Một báo cáo khoa học mới công bố đã kết luận rằng nhựa và các hóa chất mà chúng để lại trong môi trường là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người. Báo cáo xác định hơn 140 hóa chất có sẵn trong các sản phẩm nhựa có thể gây hại cho cơ thể chúng ta, đặc biệt là thông qua việc can thiệp vào hệ thống nội tiết.

hóa chất
(Ảnh minh họa: MOHAMED ABDULRAHEEM/Shutterstock)

Cụ thể, một báo cáo của Hiệp hội Nội tiết Thế giới (Endocrine Society) và Mạng lưới Loại bỏ Chất gây ô nhiễm Quốc tế (IPEN) được đăng tải hôm 10/12 vừa qua cho biết con người đang bị phơi nhiễm với ít nhất 144 hợp chất hóa học. Chúng có thể can thiệp, chiếm quyền hoặc thao túng vào hệ thống hormone của con người thông qua việc sử dụng các sản phẩm nhựa. Và đây thực sự là điều thảm khốc cho nhiều thế hệ!

Báo cáo được thực hiện bởi các nhà khoa học Thụy Điển và Mỹ. Trong đó, họ nói lên mối đe dọa chính của nhựa đến từ một nhóm hóa chất bắt chước các hormone hoặc có thể gây trở ngại cho vai trò của chúng trong cơ thể. Các hóa chất này được gọi chung là EDC (chất gây rối loạn nội tiết) và các nhà khoa học đã tìm thấy ít nhất 144 chất EDC trong các sản phẩm nhựa hàng ngày.

Các hóa chất điển hình thuộc nhóm can thiệp được vào hệ nội tiết là các chất như per- và polyfluoroalkyl (PFAS), phthalates, bisphenol A (BPA), những kim loại độc hại như chì và cadmium. Một số được cố ý thêm vào nhựa để cải thiện độ bền của chúng, trong khi một số khác là sản phẩm phụ thoát ra ngoài môi trường sau khi các sản phẩm nhựa được thải vào bãi rác hoặc đại dương rồi phân hủy thành các hạt vi nhựa.

Qua nhiều phân tích, nghiên cứu về các hợp chất EDC trong cơ thể người, các nhà khoa học cho biết nồng độ phơi nhiễm cao hơn với chúng có thể làm gia tăng tỷ lệ vô sinh, tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường và thậm chí một số bệnh ung thư. Một số hóa chất thuộc nhóm EDC, chẳng hạn như chì, không hề có liều an toàn, nghĩa là ngay khi chúng có mặt, chúng sẽ gây hại. Mối đe dọa càng gia tăng ở những người trẻ tuổi, bởi họ có nguy cơ phơi nhiễm dài hơn với hóa chất EDC trong cả cuộc đời. Thậm chí việc thai nhi tiếp xúc với các hóa chất này còn làm tăng tỷ lệ mắc chứng tự kỷ, tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn tăng động giảm chú ý và nhẹ cân khi sinh.

Một nghiên cứu được đăng tải vào tháng 12/2020 trên tạp chí Environment International đã tìm thấy sự hiện diện của các hạt vi nhựa trong nhau thai của 4/6 bà mẹ sinh trong phòng siêu sạch không sử dụng bất kỳ thiết bị nhựa nào.

Đồng tác giả nghiên cứu Pauliina Damdimopoulou đến từ Viện Karolinska (Thụy Điển) cho biết: “Phơi nhiễm hóa chất gây rối loạn nội tiết không chỉ là một vấn đề toàn cầu ngày nay mà còn gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các thế hệ tương lai. Khi một phụ nữ mang thai bị phơi nhiễm, EDC có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của con cô ấy và những đứa cháu sau này. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy EDC có thể gây ra các biến đổi DNA để lại hậu quả qua nhiều thế hệ.”

Tác giả chính của nghiên cứu Jodi Flaws nhận định rằng những tác hại do EDC gây ra có thể tương đương với khói thuốc lá. Tuy nhiên, bởi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi nên việc phơi nhiễm với các chất độc từ nó như EDC sẽ khó hơn việc tránh các chất ô nhiễm như khói thuốc.

Sự phổ biến của EDC có nghĩa là các quốc gia và công ty sản xuất nhựa sẽ cần một nỗ lực toàn cầu nếu muốn thay đổi mọi thứ. Cho đến nay, nỗ lực đó vẫn còn rất hạn chế. Chẳng hạn, một số hãng sản xuất đã cố gắng tìm ra một chất thay thế an toàn hơn BPA, nhưng hóa ra vẫn có tính độc hại tương tự. Các loại nhựa phân hủy sinh học thường cũng vẫn chứa các chất phụ gia giống như nhựa thường.

Trong khi sản lượng nhựa nhìn chung vẫn tiếp tục tăng, nguy cơ tiếp xúc của chúng ta và các thế hệ tương lai với EDC không thể tự nó giảm xuống. Mặc dù thừa nhận rằng nhựa vẫn là một vật liệu cần thiết trong xã hội loài người và trong tương lai gần, đặc biệt là đối với những thứ như thiết bị y tế, các tác giả báo cáo cho biết tình hình cần phải bắt đầu thay đổi ngay bây giờ nếu chúng ta muốn giảm nguy cơ sức khỏe gây ra bởi các hợp chất EDC.

Chẳng hạn, giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch – nguồn sản xuất ra hầu hết nhựa trên hành tinh – sẽ giúp chúng ta bắt đầu cắt giảm được các hợp chất EDC. Báo cáo khuyến nghị các chính phủ nên có quy định chặt chẽ hơn với các hợp chất độc hại này, bao gồm cả lệnh cấm sử dụng hoàn toàn với một số chất và khuyến khích các nhà sản xuất nhựa tạo ra các sản phẩm thân thiện hơn.

Ví dụ, trong một động thái được các tác giả tán dương, vào tháng 5/2020, Thụy Sĩ đã trở thành quốc gia đầu tiên đề xuất bổ sung chất ổn định tia cực tím (một loại EDC không được chú ý nhiều như các loại khác) vào danh sách các hóa chất nguy hiểm được duy trì bởi Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy. Công ước Stockholm là một hiệp ước toàn cầu của Liên Hợp Quốc nên họ đang cố gắng bắt buộc các quốc gia thành viên thực hiện theo.

Ở góc độ cá nhân, chúng ta có thể giảm phơi nhiễm EDC bằng cách giảm sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Theo các tác giả, những hành động dù nhỏ bé như vậy cũng có thể góp phần cải thiện sức khỏe của chúng ta, bảo vệ môi trường, qua đó mang đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Theo Gizmodo,

Phan Anh

Xem thêm: