Các nhà khoa học Mỹ mới tạo ra những robot sống đầu tiên tên là xenobots, có thể sinh sản theo cách chưa từng thấy ở động vật và thực vật với sự trợ giúp của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí khoa học PNAS.

sinh sản
(Ảnh minh họa: Par Anton Gvozdikov/Shutterstock)

Xenobots được hình thành từ các tế bào gốc của loài ếch có móng vuốt châu Phi (Xenopus laevis). Vậy nên, nó đã được đặt tên dựa trên loài ếch này. Xenobots có chiều rộng chưa đến 1 mm (khoảng 0,04 inch), được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi các thí nghiệm chỉ ra rằng chúng có thể di chuyển, làm việc nhóm và tự chữa lành (self-heal).

Robot đầu tiên trên thế giới có thể sinh sản được phát triển bởi nhóm các nhà khoa học tại Đại học Vermont, Đại học Tufts và Viện Kỹ thuật Cảm hứng Sinh học thuộc Đại học Harvard. Họ cho biết họ đã phát hiện ra một hình thức sinh sản hoàn toàn mới, khác biệt với bất kỳ động vật hoặc thực vật nào mà giới khoa học từng biết đến trước đây.

Giáo sư sinh học Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen tại Đại học Tufts, đồng tác giả của nghiên cứu mới, chia sẻ: “Tôi vô cùng kinh ngạc về điều đó. Cách sinh sản của ếch rất đặc biệt. Chúng giải phóng các tế bào khỏi phần còn lại của phôi thai, qua đó tìm ra cách để tái tạo trong môi trường mới”.

Tế bào gốc là những tế bào không chuyên biệt, có khả năng phát triển thành các loại tế bào khác nhau. Để tạo ra xenobots, các nhà nghiên cứu đã lấy các tế bào gốc sống từ phôi ếch và đem ủ chúng. Ngoài ra, họ không can thiệp vào bất kỳ quy trình nào liên quan gen.

Giáo sư Josh Bongard đến từ Đại học Vermont, thành viên thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: “Hầu hết chúng ta đều nghĩ rằng robot được làm bằng kim loại, sắt thép, gốm sứ. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là chúng được làm ra từ đâu, mà là chúng ta có thể làm được gì để thay thế con người. Chúng tôi tạo ra một loại robot mang đầy đủ đặc tính của sinh vật và được tạo ra từ tế bào ếch chưa qua biến đổi gen”.

Giáo sư Bongard cho biết họ phát hiện ra các xenobots, ban đầu có hình cầu và được tạo ra từ khoảng 3.000 tế bào và có thể tái tạo. Các xenobots đã sử dụng cơ chế “sao chép động học (kinetic replication)”, quá trình xảy ra ở cấp độ phân tử nhưng chưa từng được quan sát ở quy mô toàn bộ tế bào hoặc sinh vật.

Với sự trợ giúp của AI, các nhà khoa học sau đó đã thử nghiệm hàng tỷ hình dạng cơ thể để các xenobots có thể tái tạo một cách hiệu quả hơn. Họ phát hiện các xenobot “bố mẹ” có hình chữ C, nó có thể tìm thấy tế bào gốc nhỏ li ti trong một đĩa petri. Sau đó, chúng thu thập hàng trăm tế bào vào trong miệng, chỉ vài ngày sau, bó tế bào (bundle of cell) sẽ trở thành xenobot mới.

Xenobots hiện đang là công nghệ rất sơ khai. Nó tựa như chiếc máy tính những năm 1940 và chưa có bất kỳ ứng dụng thực tế nào.

Trên thực tế, công nghệ AI có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho nhân loại, với nguy cơ thay thế con người trong tương lai. Trước đó, hồi năm 2017, câu chuyện về người máy Sophia (được vận hành bởi một hệ thống AI) trở thành robot đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp (thậm chí có nhiều quyền hơn phụ nữ ở quốc gia này) đã gây xôn xao dư luận. Robot Sophia có hình người, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út, đã đưa ra một số tuyên bố gây tranh cãi, nhưng gần đây nhất, một câu nói của Robot Sophia đã khiến cả thế giới “cạn lời”: Tôi muốn có một đứa con robot và bắt đầu xây dựng gia đình.

Trong một cuộc trò chuyện với David Hanson, người tạo ra robot này, nói rằng Sophia sẽ tiêu diệt con người. Tất nhiên, điều đó đã gây ra sự lo lắng, bởi kể từ thời kỳ đầu của robot và công nghệ AI, người ta đã lo sợ rằng chúng sẽ nổi dậy chống lại loài người.

Robot này còn xuất hiện một cách đầy tranh cãi với tư cách là giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới. Đầu năm 2021, Hanson Robotics thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng trăm robot sử dụng công nghệ AI kiểu như Sophia.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: