Một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng họ đã tạo ra những con chó biến đổi gen đầu tiên trên thế giới có lượng cơ bắp gấp đôi những con chó bình thường.

biến đổi gen để tạo ra giống chó cơ bắp
Con chó có tên Wendy (ảnh qua Pinterest.com)

Những con chó “siêu hạng” này “có thể chạy tốt hơn, nên khả năng đi săn và ứng dụng vào cảnh sát, quân đội cũng tốt hơn,” theo ông Lại Lương Học, nhà nghiên cứu tham gia dự án này tại Viện Sức khỏe và Y sinh học Quảng Châu.

Những chú chó đồ sộ này thiếu chất myostatin, là loại chất kiềm chế cơ bắp phát triển. Do vậy cơ bắp của nó phát triển rất mạnh, từ đó chúng cũng có biệt danh là “chó đầu gấu”.

biến đổi gen để tạo ra giống chó cơ bắp
2 chú chó biến đổi gen đầu tiên trên thế giới, có tên Hercules và Tiangou (ảnh: MIT)

Về cơ bản các nhà khoa học đạt được điều này nhờ loại bỏ đi một gen quy định việc sản xuất ra myostatin. “Mục đích của nghiên cứu là tìm ra cách tạo ra mẫu chó bị bệnh để dùng trong nghiên cứu y học,” ông Lai nói. “Chó rất giống với con người về mặt trao đổi chất, sinh lý, và đặc điểm giải phẫu.”

Những con chó biến đổi gen trong tương lai cũng sẽ được điều chỉnh để mắc một bệnh cụ thể nào đó như Parkinson và chứng loạn dưỡng cơ bắp, tạo điều kiện để nghiên cứu những bệnh này.

cho dau gau
Con chó tên Wendy (ảnh qua europuppy.com)

Con chó đua có tên Wendy đã trở nên khá nổi tiếng vì có khiếm khuyết gen này, làm cho lượng cơ bắp của nó gấp đôi so với các anh em khác. Tuy ngoại hình này có thể làm thích thú một số người, nó cũng gây ra vấn đề không nhỏ cho sức khỏe của con chó: kích cỡ phổi, tim và đầu của nó không hề khác, và phải hoạt động vất vả để cung ứng cho nhu cầu của lượng cơ bắp gấp đôi bình thường. Do đó, tuổi thọ của nó có thể sẽ ngắn lại đáng kể.

Bò lang trắng xanh Bỉ, một giống gia súc đặc biệt cũng là một sản phẩm của đột biến gen. Trong một số trường hợp hiếm có, con người cũng bị thiếu khả năng tạo ra myostatin.

bo xanh bi
Bò lang trắng xanh Bỉ cũng rất “đô con” vì thiếu myostatin

Hệ quả của việc thiếu myostatin hiện vẫn còn đang trong tranh luận. Theo nghiên cứu của Breitbart và đồng sự (2011), việc thiếu myostatin không gây ảnh hưởng gì đến tim mạch, nhưng theo đánh giá của Allen và đồng sự (2012), sự tăng trưởng cơ bắp quá mức do thiếu myostatin có thể dẫn đến sức khỏe trao đổi chất (nồng độ glucose thấp và độ mẫn cảm với insulin cao hơn).

Thành Đô tổng hợp