Trang web của Parler bất ngờ tái xuất trở lại vào hôm 17/1 vừa qua với một thông điệp từ CEO John Matze, sau một thời gian im hơi lặng tiếng. Trang web chỉ hiển thị nội dung tin nhắn.

Parler
Ông John Matze, CEO của Parler. (Ảnh: Chụp màn hình)

Thông điệp của ông John Matze, CEO Parler cho thấy ứng dụng này đã có thể tìm thấy một dịch vụ lưu trữ khác, khoảng 1 tuần sau khi Amazon Web Services loại bỏ trang web truyền thông xã hội Parler khỏi các dịch vụ của mình. Trước đó, Parler được xem là một nền tảng “tự do ngôn luận”, đã chứng kiến ​​sự gia tăng chưa từng có về số lượng người dùng có tên tuổi thuộc cánh hữu. Ứng dụng này hiện đang bị Twitter, Facebook và các nền tảng khác đồng loạt loại bỏ.

Ông Matze cũng đưa ra một bản cập nhật trạng thái tạm thời với nội dung như sau:

“Chào thế giới, cái này có đang hoạt động không?”

“Bây giờ là thời điểm thích hợp để nhắc nhở các bạn – cả những người yêu và ghét chúng tôi – rằng tại sao chúng tôi thành lập nền tảng này. Chúng tôi tin rằng quyền riêng tư là điều tối quan trọng và quyền tự do ngôn luận rất cần thiết, đặc biệt là trên mạng xã hội. Mục đích của chúng tôi là cung cấp một quảng trường công cộng phi đảng phái, nơi mọi cá nhân có thể tận hưởng và thực hiện các quyền cơ bản của mình. Chúng tôi sẽ vượt qua mọi thách thức và trở lại với các bạn sớm nhất có thể. Chúng tôi sẽ không để các diễn ngôn dân sự (civil discourse) bị phá hoại.”

CEO Parler bat ngo gui thong diep tren trang web cua minh 1
Thông điệp mới của CEO Parler. (Ảnh: Chụp màn hình)

Lý do mà Amazon Web Services loại bỏ Parler là do ứng dụng này thiếu sự kiểm duyệt, trong bối cảnh xảy ra cuộc bạo động tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ vào hôm 6/1 vừa qua. Parler, trong một đơn gửi tòa án, đã trích dẫn các tin nhắn văn bản giữa ông Matze và người đại diện của Amazon, trong đó tuyên bố Amazon chủ yếu quan tâm đến việc liệu Tổng thống Donald Trump có chuyển sang dùng Parler hay không sau khi tài khoản Twitter của ông bị cấm vào tuần trước.

Trong đơn gửi tòa án nói trên cũng khẳng định rằng Amazon dường như không quan tâm nhiều đến các mối đe dọa bạo lực được cho là do người dùng Parler thực hiện. Tuần trước, Parler đã yêu cầu một tòa án liên bang ở tiểu bang Washington hủy bỏ quyết định của Amazon, đồng thời khẳng định Amazon tham gia vào các hoạt động độc quyền bằng việc loại bỏ nền tảng này. Twitter cũng là một khách hàng lớn của Amazon Web Services.

Theo công cụ tìm kiếm WHOIS, Parler dường như được lưu trữ bởi Epik, công ty chuyên bán tên miền (domain), đồng thời là bên đăng ký domain cho trang web truyền thông xã hội Gab.

Mặc dù không xác nhận rằng Parler đang tìm kiếm dịch vụ của mình, nhưng Epik trong một tuyên bố vào tuần trước đã bày tỏ sự bất bình trước hành động thiếu suy nghĩ của các công ty công nghệ lớn. Họ chỉ đơn giản là hủy hợp đồng và chấm dứt bất kỳ mối quan hệ nào mà thoạt nhìn có vẻ có vấn đề hoặc gây tranh cãi, theo Epik.

Ngoài  Amazon, Google và Apple cũng đã loại bỏ Parler khỏi các cửa hàng ứng dụng tương ứng của mình.

Trước đó vào ngày 17/1, ông Matze cho biết không thấy có dấu hiệu nào chỉ ra rằng Amazon, Google và Apple sẽ đưa ra quyết định loại bỏ Parler.

Trong những ngày trước khi bị đình chỉ, ông Matze đã phát biểu trên tờ Fox News rằng: “Amazon, như thường lệ, [về cơ bản] họ sẽ nói rằng ‘Ồ, tôi chưa bao giờ thấy bất kỳ vấn đề quan trọng nào cả. Không có vấn đề gì.’ Bạn biết đấy, họ tỏ ra rất thờ ơ. Và vì vậy, chúng tôi vẫn còn hoạt động vào ngày 8 và ngày 9/1, bạn biết đấy, chúng tôi không thấy dấu hiệu thực sự nào chỉ ra rằng vấn đề này là điều nghiêm trọng chết người.”

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: