Một nhóm gồm những nhà đầu tư và những nhân viên thời đầu của Facebook và Google ở thung lũng Silicon đã liên minh để chống lại nạn nghiện công nghệ và buộc các công ty phải chịu trách nhiệm cho việc cố ý thao túng tâm lý người dùng.

Facebook và Google, nghiện công nghệ
(ảnh: Shutterstock)

Nhóm này có tên gọi là Trung tâm Công nghệ Nhân văn (viết tắt tiếng Anh: CHT), họ sẽ vận động để chính phủ đưa ra các luật chống lại nạn nghiện công nghệ và kết hợp với một tổ chức phi lợi nhuận tên là Common Sense Media để khởi động chiến dịch mang tên “Sự thật về Công nghệ” hướng tới 55.000 trường học ở Mỹ.

Những người lãnh đạo chính trong Trung tâm Công nghệ Nhân văn này là Tristan Harris, cựu giám đốc quản lý sản phẩm của Google; Justin Rosenstein, người phát minh ra nút “Like” của Facebook; Roger McNamee, một trong những nhà đầu tư sớm của Facebook.

Ngoài ra còn có ông Sandy Parakilas, một cựu quản lý của Facebook; ông Lynn Fox, cựu quản lý cao cấp về truyền thông của Apple và Google; ông Dave Morin, cựu quản lý cao cấp của Facebook.

Facebook và Google, nghiện công nghệ
Tristan Harris là người đã từng phát biểu tại TED về nạn nghiện công nghệ (ảnh: TED)

Chiến dịch “Sự thật về Công nghệ” sẽ được cấp vốn 7 triệu USD từ Common Sense. Chiến dịch này chủ yếu nhắm vào các sinh viên, các bậc phụ huynh và giáo viên để cảnh tỉnh về mức độ nguy hiểm của công nghệ, trong đó có cả nguy cơ trầm cảm nếu dùng mạng xã hội quá nhiều.

>> Làm sao để tránh bị trầm cảm khi dùng Facebook?

Ông Tristan Harris nói: “Chúng tôi hiểu rất rõ nội tình, chúng tôi biết các công ty đo lường những gì, biết họ nói chuyện ra sao, và chúng tôi biết công nghệ đó hoạt động như thế nào.” Chính nhờ những hiểu biết như vậy, liên minh này chắc chắn sẽ giúp mọi người hiểu rõ về bản chất, tác hại và cách sử dụng điều độ các sản phẩm công nghệ hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội.

Ông Harris cũng cho biết những siêu máy tính mạnh nhất thế giới hiện nay đang nằm trong tay Google và Facebook, nhưng nó lại được dùng để nhắm vào bộ não của con người và nhắm vào trẻ em.

Chiến dịch này được thành lập trong bối cảnh công nghệ hiện đại, đặc biệt là mạng xã hội, đang ngày càng bộc lộ những mặt trái đối với tâm trí con người. Khi điện thoại di động đang ngày càng phổ biến như hiện nay, tác động của nó còn lớn hơn nữa.

Các mạng xã hội này, trong đó có Facebook và Youtube, một nhánh của Google, chủ yếu lấy thu nhập từ quảng cáo. Do vậy họ phải tìm cách để có nhiều người dùng hơn và làm sao người dùng lưu lại trên nền tảng của họ lâu hơn. Đó là lý do vì sao họ tìm mọi cách để thu hút tâm trí và sự chú ý, thời gian của người dùng vào dịch vụ của họ càng nhiều càng tốt. Họ thậm chí đã sử dụng những kỹ thuật gây nghiện của các sòng bạc, nghiên cứu và lợi dụng những điểm yếu trong tâm lý con người để giữ chân người dùng.

>> Công nghệ thao túng tâm trí con người như thế nào?

Tầm ảnh hưởng của các mạng xã hội cũng đã trở nên quá lớn. Facebook có 2 tỷ người dùng – tương đương với số lượng tín đồ Cơ Đốc giáo trên thế giới, Youtube có 1,5 tỷ người dùng – tương đương với số lượng tín đồ của đạo Hồi. Vì vậy tầm ảnh hưởng của họ còn lớn hơn cả nhiều quốc gia ở thế giới thứ nhất. Ngoài ra các sản phẩm khác cũng hoạt động trên cơ sở thu hút sự chú ý của người dùng như WhatsApp, Instagram, WeChat, SnapChat, Twitter, cũng có lượng người dùng trong khoảng 100 triệu đến 1,3 tỷ.

Ngoài những nhân vật ở trên, cũng có các nhóm và cá nhân khác đã lên tiếng. Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần và trẻ em đã kêu gọi Facebook bỏ dịch vụ tin nhắn dành cho trẻ em mà họ đã giới thiệu cho những trẻ em 6 tuổi. Các nhóm phụ huynh cũng lên tiếng cảnh báo về Youtube Kids, một sản phẩm nhắm vào trẻ em.

Ông Chamath Palihapitiya, cựu phó chủ tịch Facebook đã phát biểu rằng mạng xã hội đang “xé nát các mối liên kết vận hành của xã hội.” Còn ông Sean Parker, cựu chủ tịch Facebook thì nói “Chỉ có Chúa mới biết được nó làm gì với bộ não bọn trẻ”.

Ngoài ra, gần đây nhà đầu tư nổi tiếng George Soros cũng mạnh mẽ chỉ trích 2 ông lớn công nghệ vì đã cạnh tranh không công bằng và thao túng nhiều vấn đề khác, gọi họ là “hiểm họa cho xã hội.”

Thành Đô tổng hợp