Ngày 18/12 vừa qua, các công tố viên Mỹ đã buộc tội một cựu giám đốc điều hành của Zoom vì anh này đã có hành vi làm gián đoạn các cuộc họp video đánh dấu kỷ niệm cuộc đàn áp biểu tình sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn diễn ra vào năm 1989.

Thiên An Môn
(Ảnh: Ink Drop/Shutterstock)

CEO (Giám đốc điều hành) của Zoom tại Trung Quốc, Xinjiang Jin (Kim Tân Cương), 39 tuổi, bị cáo buộc đã làm gián đoạn ít nhất 4 cuộc họp video trực tuyến để tưởng niệm 31 năm vụ thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn (khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp một phong trào biểu tình cải cách kêu gọi dân chủ) vào tháng 5 và tháng 6/2020, do những người đang sống tại Mỹ tổ chức.

Công ty Zoom có trụ sở tại California cho biết họ đã “chấm dứt hợp đồng” người này vì vi phạm các chính sách của công ty, và đã “cho các nhân viên khác nghỉ hành chính trong khi chờ kết thúc” cuộc điều tra nội bộ. Trước đó, ứng dụng này từng bị giám sát chặt chẽ vì các mối quan hệ với ĐCSTQ, bao gồm cả việc gửi dữ liệu người dùng đến các máy chủ ở Bắc Kinh.

Trên thực tế, các cuộc thảo luận công khai về các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và việc đàn áp chúng là điều hoàn toàn bị cấm kỵ ở Trung Quốc.

Cáo buộc từ Bộ Tư pháp Mỹ

Một tuyên bố từ Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Jin Xinjiang, còn được gọi là Julien Jin, đã bị buộc tội “âm mưu quấy rối liên quốc gia và âm mưu chuyển giao phương tiện nhận dạng bất hợp pháp”.

Các công tố viên cho biết rằng từ tháng 1/2019, ông Jin Xinjiang đã âm mưu “kiểm duyệt bài phát biểu chính trị và tôn giáo của các cá nhân ở Mỹ và trên toàn thế giới theo sự chỉ đạo và dưới sự kiểm soát của các quan chức” trong chính phủ Trung Quốc.

Trong số các hành động được thực hiện nhân danh chính phủ Trung Quốc, các công tố viên cáo buộc rằng người đàn ông 39 tuổi này và những người khác đã làm gián đoạn ít nhất 4 cuộc họp kỷ niệm 31 năm cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn, một số cuộc họp có sự tham gia của những người bất đồng chính kiến đã tham gia vào các cuộc biểu tình năm 1989 và còn sống sót.

Họ cáo buộc rằng ông ta bịa đặt các vi phạm điều khoản dịch vụ của Zoom để biện minh cho hành động của mình với cấp trên.

Ông John C. Demers, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp về An ninh Quốc gia cho biết: “Không công ty nào có lợi ích kinh doanh đáng kể tại Trung Quốc có thể miễn nhiễm trước quyền lực cưỡng chế của ĐCSTQ.”

Vào tháng 5 và tháng 6/2020, Jin cùng với các quan chức ĐCSTQ đã lên kế hoạch thuyết phục các CEO Mỹ đóng các cuộc họp và đình chỉ các tài khoản của những nhà hoạt động bằng cách ngụy tạo bằng chứng rằng các cuộc họp của họ đã vi phạm điều khoản dịch vụ của nền tảng.

Họ đã ngụy tạo các tài khoản email giả trên nền tảng để cho thấy những người chủ trì và những người tham gia cuộc họp dường như đang ủng hộ các tổ chức khủng bố, kích động bạo lực hoặc phát tán nội dung khiêu dâm trẻ em. Các bằng chứng bịa đặt khiến các cuộc họp có vẻ như thảo luận về lạm dụng hoặc bóc lột trẻ em, khủng bố, phân biệt chủng tộc hoặc kích động bạo lực, đơn khiếu nại của tòa án cho hay.

Theo các công tố viên, Jin và các quan chức cũng cung cấp ảnh chụp màn hình được cho là hồ sơ người dùng của những người tham gia cuộc họp, cho thấy một người đeo mặt nạ cầm cờ Nhà nước Hồi giáo (IS). Jin đã có thể sử dụng những chi tiết này để thuyết phục các CEO của Mỹ hủy bỏ các cuộc họp video và đình chỉ hoặc đóng các tài khoản của các nhà hoạt động Mỹ.

“Jin sẵn sàng phạm tội và tìm cách đánh lừa những người khác trong công ty, để giúp chính quyền [Trung Quốc] kiểm duyệt và trừng phạt bài phát biểu chính trị quan trọng của người dùng Mỹ chỉ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận của họ,” Luật sư Mỹ Seth D. DuCharme ở Brooklyn cho biết.

Theo đó, nhà chức trách Trung Quốc “lợi dụng thông tin do Jin cung cấp để trả đũa và đe dọa những người tham gia” hiện cư trú tại Trung Quốc hoặc thành viên gia đình của những người tham gia đang sống tại đây.

Tuyên bố không đề cập đến tên của Zoom, nhưng công ty Zoom xác nhận rằng nhân viên cũ của họ đã bị buộc tội.

“Trong quá trình điều tra, chúng tôi đã biết rằng cựu nhân viên ở Trung Quốc bị buộc tội hôm nay đã vi phạm các chính sách của Zoom bằng cách cố gắng phá vỡ một số biện pháp kiểm soát truy cập nội bộ,” phía Zoom cho biết. “Chúng tôi cũng được biết rằng cựu nhân viên này đã có những hành động dẫn đến việc chấm dứt một số cuộc họp và tài khoản, đồng thời chia sẻ hoặc chỉ đạo việc chia sẻ một lượng hạn chế dữ liệu người dùng cá nhân với chính quyền Trung Quốc.”

Ông Jin hiện đang sống ở Trung Quốc và không bị Mỹ giam giữ. Ông phải đối mặt với án phạt tù lên tới 10 năm.

Điều gì đã xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989?

Những người biểu tình ủng hộ dân chủ đã tới Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 4/1989 và bắt đầu cuộc biểu tình chính trị lớn nhất trong lịch sử của ĐCSTQ, kéo dài 6 tuần, với hàng triệu người tham gia.

Thiên An Môn
Ngày 4/6/1989, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh đàn áp sinh viên và dân chúng kháng nghị hòa bình trên Quảng trường Thiên An Môn. (Ảnh: Wiki)

Vào đêm ngày 3/6, xe tăng tiến vào và quân đội nổ súng, giết chết và làm bị thương nhiều người không có vũ khí trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, giới chức Trung Quốc tuyên bố không có ai bị bắn chết trong quảng trường. Ước tính số người thiệt mạng trong cuộc đàn áp từ vài trăm đến vài nghìn. Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra con số chính thức về số người thiệt mạng.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: