Một tháng qua, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, quân đội Nga hao binh tổn tướng nghiêm trọng, nhiều tàu chiến của Nga đã bị phá hủy, làm đảo lộn dự đoán của thế giới bên ngoài về tình hình chiến sự. Chiến tích của Ukraine được tiết lộ có sự hỗ trợ bởi các công ty công nghệ lớn. Các công ty công nghệ của Mỹ như Microsoft, Google và Starlink đã lần lượt hành động.

Google Microsoft Starlink
(Ảnh Trí Thức VN ghép)

Ngày 21/3, giới chức Ukraine thông báo về cái chết của 4 thiếu tướng Nga, gồm: Vitaly Gerasimov, Andrei Kolesnikov, Oleg Mitty và Andrei Sukhovetsky.

Theo thông tin được quân đội Ukraine công bố, hàng chục sĩ quan cấp cao của quân đội Nga đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bùng nổ, trong đó có ít nhất 6 sĩ quan cấp thiếu tướng. Điều này có nghĩa là hơn 1/4 số tướng lĩnh Nga tham chiến đã thiệt mạng tại Ukraine. Ngày 23/3, sĩ quan quân đội Ukraine Anatoliy Stefan đã tiết lộ trên tài khoản mạng xã hội của mình rằng Alexey Sharov, chỉ huy Đội cận vệ 810 của Thủy quân lục chiến Nga, đang ở thành phố cảng Mariupol phía đông nam Ukraine, đã bị quân đội Ukraine bắn chết. Đây là sĩ quan chỉ huy quân đội cấp cao thứ 15 bị thiệt mạng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine. Nga đang chứng kiến ​​số tướng lĩnh cấp cao tử trận nhiều nhất kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ II kết thúc.

Một sĩ quan cấp cao của NATO phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 23/3 rằng quân đội Nga đã phải gánh chịu thương vong từ 30.000 đến 40.000 người trong tháng đầu tiên của cuộc chiến ở Ukraine. Số người tử trận là từ 7.000 đến 15.000 người.

Ngày 26/3, lực lượng vũ trang Ukraine trong một tuyên bố cho biết, tại khu vực tác chiến Azov, theo thông tin mới nhất, một tàu đổ bộ cỡ lớn Saratov đang tấn công vào cảng Berdiansk đã bị phá hủy. Các tàu đổ bộ lớn Caesar Kunikov và Novocherkassk cũng bị hư hại.

Ngay từ ngày 7/3, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố rằng Thủy quân lục chiến Ukraine đã đánh chìm một tàu tuần tra Vasily Bykov loại 22160, thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tại vùng biển gần thành phố Odessa, một thành phố trên bờ Biển Đen ở phía nam Ukraine.

So sánh từ sức mạnh quân sự truyền thống, Nga vượt xa Ukraine. Tổng binh lực của quân đội Nga lên tới 900.000 người, trong khi quân đội Ukraine là 196.000 người. Về hải quân, tổng số tàu hải quân Nga gấp 10 lần Ukraine, hải quân Nga có 74 tàu chiến và 51 tàu ngầm, trong khi Ukraine chỉ có 2 tàu chiến cỡ lớn. Về lục quân, số lượng pháo của Nga là 5.934 khẩu, gấp 3 lần Ukraine, số xe tăng là 13.367, gấp 6 lần Ukraine và số xe bọc thép là 19.783, gần gấp 7 lần so với Ukraine. Về không quân, số lượng máy bay chiến đấu và trực thăng của quân đội Nga gấp 10 lần Ukraine.

Đằng sau những chiến thắng này của Ukraine là một minh chứng cho thấy sức mạnh của các công ty công nghệ lớn phương Tây.

Ngày 28/2, Chủ tịch Microsoft, ông Brad Smith ra thông báo cho biết, vào ngày 24/2, chỉ vài giờ trước khi Nga xâm lược Ukraine, Microsoft đã phát hiện một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ukraine. Các mục tiêu bao gồm các cơ sở và nhà sản xuất quân sự của Ukraine, cũng như lĩnh vực tài chính, lĩnh vực nông nghiệp, các dịch vụ ứng phó khẩn cấp, công tác hỗ trợ nhân đạo, các tổ chức và doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng. Microsoft ngay lập tức thông báo cho Chính phủ Ukraine về tình hình.

Trong vòng 3 giờ, hệ thống phát hiện virus của Microsoft đã được cập nhật để chặn phần mềm độc hại của Nga, Microsoft đặt tên nó là FoxBlade. Phần mềm độc hại xóa sạch dữ liệu trên máy tính. Sau đó, ông Tom Burt, Giám đốc cấp cao của Microsoft về ứng phó với các cuộc tấn công mạng lớn, đã thông báo cho bà Anne Newberg, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng về các công nghệ mạng và mới nổi, về vụ việc này.

Một ‘gã khổng lồ’ công nghệ khác của Mỹ đã giúp Ukraine trong cuộc chiến Nga – Ukraine là Google. Ngày 28/2, Google cho biết họ đã tạm thời chặn người dùng nước ngoài sử dụng tính năng theo dõi giao thông thời gian thực của Google Maps ở Ukraine. Các tài xế địa phương vẫn sẽ nhận được thông tin giao thông theo thời gian thực. Bằng cách này, điện thoại di động của Nga không thể nào kiểm tra điều kiện giao thông trên đường, và dẫn đến việc xuất hiện tình trạng lính Nga giật điện thoại di động của thường dân Ukraine ở khắp mọi nơi.

Một dự án khác của Google đó là Project Shield, cũng đang vươn cánh tay giúp Ukraine. Project Shield cho phép Google hấp thụ lưu lượng truy cập xấu từ các cuộc tấn công DDoS (từ chối dịch vụ phân tán) và hoạt động như một “lá chắn” cho các trang web, cho phép chúng tiếp tục hoạt động và bảo vệ trước các cuộc tấn công.

Trong 12 tháng qua, Nhóm phân tích mối đe dọa của Google (TAG) phát hiện Ukraine đã phải hứng chịu hàng trăm cuộc tấn công mạng (hack) khác do chính phủ nước khác hậu thuẫn, chủ yếu là từ Nga. Kể từ khi chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ, Google đã mở rộng chương trình Project Shield để cung cấp khả năng bảo vệ cho các trang web của Chính phủ Ukraine, các đại sứ quán trên thế giới và các chính phủ lân cận khác.

Ông Shane Huntley, thành viên của nhóm phân tích mối đe dọa của Google cho biết vào ngày 8/3: “Tính đến hôm nay, 150 trang web ở Ukraine, bao gồm nhiều cơ quan báo chí, đang sử dụng dịch vụ (Project Shield).”

Tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng tham gia vào cuộc chiến Nga – Ukraine. Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, thông tin liên lạc trên khắp Ukraine đã bị gián đoạn. Vào ngày 26/2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số của Ukraine, ông Mykhailo Fedorov, đã nói với ông Musk trên Twitter: “Khi bạn cố gắng chiếm đóng sao Hỏa – ​​Nga đang cố gắng chiếm Ukraine! Khi tên lửa của bạn hạ cánh thành công từ không gian – tên lửa của Nga đã bắn trúng người Ukraine dân thường! Chúng tôi yêu cầu ông cung cấp cho Ukraine trạm thu Starlink.”

Starlink là dịch vụ Internet tốc độ cao cung cấp vùng phủ sóng toàn cầu thông qua một nhóm vệ tinh quỹ đạo thấp do công ty SpaceX phóng lên.

Vào ngày 28/2, công ty SpaceX của ông Elon Musk đã vận chuyển lô thiết bị Starlink đầu tiên đến Ukraine, bao gồm: ăng-ten, giá đỡ chân máy và bộ định tuyến Wi-Fi. Theo thử nghiệm tốc độ được sử dụng bởi người dùng địa phương ở Ukraine, Starlink cung cấp tốc độ tải xuống liên tục 136Mbps, cao nhất có thể lên đến 200Mbps, gấp 5 lần tốc độ băng thông rộng Internet trung bình ở Ukraine. 

Trong cuộc chiến Nga – Ukraine, không phải ngẫu nhiên mà các công ty công nghệ cao của Mỹ như Microsoft, Google, và Starlink đã ra tay. Vào mùa thu năm 2020, một báo cáo bom tấn “Cạnh tranh bất đối xứng: Chiến lược ứng phó với cạnh tranh công nghệ của Trung Quốc” (Asymmetric Competition: Strategies for China’s Tech Competition) đã được gửi đến bàn của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tác giả chính của báo cáo là cựu Chủ tịch Google Eric Emerson Schmidt.

Báo cáo khuyến nghị Chính phủ Mỹ, để đối phó với những thách thức công nghệ của ĐCSTQ, cần thiết lập một cơ chế cho phép các công ty nhà nước và tư nhân chia sẻ thông tin tình báo công nghệ; thành lập một “đội dự bị tình báo”, dự trữ một một nhóm các chuyên gia công nghệ có thể được liên hệ khi cần thiết để có được kiến ​​thức chuyên môn của họ về các vấn đề cụ thể. Nói một cách đơn giản, chính là tích hợp năng lực công nghệ của khu vực tư nhân của Mỹ vào chiến lược tình báo quân sự của Chính phủ Mỹ.

Chiến lược này của Mỹ ban đầu được thiết kế để đối phó với ĐCSTQ. Nhưng giờ đây, do Nga xâm lược Ukraine, nó đã trở thành mục tiêu huấn luyện của Mỹ.

Chiến tranh Nga – Ukraine đã trở thành một bản xem trước của các mô hình chiến tranh trong tương lai. Nó cũng tạo cảm hứng cho một cuộc chiến có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan. Để giành chiến thắng trong trận chiến trong tương lai, cần phải đạt được lợi thế trong các công nghệ như mạng, viễn thông, điện tử, chất bán dẫn và phương tiện truyền thông. Cuộc chiến của sắt và thuốc súng sẽ được thay thế bằng cuộc đọ sức của trí tuệ nhân tạo.

Người sáng lập Foxconn, ông Quách Đài Minh (Terry Gou), hôm 24/3 cho biết, từ cuộc chiến Nga – Ukraine, có thể thấy vai trò của chiến tranh mạng là rất quan trọng, và “an ninh thông tin là an ninh quốc gia”. Ông gợi ý rằng Đài Loan có thể tham khảo cách làm của Mỹ và tích hợp các tổ chức an ninh thông tin. Ông chỉ ra, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã thành lập Nhóm Hợp tác Phòng thủ Không gian mạng liên hợp” (JCDC) vào tháng 8/2021, nhiệm vụ chính là tập hợp chính phủ và khu vực tư nhân để phát triển một kế hoạch phòng thủ mạng chung.