Nghị viện Úc sẽ tranh luận về việc yêu cầu Google và Facebook trả tiền cho tin tức sau khi một ủy ban Thượng viện vào hôm 12/2 vừa qua khuyến nghị rằng không có thay đổi nào đối với các dự thảo luật như vậy trên thế giới.

Facebook Google
(Ảnh minh họa: Koshiro K/Shutterstock)

Ủy ban Lập pháp Kinh tế Thượng viện đã xem xét kỹ lưỡng dự luật kể từ khi nó được đề xuất tại Quốc hội vào tháng 12/2020.

Các thượng nghị sĩ bác bỏ lập luận của Facebook và Google rằng cái gọi là luật về thương lượng truyền thông, trong đó buộc các gã khổng lồ kỹ thuật số thỏa thuận việc thanh toán cho các phương tiện truyền thông tin tức của Úc đối với nội dung tin tức mà các nền tảng liên kết với nhau, là không khả thi.

Nhưng ủy ban cũng hiểu được rằng luật pháp cũng có rủi ro và cần phải được xem xét lại sau một năm.

“Ủy ban chấp nhận rằng không phải tất cả các rủi ro đều được tính đến, và có thể cần phải tiến hành sửa đổi thêm đối với cơ chế liên quan đến trọng tài và các nội dung khác của luật để chúng vận hành một cách tối ưu,” trích nội dung báo cáo.

Bộ trưởng tài chính Úc Josh Frydenberg cho biết Bộ tài chính sẽ xem xét lại quy định của luật một năm sau khi luật có hiệu lực nhằm “đảm bảo nó mang lại kết quả phù hợp với mục đích chính sách của chính phủ.”

“Chính phủ mong muốn tất cả các bên tiếp tục làm việc có tính xây dựng để đạt được các thỏa thuận thương mại trên tinh thần hợp tác và thiện chí được khuyến khích bởi luật này,” ông nói thêm.

Quốc hội dự kiến sẽ xem xét dự luật vào hôm 16/2 và chính phủ bảo thủ hy vọng nó sẽ được thông qua trong hai tuần tới.

Việc thông qua dự luật được đảm bảo ở Hạ viện, nơi chính phủ chiếm đa số ghế, không giống như ở Thượng viện.

Google tiếp tục nuôi hy vọng về việc sửa đổi luật.

“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các nhà hoạch định chính sách thông qua quy trình của quốc hội để giải quyết những mối quan tâm của chúng tôi và có được quy định pháp luật phù hợp với mọi người – nhà xuất bản, nền tảng kỹ thuật số, doanh nghiệp và người dùng Úc,” Giám đốc Google Lucinda Longcroft cho biết.

Google đã đẩy mạnh chiến dịch chống lại luật được đề xuất. Hãng này nói với ủy ban vào tháng trước rằng Google có thể sẽ khiến công cụ tìm kiếm của nó trở nên không khả dụng ở Úc nếu luật được đề xuất.

Google đã không trả lời yêu cầu của tờ AP về việc giải thích cách thức mà họ sẽ loại bỏ Úc khỏi chức năng tìm kiếm của mình.

Facebook đã đe dọa sẽ ngăn người dùng chia sẻ tin tức của Úc.

Facebook cho biết hôm 12/2 rằng họ hy vọng Úc sẽ có quy định pháp luật tạo điều kiện cho một “giải pháp khả thi thực sự bảo vệ sự bền vững lâu dài của ngành công nghiệp tin tức.”

Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump cũng đã phản đối mô hình này và yêu cầu Úc tạm dừng mọi kế hoạch hoàn thiện quy định của luật.

“Chính phủ Mỹ lo ngại rằng bất kỳ nỗ lực nào, thông qua luật pháp, để điều chỉnh vị trí cạnh tranh của những người chơi cụ thể trong một thị trường kỹ thuật số phát triển nhanh, gây thiệt hại rõ ràng cho hai công ty của Mỹ, có thể dẫn đến kết quả có hại,” Trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ Daniel Bahar và Karl Ehlers đã viết trong một bản đệ trình lên ủy ban vào ngày 15/1 với tiêu đề thư: “Văn phòng điều hành của Tổng thống Mỹ.”

Nhưng đối thủ của Google là Microsoft đã ủng hộ luật. Chủ tịch Microsoft Brad Smith hôm thứ 12/2 đã kêu gọi Mỹ xem xét việc áp dụng luật tương tự.

Google cáo buộc Microsoft, hãng tạo ra công cụ tìm kiếm Bing phổ biến thứ hai ở Úc, đã đưa ra những tuyên bố sai lệch.

“Việc Microsoft áp dụng luật do Úc đề xuất không có gì đáng ngạc nhiên – tất nhiên họ mong muốn áp đặt một mức thuế không khả thi với đối thủ và tăng thị phần của họ,” Phó Chủ tịch cấp cao của Google, Kent Walker cho biết.

Luật đề xuất của Úc nhằm mục đích khiến Google và Facebook phải trả phí cho các công ty truyền thông của Úc một cách công bằng khi sử dụng nội dung tin tức mà những gã khổng lồ công nghệ lấy từ các trang tin tức.

Không có kế hoạch làm cho các công cụ tìm kiếm nhỏ hơn như Bing trả tiền cho việc liên kết người dùng với tin tức của Úc, nhưng chính phủ đã không loại trừ lựa chọn đó.

Google đã phải đối mặt với áp lực từ các nhà chức trách ở các quốc gia khác trong việc trả tiền cho tin tức. Tháng trước, Google đã ký một thỏa thuận với một nhóm các nhà xuất bản Pháp, mở đường cho công ty thực hiện thanh toán bản quyền kỹ thuật số. Theo thỏa thuận, Google sẽ đàm phán các hợp đồng cấp phép cá nhân với các tờ báo, với các khoản thanh toán dựa trên các yếu tố như lượng truy cập trang web được xuất bản hàng ngày và hàng tháng.

Nhưng Google đang chống lại kế hoạch của Úc bởi hãng này sẽ có ít quyền kiểm soát hơn đối với số tiền mà họ sẽ phải trả. Theo hệ thống của Úc, nếu một nền tảng trực tuyến và một doanh nghiệp kinh doanh tin tức không thể đồng ý về giá cho tin tức, hội đồng trọng tài sẽ đưa ra quyết định bắt buộc về việc thanh toán.

Tuần trước, Google thông báo rằng họ đã bắt đầu trả tiền cho 7 trang web tin tức của Úc theo mô hình riêng của mình, Google News Showcase. Google đang trả tiền cho các nhà xuất bản tham gia để cung cấp nội dung paywall (tạm dịch: “Bức tường phí” – được mô tả như một bức tường ngăn cách giữa nội dung và người đọc, yêu cầu độc giả phải đóng phí để có thể “qua cửa”) cho người dùng News Showcase thông qua mô hình mà nó đã ra mắt vào tháng 10/2020.

Google đã đạt được thỏa thuận trả tiền với hơn 450 ấn phẩm trên toàn cầu thông qua News Showcase.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: