Các dòng dịch chuyển của không khí đang đưa ô nhiễm hạt vi nhựa đến những vùng xa xôi hẻo lánh của thế giới, và “toàn cầu hóa” một trong những vấn nạn mà con người đang phải đối mặt!

hat vi nhua khong khi
(Ảnh: Shutterstock)

Thấp thoáng giữa những đỉnh núi nhấp nhô của vùng Vicdessos thuộc dãy Pyrenee nước Pháp, là mấy ngôi làng nhỏ lơ thơ cùng lèo tèo vài người thích leo núi trượt tuyết. Thiên nhiên ở đây còn rất nguyên sơ. Ấy vậy mà, các nhà khoa học mới phát hiện ra những hạt vi nhựa nhỏ xíu đang trôi nổi trong không khí nơi này.

Mới đây, một nghiên cứu thuộc dạng tiên phong đã phát hiện ra những hạt vi nhựa nhỏ bé có thể đã được những con gió thổi đến nơi đây từ 100km hoặc xa hơn nữa. Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy các dòng không khí dịch chuyển đang đưa ô nhiễm vi nhựa lan ra khắp hành tinh này, cả những vùng xa xôi hẻo lánh cũng không ngoại lệ.

Và điều đó cho thấy vấn đề mà chúng ta đang đối mặt là lớn hơn nhiều so với tưởng tượng,” Deonie Allen, một nhà nghiên cứu thuộc Trường Khoa học Nông nghiệp và Đời sống Pháp, viết tắt là ENSAT, cho biết.

Nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Geoscience mà chúng ta nhắc đến ở trên, chỉ là một trong rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện để đánh giá lượng nhựa đang trôi nổi trong bầu khí quyển. Nó là đại diện cho làn sóng nghiên cứu đầu tiên, và còn có thể có nhiều làn sóng như vậy trong những năm tới. Bởi vì giới khoa học đang nỗ lực vẽ một bức tranh hoàn chỉnh về cách các hạt vi nhựa di chuyển trong môi trường và tác động tới con người.

Các hạt vi nhựa đến từ nhiều nguồn khác nhau, chúng thoát ra khi các vật dụng bằng nhựa lớn hơn (như chai hay túi nhựa) đang phân hủy trong môi trường, hoặc rơi ra từ các sợi vải tổng hợp. Kích thước của chúng rất đa dạng – từ nhỏ như một con virus cho tới lớn cỡ hạt gạo – và có thành phần là những hợp chất polymer phức tạp có bổ sung thêm các hóa chất khác.

>> Thêm một nạn nhân nữa của nhựa: Ốc mượn hồn (video)

Phần lớn các nghiên cứu liên quan đến vi nhựa đều được thực hiện ở các đại dương, nơi con người dễ thấy nhất. Dẫu vậy, giới khoa học dần nhận ra rằng chúng còn tồn tại trong hệ thống cấp nước sạch, đất và không khí.

Nghiên cứu đầu tiên đánh giá sự trôi nổi của nhựa trong không khí được thực hiện ở Paris và xuất bản năm 2015. Cho tới nay, người ta càng ngày càng chú ý nhiều hơn tới vấn đề này, vì những hiểu biết của con người về vi nhựa trong không khí còn rất giới hạn. Và với những biện pháp đo lường hiện tại, người ta chỉ biết rằng lượng vi nhựa trong không khí có thể thay đổi ở các vùng khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện thời tiết và nguồn phát ra vi nhựa.

Trước đây, Allen cùng các cộng sự của mình biết rằng vi nhựa đã xuất hiện tại các con sông và trầm tích ở vùng Pyrenee, nhưng không ai biết nguồn của nó đến từ đâu. Chúng không thể đến từ các nguồn bản địa vì nơi đây có rất ít người và không có nhiều các hoạt động công nghiệp. Sau khi sử dụng các thiết bị quan trắc không khí có sẵn ở vùng Pyrenee và lấy mẫu trong vòng 5 tháng, họ đã tìm thấy các sợi nhựa, vụn phim và các mãnh vỡ có kích thước to nhỏ khác nhau. Hầu hết có thành phần là polystyren, polyetylen và polypropylen, đều là các hợp chất thông dụng trong các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, nghiên cứu này cũng cố gắng tìm hiểu xem các hạt vi nhựa được thổi đến từ đâu. Họ không thể tìm ra câu trả lời một cách chính xác, vì chỉ có thể dùng các dữ liệu máy tính để đánh giá các dòng lưu chuyển không khí xem chúng đem vi nhựa đến từ hướng nào. Cách này chỉ có thể dự đoán hướng chủ đạo, chứ không tìm được nguồn. Hiển nhiên là các làng nhỏ quanh vùng không thể là nguồn của tất cả số nhựa mà các nhà khoa học thu được. Nguồn gốc đích xác của chúng chắc chắn phải đến từ nơi xa hơn rất nhiều.

Các nhà khoa học cũng nói rằng công trình của họ chỉ là nét bút đầu tiên của một bức họa lớn hơn về các hạt vi nhựa “bị gió cuốn đi” trên thế giới. Giới khoa học cần lấy mẫu, cũng như tiến hành các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm nhiều hơn nữa để hiểu được toàn cục vấn đề, bao gồm cả số lượng hạt vi nhựa mà con người đã đang hít phải bấy lâu nay. Một số nhà khoa học đang chuẩn bị nghiên cứu lượng hạt vi nhựa có trong không khí ở các vùng khác nhau trên thế giới, như thủ đô London của Anh và Bắc Cực, để bổ sung thêm số liệu và vẽ tiếp phần còn thiếu của bức tranh.

“Chúng ta, trong vài năm tới, nên hiểu biết nhiều hơn về những gì đang diễn ra,” tác giả Steve Allen của nghiên cứu, cho biết.

Theo Scientific American ,
Hạ Chi biên dịch