Mới chỉ 18 tuổi, nhưng chàng trai Fionn Ferreira ở Ireland vừa nhận được phần thưởng lớn từ đại gia công nghệ Google vì một thử nghiệm có thể thay đổi thế giới – tách các vi hạt nhựa ra khỏi nước.

18 tuoi tach vi hat nhua khoi nuoc
Ferreira tại Hội chợ Khoa học Google (Ảnh: Google)

Ô nhiễm nước là một trong những mối nguy hiểm to lớn đối với nhân loại, và một trong những nguồn gây ô nhiễm khó giải quyết nhất là vi hạt nhựa, những hạt nhựa nhỏ li ti rất khó tách ra khỏi nước. Những nguồn phát tán vi hạt nhựa chủ yếu nhất là quần áo may từ sợi tổng hợp, lốp xe, bụi bặm thành phố, làm đường, các phương tiện hàng hải.

Vi hạt nhựa làm ô nhiễm sông, hồ, đại dương, đi vào trong bụng cá, rồi quay trở lại đất liền trên mâm cơm của con người, khiến cả hệ sinh thái khốn khổ vì những gì con người đã tạo ra. Các khoa học gia ước tính một người Mỹ ăn phải 52.000 vi hạt nhựa mỗi năm. Rất nhiều trong số đó mang theo các hóa chất có độc tính với con người.

>> Vi hạt nhựa có ở khắp nơi, phát hiện được trong cả nước mưa

Giới khoa học đã loay hoay tìm cách loại bỏ vi hạt nhựa ra khỏi môi trường bấy lâu nay. Và cậu thanh niên Ferreira mới đây đã đóng góp một ý tưởng tiềm năng, rất có thể sẽ giải được bài toán khó này.

Một ngày nọ trên bờ biển, Ferreira nhìn thấy một hòn đá bị phủ đầy dầu sau một vụ tràn dầu. Ngoài dầu, trên hòn đá còn bám nhiều vi hạt nhựa. Nhựa và dầu đều là các chất vô cực, chúng có xu hướng sẽ dính với nhau trong tự nhiên. Trực giác của một nhà khoa học tương lai đã mang đến cho Ferreira một ý tưởng, cậu có thể tạo ra một hiệu ứng vật lý tương tự sử dụng chất lỏng từ tính có trong loa và một số thiết bị điện tử.

Chất lỏng từ tính – một phát minh của NASA

Chất lỏng từ tính – hay nước từ (ferrofluid), được kỹ sư Steve Papell của NASA sáng chế ra năm 1963 nhằm điều hướng dòng vận chuyển của nhiên liệu tên lửa trong môi trường không trọng lực.

Hiện nay, nước từ được sử dụng nhiều để kiểm soát rung động của loa và hàn kín các thiết bị điện tử không cho các bụi bẩn lọt vào bên trong.

Để hiện thực hóa những quan sát của mình, Ferreira đã tự tạo ra một chất lỏng từ tính của riêng mình. Cậu cho bột magnetite (Fe3O4) vào dầu thực vật (ngay cả dầu đã qua sử dụng từ những cửa hàng đồ ăn nhanh như McDonald cũng có tác dụng – Ferreira cho biết.)

Thứ chất lỏng từ tính của Ferreira khá ưu việt. Cậu cho biết nó không có hại cho môi trường (như nhiên liệu tên lửa), mà lại có thể thu tách được nhựa trong cả nước mặn và nước ngọt – và từ các nguồn như nước sinh hoạt hộ gia đình, nước dùng cho các cơ sở kinh doanh hay nước thải công nghiệp.

Giải pháp xử lý vi hạt nhựa tại Hội chợ Khoa học Google

Trong thử nghiệm của mình, Ferreira cho nước từ vào trong những cốc nước nhỏ có chứa vi hạt nhựa. Ban đầu, nước chuyển sang màu đen vì bột sắt magnetite. Nhưng sau khi Ferreira đặt một cục nam châm vào cạnh của cốc, nước trong cốc bắt đầu dịch chuyển, lôi kéo theo các vi hạt nhựa và giúp phần còn lại được lọc sạch.

Kết quả cho thấy 88% vi hạt nhựa trong các mẫu nước đã bị loại bỏ, cao hơn 3% so với kỳ vọng của Ferreira.

Không phải vi hạt nhựa nào cũng có tỷ lệ lọc sạch giống nhau. Trong số 10 loại nhựa được thử nghiệm, sợi polypropylen là loại khó lọc nhất, nhưng thứ chất lỏng của Ferreira vẫn thành công tới 80%. Còn loại dễ tách nhất là sợi nhựa dùng trong công nghiệp may mặc mà các bộ lọc của máy giặt trong nhà không xử lý được. Ferreira nói phát hiện này rất quan trọng, vì loại sợi nhựa này là nguồn chủ yếu của vi hạt nhựa đang thải môi trường hiện này.

>> Ngành thời trang hiện đại: Thảm họa môi trường ít được biết tới

18 tuoi tach vi hat nhua khoi nuoc 2
Ferreira cùng chiếc cúp tại Hội chợ Khoa học Google (Ảnh: Google)

Thành công của thử nghiệm đã mang lại cho Ferreira giải thưởng cao nhất trị giá 50.000 đôla Mỹ của Hội chợ Khoa học do Google tài trợ tại Mountain View, California.

Cuối năm 2019 này, Ferreira sẽ nhập học tại Trường Đại học Groningen ở Hà Lan, nơi cậu sẽ tiếp tục triển khai ý tưởng xử lý nước của mình.

Tuy vậy, cậu cho rằng ý tưởng của mình vẫn chưa là phải là giải pháp tốt nhất. Cậu nói:

Giải pháp chính là chúng ta cùng nhau ngừng sử dụng nhựa.”

Business Insider
Hạ Chi tổng hợp