe cổ đại
(ảnh do tác giả cung cấp)

Trong khi đang khoan tại mỏ than cốc có tên J3 ‘Sukhodolsky’ ở độ sâu 900m, các công nhân đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra dấu vết của một bánh xe nằm ẩn trong trần đá sa thạch (sandstone) của khu hầm.

Chiếc bánh xe kỳ lạ này đã được Phó đốc công V.V. Kruzhilin chụp lại và chia sẻ với Đốc công S. Kasatkin, người sau đó công bố tin tức này ra công chúng. Tuy vậy, điều đáng tiếc là ngoài các bức hình làm bằng chứng cho sự tồn tại của chúng (không chỉ có một vết bánh xe) và lời kể của một nhóm thợ mỏ Ukraina, người ta đã không thể tìm hiểu sâu hơn về khu mỏ và kiểm tra tận tay chiếc bánh xe này.

bánh xe cổ đại
Một mỏ than ở làng Stebnyk, Ukraina (ảnh: Shutterstock)

Tìm thấy chiếc bánh xe kỳ lạ

Hiện không thể xác định một cách chính xác địa tầng nơi các bánh xe hoá thạch được phát hiện ra. Tuy vậy, khu vực Rostov quanh Donetsk nằm trên một vùng đá thuộc Kỷ Carbon có độ tuổi từ 360-300 triệu năm, và than cốc được hình thành trong khoảng giữa tới cuối Kỷ Carbon; đồng nghĩa với việc hoá thạch bánh xe có độ tuổi khoảng 300 triệu năm trước. Như vậy, một chiếc bánh xe đã bị kẹt lại hàng triệu năm trước đây rồi trải qua quá trình biến đổi trầm tích (diagenesis), tương tự như quá trình tạo thành hoá thạch mà chúng ta biết hiện nay.

bánh xe cổ đại
Một thợ mỏ phía dưới chiếc bánh xe (ảnh do tác giả cung cấp)

Dưới đây là bức thư của S. Kasatkin (dịch ra từ tiếng Ukraina) kể về việc ông đã chứng kiến quá trình các thợ mỏ tìm thấy chiếc bánh xe dị thường năm 2008.

Phát hiện này không phải là một chiêu trò câu khách. Năm 2008, đội của chúng tôi gồm các kỹ sư và công nhân đã yêu cầu giám đốc mỏ mời các nhà khoa học tới để kiểm tra cặn kẽ vật thể, nhưng vị giám đốc, dưới chỉ đạo của chủ mỏ lúc bấy giờ, đã cấm bàn luận về chuyện này và thay vào đó yêu cầu đẩy nhanh tiến độ khoan xuyên qua lớp địa tầng.

Chính vì vậy, chiếc bánh xe hoá thạch cùng với cái nhỏ hơn tìm thấy khi tiếp tục công việc, đã bị lưu lại trong hầm mà không cách nào lấy ra để nghiên cứu được. Thật tốt là có những người, bất chấp sự ngăn cấm của giám đốc, đã chụp hình chúng lại.

Tôi có quen biết với những người tìm thấy các bánh xe và cả những người chụp hình chúng. Chúng tôi có hơn 12 nhân chứng. Các bạn biết đấy, quyền được ra vào khu mỏ là rất hạn chế (rất nguy hiểm vì có thể bị rò khí bất ngờ) và xin được giấy phép là rất khó khăn.

