Trong 49 ngày, Aldi Novel Adilang trôi dạt một mình trên biển Thái Bình Dương. Công việc thường nhật của cậu thanh niên 18 tuổi người Indonesia này là thắp đèn vào buổi tối cho rompong – một loại bè câu cá ở ven biển – để thu hút cá.

song sot tren bien 1 image
(ảnh: Đại sứ quán Indonesia)

Đó là một công việc đơn độc nhất thế giới, rompong của Adilang được neo ở 125km ngoài khơi tỉnh Bắc Sulawesi và cậu cũng không thể nhìn thấy các rompong khác. Thức ăn và nhiên liệu được đưa đến khoảng 1 lần mỗi tuần và công việc này kiếm được 130 USD/tháng. Adilang liên lạc với các thuyền cá bằng bộ đàm cầm tay.

Nhưng vào cuối tháng 7/2018, gió to đã làm đứt dây buộc và đẩy Adilang ra xa hàng trăm dặm ngoài khơi, đến tận gần đảo Guam nơi một con tàu của Panama tìm thấy tín hiệu cầu cứu của cậu – cách xa quê nhà tới 1920 km. Việc cậu sống sót là nhờ vào khả năng xoay xở tài tình, cộng thêm một chút may mắn.

Theo tờ Jakarta Post, Adilang sống sót là nhờ bắt cá và dùng gỗ trên rompong để đốt lửa nướng. Để có nước uống, cậu đã dùng một thứ sẵn có ở đó: chiếc áo thun của cậu.

“Tôi đã ở trên bè 1 tháng và 18 ngày. Thức ăn đã hết sau tuần đầu tiên,” Adilang cho biết. Khi trời nhiều ngày không mưa, “tôi đã phải nhúng quần áo xuống biển, sau đó vắt nước để uống.”

>> Kinh nghiệm thiền định của HLV giúp đội bóng nhí Thái Lan sống sót

Liệu người ta có thể uống nước biển để sống?

Điều này có vẻ bất khả thi: dù sao đi nữa, nước biển mặn tới nỗi nó gây độc hại cho cơ thể người. Cơ thể thải muối dư thừa ra ngoài qua thận, nhưng nếu một người không uống đủ nước ngọt trong quá trình đó, muối sẽ không thể được pha loãng đủ để lọc ra. Theo Cục quản lý biển Hoa Kỳ, nếu uống nước biển, một người sẽ cần thải ra nhiều nước hơn lượng họ uống vào để loại bỏ tất cả muối trong đó. Rốt cuộc, việc uống nước biển sẽ dẫn tới tử vong do mất nước.

Nhưng một số tờ báo cho biết, cậu thanh niên Adilang không dùng áo thun để lấy nước, mà còn để lọc nước. Theo một số nhà khoa học thì cách làm này có thể hữu ích.

Từng có 2 nghiên cứu cho thấy việc lọc nước qua sari (một loại trang phục truyền thống của phụ nữ Ấn Độ, dùng quấn quanh cơ thể theo nhiều phong cách khác nhau) có thể giúp lọc nước hiệu quả. Năm 2003, các nhà khoa học đã thử lọc nước từ sông và ao ở Bangladesh qua một mảnh vải gấp lấy từ sari, kết quả là lượng vi khuẩn dịch tả đã giảm 1/2. Điều thú vị là các mảnh vải cũ lọc tốt hơn vải mới bởi lỗ kích cỡ giữa các sợi vải nhỏ hơn.

Trong một nghiên cứu tiếp theo vào năm 2015, các nhà nghiên cứu thấy rằng lớp lọc bằng 4 lớp cotton cũ có thể loại trừ tới 99% vi khuẩn dịch tả.

Về phần Adilang, cậu kể rằng mỗi khi thấy có tàu đi ngang qua, cậu đều bật đèn để cầu cứu và không thể nhớ có bao nhiêu chiếc đã đi qua “mà không biết tới tình cảnh của tôi.”

“Tôi tưởng sẽ không bao giờ gặp lại cha mẹ nữa, vì thế tôi đều cầu nguyện mỗi ngày.”

song sot tren bien 2 image
ảnh chụp Adilang ngay sau khi được giải cứu (ảnh: Đại sứ quán Indonesia)

“Sáng sớm ngày 31/8, tôi thấy một con tàu nên đã bật đèn và la lên ‘help’ vào bộ đàm,” Adilang kể (năm 2018).

“Con tàu đi qua khoảng 1 dặm rồi nó quay lại. Có thể bởi tôi đã dùng từ tiếng Anh… sau đó họ liên lạc qua bộ đàm.”

Adilang là con út trong một gia đình có 4 anh chị em, cho biết sau lần sống sót này cậu không còn muốn làm việc trên rompong nữa.

“Cha mẹ tôi đã đồng ý.” cậu cho biết.

Theo BostonGlobe, Inverse,
Phong Trần tổng hợp