Các nhà nghiên cứu của Úc đã phát triển một loại vật liệu mới tương tự như keo dán vết thương siêu hạng, dùng để xịt lên vết thương, thậm chí là nội thương.

chat keo metro sieu hang
Chất keo dán vết thương mới(ảnh: ĐH Sydney)

Chất keo này hoạt động y hệt như các loại keo bịt kín hay keo dán ngói gia dụng, chỉ khác là nó làm từ protein đàn hồi tự nhiên.

“Một chất bịt kín tốt trong phẫu thuật cần phải có một vài tính chất: đàn hồi, kết dính, không độc và tương thích sinh học,” ông Nasim Annabi thuộc ĐH Northeastern, một tác giả của nghiên cứu, cho biết. “Nhưng hầu hết chất bịt kín trên thị trường chỉ có 1 hay 2 tính chất trên, chứ không phải toàn bộ. Chúng tôi có mong muốn tạo ra ra một loại vật liệu có đầy đủ các tính chất này,”

Sản phẩm của họ được đặt biệt danh là MeTro, có tính tương thích sinh học bởi nó làm từ cùng một loại protein cấu tạo nên mô liên kết, có tác dụng kết nối các tế bào ở người. Ngoài ra, sau khi được chiếu tia UV, loại keo MeTro này sẽ cứng lại trong 60 giây.

>> Cô bé 13 tuổi phát minh ra loại keo dán vết thương đột phá, nhận học bổng $15.000

Tiềm năng ứng dụng là rất lớn. “Dù là vùng chiến sự, trong các vụ tai nạn hay trường hợp cần phẫu thuật nhanh hơn, rộng hơn, chỉ cần xịt nó lên. Chiếc ống đựng nhỏ này, [chỉ cần] xịt nó lên vùng cần điều trị, cho dù là phổi bị thủng, hay mạch máu bị đứt,” GS. sinh hóa Anthony Weiss của ĐH Sydney cho biết.

Đại học của Úc này đã hợp tác với đại học Harvard và Northeastern của Mỹ để phát triển nguyên mẫu loại keo nói trên và giờ đang chuẩn bị để thử nghiệm lâm sàng trên người.

Các nhà nghiên cứu cho biết, chất keo này có thể thay thế cho nẹp, chỉ khâu y khoa truyền thống, và giúp xử lý dễ dàng hơn trong việc điều trị nội thương khó tiếp cận.

Bởi tính chất đàn hồi tự nhiên, nó là giải pháp lý tưởng cho các mô có tính phình ra, xẹp lại như tim, phổi, mạch máu.

“Sau đó nó phân hủy mà không gây độc. Nó đạt được mọi yếu tố của một chất bịt kín phẫu thuật đa năng và hiệu quả cao.”

Nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí Science Translational Medicine và nhóm đang tìm tài trợ để tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người.

Theo Engadget, ABC,
Phong Trần tổng hợp

Xem thêm: