Tại phiên điều trần (ngày 16/5) của Thượng viện Mỹ về AI, nhiều nghị sĩ Mỹ cảnh báo ảnh hưởng của AI đối với hoạt động bầu cử. CEO Sam Altman của OpenAI cũng cảnh báo mặt trái của AI, anh cho rằng dùng AI không phải cách hay để tìm kiếm tin tức mới.

shutterstock 2017845860
(Ảnh minh họa: Blue Planet Studio/ Shutterstock)

Vài tháng qua, nhiều công ty lớn, vừa và nhỏ đang đua nhau tung ra thị trường các sản phẩm trí tuệ nhân tạo (AI) với các chức năng khác nhau. Nhưng nhiều chuyên gia trong ngành chỉ ra rằng công nghệ này có thể làm trầm trọng thêm tác hại xã hội, bao gồm lan truyền thành kiến ​​và thông tin sai lệch. Thậm chí còn có cảnh báo rằng AI có thể hủy diệt loài người.

Ngày 16/5, Tiểu ban Quyền riêng tư, Công nghệ và Pháp lý (dưới đây gọi Tiểu ban) của Thượng viện Mỹ đã tổ chức phiên điều trần “Quản lý AI: Nguyên tắc đối với AI”, với hy vọng thực hiện bước đầu tiên trong xây dựng quy chuẩn về quản lý AI.

Thành viên Mazie Hirono của Tiểu ban đã lên tiếng cảnh báo, “Trong bối cảnh cuộc bầu cử năm 2024 đến gần, bất kỳ thông tin sai lệch nào cũng đều nguy hiểm [cho bầu cử]”. Bà ví dụ cách đây không lâu có bức ảnh giả về cựu Tổng thống Trump, người đã tuyên bố tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo, bị cảnh sát New York bắt giữ. Bà hỏi anh Altman liệu có nghĩ rằng hình ảnh giả mạo đó có hại không. Anh Altman trả lời rằng người sáng tạo bức ảnh đó nên tuyên bố rõ đây là ảnh ghép chứ không phải ảnh thật. Anh nói thêm (AI được sử dụng trong hoạt động bầu cử) đó là vấn đề đáng lo ngại…, vấn đề cần phải được quản lý giám sát.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley, một đảng viên Đảng Cộng hòa trong Tiểu ban, cũng bày tỏ lo ngại rằng AI đang được sử dụng để tạo ra các quảng cáo sai lệch nhằm gây ảnh hưởng đến mọi người trước cuộc bầu cử. Trong khi Thượng nghị sĩ Cory Booker nói, “Bây giờ chúng ta không có cách nào để bỏ ‘vị thần’ này vào một cái chai, ‘vị thần’ đó đang nhanh chóng xâm nhập trên khắp thế giới”.

Anh Altman gợi ý rằng chính phủ liên bang nên xem xét vấn đề cấp phép và thử nghiệm trong hoạt động phát triển mô hình AI, đưa ra các biện pháp khuyến khích tuân thủ an toàn… Ví dụ: yêu cầu công ty tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật, cần có kiểm tra và công bố kết quả trước khi phát hành AI, ngoài ra cần hợp tác toàn cầu trong vấn đề này.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC trước phiên điều trần ngày hôm đó, anh Altman nói rằng về lâu dài việc xây dựng các quy định, tiêu chuẩn và giám sát là rất sáng suốt, điều đó đảm bảo giúp chúng ta tận dụng được tốt nhất công nghệ AI, đồng thời cố gắng giảm bớt những bất lợi.

Một nhân viên khác của OpenAI cũng đề xuất thành lập một cơ quan cấp phép AI ở Mỹ, cơ quan này có thể được gọi là Văn phòng Đảm bảo Cơ sở hạ tầng và An toàn Trí tuệ Nhân tạo, hay OASIS.

Giám đốc quyền riêng tư và ủy thác Christina Montgomery của công ty tư vấn và công nghệ đa quốc gia IBM, kêu gọi Quốc hội Mỹ tập trung quản lý giám sát những lĩnh vực có khả năng gây hại cho xã hội nhất.

Chủ tịch Richard Blumenthal của Tiểu ban cho biết, ông đặc biệt lo ngại về tình trạng thất nghiệp: “Giống như tất cả các cuộc cách mạng công nghệ, công nghệ AI mới dự kiến ​​sẽ có tác động đáng kể đến việc làm, nhưng bây giờ rất khó để dự đoán mức độ tác động”, ông nói. Nhưng vấn đề này CEO Altman có vẻ lạc quan, “AI sẽ tự động hóa hoàn toàn một số công việc và sẽ tạo ra những công việc mới tốt hơn. Nhưng những thay đổi này cần có cách quản lý tương ứng”.