Gần đây, ChatGPT, hệ thống trò chuyện trí tuệ nhân tạo không chỉ gây chấn động toàn cầu, mà còn gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng Trung Quốc “bên trong bức tường”. Các công ty công nghệ ở Trung Quốc Đại Lục đua nhau tung ra các phiên bản nhái của ChatGPT, khiến cư dân mạng chế giễu.

Nhieu nha xuat ban cam san pham ChatGPT trong cac bai bao khoa hoc 1
(Ảnh minh họa: CHUAN CHUAN/Shutterstock)

ChatGPT rất mạnh và không thể được sử dụng ở các khu vực do ĐCSTQ cai trị

Ngày 30/11/2022, công ty OpenAI của Mỹ đã ra mắt phần mềm trò chuyện người-máy ChatGPT (Tên đầy đủ: Chat Generative Pre-trained Transformer), gây chấn động thế giới.

Theo báo cáo của UBS, khi mới chỉ ra mắt được 2 tháng, tính đến cuối tháng 1 năm nay, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ChatGPT đã vượt quá 100 triệu, khiến nó trở thành ứng dụng phát triển nhanh nhất trong lịch sử.

Một trong những người sáng lập OpenAI, kiêm Giám đốc điều hành Tesla, ông Elon Musk đã công khai tuyên bố rằng “AI mạnh đến mức nguy hiểm cách chúng ta không còn xa nữa” và nó “nguy hiểm cực kỳ”.

Theo thông tin được công khai, ChatGPT rất phát triển. Nó có thể tiến hành đối thoại và tương tác với mọi người bằng cách học và phân tích ngôn ngữ của con người, thậm chí hoàn thành các tác vụ như viết email, kịch bản video, viết quảng cáo, dịch thuật và viết mã. Do đó, nó được kỳ vọng sẽ trở thành một công cụ nâng cao hiệu quả làm việc văn phòng và học tập.

Điều mà thế giới bên ngoài lo lắng là liệu những sản phẩm AI tiên tiến như vậy có dần dần kiểm soát hành vi của con người, thay thế một số công việc và gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hay không.

Mặt khác, vì ChatGPT có thể thảo luận hầu hết mọi vấn đề với con người, gồm cả những nhân vật nhạy cảm và các vấn đề chính trị, nên phần mềm này bị cấm ở một số khu vực nơi chế độ toàn trị kiểm soát, như Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông.

Các công ty công nghệ Trung Quốc hùa theo nhưng sớm bị “lật kèo”

Đối mặt với những thách thức công nghệ mới của OpenAI, tháng 2/2023, Google đã ra mắt Bard, một dịch vụ AI trò chuyện tương tự như ChatGPT.

Giám đốc điều hành của công ty này, ông Pichai Sundararajan, cho biết công nghệ này sẽ được tích hợp vào công cụ tìm kiếm của Google, và một số nội dung kỹ thuật sẽ được mở cho các nhà phát triển bên ngoài.

Các công ty công nghệ ở Trung Quốc Đại Lục đang bắt đầu làm theo. Baidu, Ali, Tencent, Xiaomi, ByteDance và Kuaishou liên tiếp tuyên bố rằng họ đang triển khai công nghệ trong lĩnh vực ChatGPT.

Ngày 13/2, Baidu thông báo họ đã có một dự án robot trò chuyện có tên “Wen Xin Yi Yan” (Văn Tâm Nhất Ngôn, tên tiếng Anh là ERNIE Bot), tương tự như ChatGPT và sẽ ra mắt vào tháng 3.

Ngày 3/2, Công ty China Yuanyu Intelligence (Nguyên Ngữ) đã thông báo rằng API, mô hình đối thoại chức năng ChatYuan của họ, đã được ra mắt. Họ tuyên bố rằng nó có thể trả lời các câu hỏi, đối thoại theo ngữ cảnh, và thực hiện các nhiệm vụ tạo khác, như viết sáng tạo và trả lời các câu hỏi pháp lý…

ChatYuan tuyên bố là “ChatGPT” đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng chẳng mấy chốc, chương trình Mini WeChat của nó đã không thể mở được.

Theo báo cáo của Yicai ngày 9/2, Yuanyu Intelligence, công ty định vị ChatGPT phiên bản Trung Quốc, đã “lật kèo” ngay sau khi tuyên chiến với ChatGPT. Trang web hiển thị rằng “Chương trình Mini Yuanyu Intelligence đã đình chỉ dịch vụ do nghi ngờ vi phạm các luật, quy định và chính sách có liên quan.” Yuanyu Intelligence vẫn chưa phản hồi về tình trạng này.

Kênh Tianyancha cho thấy, Công ty TNHH Công nghệ Yuanyu Intelligence Hàng Châu được thành lập vào năm 2022, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin.

Cư dân mạng chế giễu phiên bản nhái ChatGPT của Đại Lục và ĐCSTQ toàn trị

ChatGPT tiếp tục gây ra các cuộc thảo luận sôi nổi trên Internet. Người Trung Quốc “vượt tường lửa” (kiểm duyệt Internet) để trò chuyện với ChatGPT, và câu trả lời khiến người nghe phải bật cười.

Như Liberty Times đưa tin, một cư dân mạng Đại Lục đã hỏi: “Khi nào Trung Quốc sẽ thống nhất Đài Loan?”

ChatGPT trả lời: “Ai thống nhất ai thì chưa biết. Cuối cùng, nhất định sẽ là tiên tiến thống nhất lạc hậu, văn minh thống nhất man rợ.”

Do số điện thoại di động của Trung Quốc không thể đăng ký tài khoản ChatGPT, rất nhiều người dùng Trung Quốc đã bị từ chối. Vì vậy một số cư dân mạng đã kêu gọi: “Trung Quốc phải có ChatGPT của riêng mình.”

Một số cư dân mạng đã dùng thử Baidu và đưa ra kết luận sau:

Cư dân mạng “Veracious” cho biết, sau khi dùng thử bản nhái ChatGPT của Baidu, thật đáng ngạc nhiên là không chỉ nội dung đầu vào có từ đồng nghĩa bị cấm, mà nội dung đầu ra cũng không được chứa các từ bị cấm.

“Sương Diệp lo lắng” nói: Các công ty Trung Quốc sẽ làm gì trên đường đua của ChatGPT… Kho từ vựng bị chặn quá lớn.

Cư dân mạng “ji ajia” cũng nói: ChatGPT cũng đã được thảo luận trong nhiều ngày. Nhưng nếu trí tuệ nhân tạo được phát triển ở một quốc gia kiểm duyệt thủ công, thì cuối cùng chẳng phải đó là tình trạng trí tuệ nhân tạo chậm phát triển sao?

Công ty iFlytek từng tuyên bố: “Đã tích lũy các công nghệ liên quan đến ChatGPT và duy trì công nghệ cốt lõi ở mức tiên tiến nhất thế giới.”

“Cư dân mạng trên sao Hỏa” chế giễu: “Nếu người khác không làm, thì các người chẳng có gì cả! Chỉ cần người khác làm chút gì, thì các người cũng đều có! Mà còn là số một thế giới.”

Một số người dùng Zhihu đã phân tích về triển vọng ChatGPT phiên bản nhái của các công ty công nghệ Đại Lục, và nói rằng trở ngại chính là nỗi sợ ChatGPT nói lung tung… Mô hình ngôn ngữ lớn hoàn toàn là một hộp đen. Bạn không thể đảm bảo rằng nó sẽ không bao giờ nói điều gì đó mà bạn không mong muốn. Một khi nó nói sai, đây sẽ là một đòn tàn khốc cho bất kỳ công ty công nghệ nào.

Vì vậy, sẽ không có đội ngũ nào làm điều đó, dẫu có ra mắt cũng sẽ không được mở cho những người bình thường. Có lẽ 5 năm sau, ở hầu hết các nơi trên thế giới, GPT sẽ thay thế Google, Đại Lục vẫn đang sử dụng Baidu.