Vào thời điểm kỷ niệm 33 năm Thảm sát Thiên An Môn (Sự kiện Lục Tứ) đang đến gần, sự hợp tác của các công ty công nghệ phương Tây với Bắc Kinh để tăng cường kiểm duyệt các vấn đề nhạy cảm cũng được chú ý hơn.

microsoft nhat ban
(Nguồn: VDB Photos/Shutterstock)

“Bing” của Microsoft chặn chức năng tự động đề xuất đối với các từ nhạy cảm

Wall Street Journal đưa tin, tổ chức giám sát và an ninh mạng Citizen Lab của Đại học Toronto Canada (University of Toronto’s Citizen Lab) nhận thấy rằng các đề xuất tự động không hoạt động khi nhập tên của những người bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho là nhạy cảm trên Bing. Hệ thống thường đoán những gì người dùng muốn tìm kiếm chỉ bằng một vài ký tự đầu. Microsoft giải thích đây là một trục trặc kỹ thuật. 

Năm ngoái, Microsoft đã tạm dừng tính năng ‘tự động điền từ’ ở Trung Quốc để tuân thủ luật pháp nước này. Báo cáo mới cung cấp bằng chứng cho thấy sự kiểm duyệt của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến người dùng ở Mỹ và Canada.

Nghiên cứu cho biết 5 từ khóa (tiếng Trung) bị kiểm duyệt nhiều nhất là lần lượt là “Tập Cận Bình”, “Tank Man”, “Lý Văn Lượng”, “Giang Trạch Dân” “Quách Văn Quý”.

Báo cáo đề cập rằng việc xem xét tính năng tự động gợi ý của Bing không chỉ ảnh hưởng đến các tìm kiếm web hàng ngày mà còn ảnh hưởng đến hệ điều hành Windows của Microsoft và DuckDuckGo, một công cụ tìm kiếm khác của Mỹ.

Ông Chu Phong Tỏa (Zhou Fengsuo), một nhà lãnh đạo của phong trào sinh viên Thiên An Môn và là chủ tịch của tổ chức phi chính phủ “Trung Quốc Nhân đạo” tại Mỹ, chỉ trích Microsoft đã giúp duy trì chế độ độc tài của ĐCSTQ. Ông nói: “Có thể thấy rằng hoạt động kiểm duyệt của ĐCSTQ sẽ trở thành một phần của cuộc chiến thông tin vô cùng quan trọng nhằm trấn áp trong đối nội và xâm lược trong đối ngoại. Việc làm này của Microsoft là ‘tiếp tay cho kẻ ác làm điều xấu’, và đáng bị lên án.”

Vào dịp kỷ niệm 32 năm “Sự kiện Lục Tứ” hồi năm ngoái, người dùng ở nhiều quốc gia bao gồm cả Mỹ đã không thể tìm kiếm video hoặc hình ảnh của “tank man” (người xe tăng) trên Bing. Microsoft đã đổ lỗi cho con người gây ra sự cố.

Nhưng điều khiến giới quan sát lo lắng hơn nữa là, ngoài việc chặn các từ nhạy cảm, cách tìm kiếm và hiện nội dung của các nền tảng công nghệ đã bắt đầu có định hướng chính trị phù hợp với tuyên truyền của ĐCSTQ. Trong tháng này, một số cư dân mạng đã phát hiện ra rằng khi họ nhập từ khóa (bằng tiếng Trung) “quốc gia có tự do ngôn luận nhất trên thế giới” trong “phiên bản nội địa” của Bing của Microsoft tại Trung Quốc, tiêu đề đầu tiên được hiển thị trong kết quả tìm kiếm thực sự là “Trung Quốc là quốc gia tự do nhất trên thế giới”, trong khi sử dụng “phiên bản quốc tế”  thì lại không hiển thị kết quả này.

Ông Chu Phong Tỏa nói rằng: “Động thái của Microsoft tất nhiên là đáng xấu hổ và đáng lên án. Về vấn đề này, Microsoft luôn có hồ sơ đáng hổ thẹn này trong lịch sử. Họ kinh doanh rất nhiều ở Trung Quốc và có rất nhiều nhân viên.”

Ông Chu Phong Tỏa chỉ ra rằng LinkedIn, nền tảng xã hội việc làm và tuyển dụng do Microsoft sở hữu, trước đây đã chặn tài khoản của những người có thái độ chỉ trích Bắc Kinh ở Trung Quốc. Vào tháng 10/2021, LinkedIn đã rời khỏi Trung Quốc Đại Lục.

Phân tích: Microsoft và Apple là hai ‘gã khổng lồ’ công nghệ Mỹ dung túng sự kiểm duyệt của ĐCSTQ

Một công ty công nghệ phương Tây khác quyết tâm thâm nhập và ở lại thị trường Trung Quốc là Apple. Các nhà phân tích đã chỉ trích Apple vì công ty này vứt bỏ các nguyên tắc tự do mà chính họ đưa ra.

Theo thống kê từ AppleCensorship.com, một trang web hành động của công dân Mỹ chuyên theo dõi các hoạt động kiểm duyệt của Apple tại Trung Quốc, tổng cộng 9.678 ứng dụng (app) đã bị xóa khỏi App Store ở Trung Quốc Đại Lục, trong đó có 197 ứng dụng là ứng dụng tin tức. Tại Hồng Kông, có tổng cộng 2.293 ứng dụng quốc tế không thể tải xuống, trong đó có 51 ứng dụng thời sự như Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Một báo cáo do tổ chức này công bố vào tháng Tư cho biết, đối với các yêu cầu xóa ứng dụng do ĐCSTQ đề xuất, tỷ lệ hợp tác của Apple lên đến 98%.

Giám đốc cấp cao của Apple về các vấn đề chính phủ Timothy Powderly giải thích với Ủy ban Viễn thông Liên bang Mỹ (Federal Communications Commission – FCC) rằng: “Chúng tôi phải tuân thủ luật pháp địa phương, mặc dù đôi khi chúng tôi có thể không đồng ý với những luật này. Ứng dụng VOA vẫn có sẵn để tải xuống ở các quốc gia khác.”

Ông Brendan Carr – thành viên của FCC, nói với VOA qua một bản tin ngắn trên Twitter: “Phản ứng của họ (Apple) giống như những gì dự đoán. Những lời hùng biện mạnh mẽ đấu tranh cho nhân quyền đã không còn nữa. Thay vào đó là những lời hùng biện vòng vo và không mạch lạc, tất cả đều nhằm phục tùng mệnh lệnh của một chế độ độc tài và diệt chủng.”

Chu Phong Tỏa: Nhân viên có chức năng an ninh quốc gia đóng tại mọi công ty công nghệ ở Trung Quốc

Vào năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố Jin Xinjiang, một nhân viên tại Trung Quốc của công ty công nghệ Mỹ Zoom, cáo buộc anh ta làm gián đoạn ít nhất 4 cuộc họp trực tuyến kỷ niệm “Sự kiện Lục Tứ” trên nền tảng video này. Bản cáo trạng cho biết anh ta là liên lạc viên chính của Zoom với cơ quan tình báo Trung Quốc.

Ông Chu Phong Tỏa nói rằng bất kỳ công ty nào kinh doanh ở Trung Quốc đều có đội ngũ nhân viên có chức năng tương tự.

Bà Roslyn Layton, đồng sáng lập trang web “China Tech Threat” và phó chủ tịch cấp cao của Strand Consult, một công ty tư vấn ngành viễn thông Đan Mạch, nói rằng vì TikTok (phiên bản nước ngoài của Douyin) đã trở thành ứng dụng số một trên thế giới, do đó có thể thấy được thông tin ở ngoài Trung Quốc về “Sự kiện Lục Tứ” đang được gia tăng kiểm duyệt.

Bà Roslyn Layton cũng lấy thông tin rằng Apple có kế hoạch kết hợp chip của Yangtze Memory Technology Corp vào iPhone làm ví dụ, chỉ ra những nguy cơ tiềm ẩn của việc công nghệ Trung Quốc xâm nhập vào chuỗi cung ứng hàng hóa công nghệ chính của Mỹ cho đến quyền tự do ngôn luận, đồng thời cảnh báo rằng điện thoại di động nhúng công nghệ Trung Quốc có thể đột nhiên bị “crash” khi người dùng tham gia vào các hoạt động chính trị.