Chiếc bánh xe bị chìm trong lớp đá sa thạch ở trên trần. Vài người cố gắng lấy cái bánh xe ra bằng búa đục, nhưng đá quá cứng, vì sợ rằng cái bánh xe sẽ bị hư hại nên họ đã để nguyên nó tại đấy. Vào lúc này mỏ đã bị đóng (chính thức đóng cửa từ năm 2009) và việc tiếp cận với vật thể là không thể thực hiện được – các trang thiết bị đã bị dỡ bỏ và khu vực đó đã bị ngập.

bánh xe cổ đại
Chiếc bánh xe cổ đại (ảnh do tác giả cung cấp)

Lời khai trên giấy này cùng lời kể của những nhân chứng khác, kèm theo các bức hình là bằng chứng duy nhất về chiếc bánh xe hóa thạch kỳ lạ. Tuy có nhiều khó khăn trong việc kiểm chứng những tình tiết khác ngoài những thứ trên đây, chúng ta vẫn nên suy ngẫm về vấn đề này. Nếu các bằng chứng bằng hình ảnh thực sự là đúng, thì con người phải đặt câu hỏi làm cách nào một chiếc bánh xe nhân tạo lại xuất hiện trong địa tầng cổ đại như vậy. Vào lúc đó, theo những kiến thức khoa học chính thống, thì con người vẫn còn chưa xuất hiện.

Những rãnh bánh xe cổ đại

Bằng chứng về sự tồn tại của những phương tiện có bánh cổ xưa cũng xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, như các vệt bánh xe hoá đá tìm thấy ở Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Malta, Kazakhstan, Ukraina và Bắc Mỹ.

Một di tích tiền sử có tên gọi Misrah Ghar il-Kbir, có nghĩa là Cái Hang Lớn trong tiếng Malta, nằm tại Siggiewi, gần với Vách đá Dingli ở quần đảo Malta. Địa danh này nổi tiếng với những rãnh bánh xe in hằn trên đá vôi có thể làm bối rối tất cả những ai tới thăm.

Tương tự như vậy, một loạt các rãnh bánh xe lạ thường hằn trên đá cũng xuất hiện ở hòn đảo Sicily tại một sân khấu của người Hy Lạp cổ có tên Sân khấu Lớn của Syracuse. Điều thú vị là, phần lớn các nhà khảo cổ học đều cho rằng những vệt bánh xe tại Malta có thể chính do những cư dân Sicily tạo ra sau khi họ di chuyển tới Malta khoảng 2000 năm trước Công Nguyên, khoảng thời gian bắt đầu thời kỳ Đồ Đồng.

Không những vậy, nhiều vết bánh xe còn xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số ở vùng Sofca bao phủ một diện tích khoảng 72 x 16 km, ngoài ra tại vùng Cappadocia cũng có một vài vệt bánh xe xuất hiện.

Số lượng lớn những vệt bánh xe như thế này đã làm dấy lên nhiều tranh luận về mục đích, độ tuổi và nguồn gốc của chúng. Nhiều yếu tố bí ẩn vẫn còn đang được đặt trên bàn thảo luận, nhưng theo sự liên đới và sự gần gũi về địa lý với các cấu trúc cự thạch, đặc biệt là ở Malta, và vì nhiều vết bánh xe đã bị chìm dưới đáy biển tại khu vực này, nhiều nhà nghiên cứu kết luận rằng những rãnh bánh xe hoá thạch có tuổi đời rất lớn.

vet banh xe tho nhi ky
Vết bánh xe ở Sofca, Thổ Nhĩ Kỳ (ảnh do tác giả cung cấp)

Kỳ lạ là, ở Ukraina, nơi chúng ta vừa tìm thấy bánh xe cổ, tại một pháo đài trung cổ hoang tàn tại vùng núi Crimea có tên gọi Chufut-Kale, người ta cũng phát hiện ra một loạt các rãnh bãnh xe trên đá giống như di chỉ gần đó ở Eski-Kermen.

Tiến sỹ Alexander Koltypin là nhà địa chất học kiêm giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Tự nhiên tại trường Đại học Độc lập Quốc tế Moscow về Sinh thái học và Chính trị học. Ông đã dành nhiều thời gian tới những di tich này và so sánh chúng với nhau để tìm ra sự khác biệt.

Tôi lần đầu tiên nhìn thấy các rãnh bánh xe trên đá tại một đồng bằng hình thành trong Kỷ Neogen vào tháng 5 năm 2014 (trung tâm bán đảo Tiểu Á thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Chúng nằm trên một khu vực đá núi lửa hình thành trong giai đoạn giữa và cuối Kỷ Miocene và theo các số liệu phân tích độ tuổi của các đá núi lửa gần đó, chúng có độ tuổi từ 12-14 triệu năm,” Koltypin viết.

>> Tảng đá mang thông điệp bí ẩn có từ 270 triệu năm trước

Hiện vẫn chưa rõ khu vực mà Koltypin nghiên cứu nằm cụ thể tại đâu. Mặc dù các học giả dòng chính cho rằng các vệt bánh xe này đơn giản chỉ là những gì còn sót lại của các phương tiện có bánh xe do lừa hoặc lạc đà kéo, Koltypin không nghĩ như vậy. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó. Bản thân tôi luôn nhớ rằng… có rất nhiều cư dân trên Trái Đất này đã bị xoá sổ khỏi lịch sử của chúng ta.”

vet banh
Vết bánh xe ở đảo Malta (ảnh: Frank Vincentz/ CC BY SA 3.0)

Sau khi đo chiều rộng và chiều sâu của các rãnh bánh xe tại thung lũng Phrygian, ông bị thuyết phục rằng chúng được tạo ra bởi các phương tiện có chiều dài tương tự như xe hơi hiện nay nhưng với bánh xe có chiều rộng 22,86 cm. Với độ sâu rãnh lớn như thế này, Koltypin bảo lưu ý kiến rằng chiếc xe hẳn phải là loại nặng hơn nhiều những chiếc xe nhỏ do lừa kéo.

Ông giả thuyết rằng nền văn minh đã sản sinh ra những chiếc xe nặng này rất có thể cũng là người đã tạo ra những con đường, đường mòn và các cấu trúc ngầm khác nằm rải rác khắp vùng Địa Trung Hải, khoảng hơn 12 triệu năm trước đây.

Mặc dù biết rằng sự hoá đá có thể xảy ra trong khoảng thời gian tương đối ngắn, nhưng Koltypin vẫn nhất mực cho rằng những lớp phủ kim loại nặng cùng sự phong hoá quan sát được cho thấy độ tuổi của các vệt bánh xe là rất lâu đời. Bên cạnh đó, theo ông, những thành phố nằm trong lòng đất, hệ thống thuỷ lợi, giếng nước và nhiều thứ khác nữa xung quanh, cũng cho thấy dấu hiệu được tạo thành từ hàng triệu năm trước đây.

Koltypin đã viết lên trên trang web của mình như sau: Chúng ta đang phải đối mặt với những trầm tích hoá đá rất khó hiểu, chúng bị phong hoá mức độ cao, vốn là quá trình phải mất hàng triệu năm, đầy những vết đứt gãy có xen lẫn cả khoáng chất, điều chỉ có thể xuất hiện trong giai đoạn có hoạt động kiến tạo địa chất cao.

>> Những phát hiện bị che giấu về lịch sử cổ đại (P1): Các dấu chân khổng lồ

Đó là những dấu hiệu cho thấy chúng ta cần phải nghiên cứu sâu hơn để làm rõ độ tuổi và nguồn gốc của rất nhiều vết bánh xe được phát hiện ở một loạt các địa điểm khác nhau. Và mặc dù người ta có thể cho rằng chúng đơn giản chỉ là sản phẩm của những chiếc xe kéo đã từng lăn qua lối ấy, nhưng sự nghiên cứu sâu hơn có thể sẽ hé lộ những câu chuyện phức tạp và đáng kinh ngạc – có thể là những tàn tích còn sót lại của một nền văn minh mà chúng ta chưa biết, như Alexander Koltypin đã đề xuất.

Chiếc bánh xe hóa đá ở Ukraina cùng những rãnh bánh xe kỳ lạ đề cập trên đây chắc chắn là một lời gợi mở về khả năng người cổ đại có lẽ có công nghệ và tri thức cao hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta.

Theo Ancient Origins
Quốc Hùng biên dịch.