Ấn Độ đang phải đối mặt với sự gia tăng kỷ lục về số ca mắc COVID-19, dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện, cũng như thiếu hụt ôxy một cách nghiêm trọng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Tushar Gatre/Shutterstock)

Câu hỏi quan trọng được đặt ra là liệu biến thể đột biến kép mới tên là B1617, có đứng đằng sau tình trạng bùng phát dịch bệnh với tốc độ nhanh nhất thế giới, với khoảng 350.000 ca mắc mới trong 24/4 hay không.

Biến thể B1617 đã xuất hiện ở nhiều nơi khác, bao gồm Singapore, Mỹ, Úc và Israel. Chính vì điều này mà một số quốc gia như Singapore và Vương quốc Anh đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với Ấn Độ.

Đây là loại “đột biến kép”

Biến thể kép ở Ấn Độ được báo cáo lần đầu tiên vào hôm 24/3 vừa qua, khi nó được tìm thấy trong hơn 200 mẫu xét nghiệm ở tiểu bang miền tây Maharashtra (chiếm tỉ lệ 20% tổng số mẫu xét nghiệm). Mới đây, tỉ lệ này đã tăng lên 60%.

Theo dữ liệu toàn cầu GISAID, tính đến tháng 4/2021, loại biến thể này đã được phát hiện ở 18 quốc gia khác.

Các nhà dịch tễ học cho hay rằng thuật ngữ “đột biến kép (double mutuant)” được dùng để chỉ một biến thể hoàn toàn mới, mang đặc điểm của 2 loại đột biến đã được xác định là E484Q và L452R.

Đột biến E484Q tương tự như một loại đột biến khác có tên là E484K (Eek), đã được phát hiện ở Nam Phi, Brazil, Vương quốc Anh. Eek được mệnh danh là ”đột biến đào tẩu (escape mutuation)” bởi nó giúp virus “qua mặt” được hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Bên cạnh đó, một nghiên cứu ở California đã phát hiện ra đột biến L452R có tính chất lây lan nhanh chóng. Các nhà khoa học cho biết cần thêm bằng chứng để xác định xem liệu những đột biến này có khiến biến thể B1617 trở nên nguy hiểm hơn hay không.

Biến thể B1617 đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại là “biến thể cần phải quan tâm”.

Các biến thể khác được tìm thấy ở Brazil, Nam Phi và Vương quốc Anh cũng đã được phân loại vào nhóm “cần phải quan tâm”, bởi chúng dễ lây lan hơn, có độc tính cao hơn hoặc có thể làm giảm hiệu quả của kháng thể.

Thiếu dữ liệu về biến thể B1617

Rakesh Mishra, giám đốc Trung tâm Sinh học Tế bào và Phân tử có trụ sở tại Hyderabad (Ấn Độ), là một trong những nhà khoa học hiện đang phân tích về biến thể B1617. Ông cho biết nó “có mức độ lây lan cao hơn so với các biến thể khác. Dần dần, nó sẽ trở nên phổ biến hơn và thay thế các loại biến thể khác”.

Dẫu vậy, người ta vẫn chưa biết liệu làn sóng dịch bệnh đang diễn ra tại Ấn Độ có liên quan đến biến thể này hay không.

Khi lần đầu tiên phát hiện ra nó, các quan chức y tế cho hay rằng B1617 không được tìm thấy với số lượng đủ lớn để tìm ra mối liên quan giữa nó với tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở tiểu bang Maharashtra và các tiểu bang khác của Ấn Độ.

Tại Vương quốc Anh, người ta đã phát hiện hơn 100 ca mắc biến thể B1617 của Ấn Độ. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Susan Hopkins đến từ cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE), hiện không có đủ bằng chứng để phân loại nó là một biến thể đáng lo ngại.

Hopkins cho biết: “Chúng tôi chưa có đủ dữ liệu về biến thể này để có thể làm rõ liệu nó có phải là một biến thể đáng lo ngại hay không. Chúng tôi đã đưa liệt nó vào loại biến thể đang được điều tra”.

Các biến thể khác có thể xuất hiện ở Ấn Độ

Theo Mishra, càng nhiều vật chủ nhiễm virus, thì càng có nhiều biến thể COVID-19 xuất hiện hơn. Vậy nên, Ấn Độ cần phải sớm kiểm soát được tình trạng bùng phát dịch bệnh COVID-19.

Một biến thể khác có tên là B1618, đã thu hút được sự chú ý gần đây khi trở thành loại biến thể được phát hiện nhiều thứ 3 ở Ấn Độ.

Nhà nghiên cứu virus học Goldstein (thuộc Đại học Utah) đã chỉ ra thành công của Vương quốc Anh trong việc ứng phó với một đợt bùng phát gần đây, bất chấp sự xuất hiện của một biến thể dễ lây lan.

“Tôi nghĩ rằng chiến dịch tiêm chủng có thể đã giúp ích… nhưng biện pháp phong tỏa đã cho phép họ làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh và xoay chuyển tình thế”, ông cho biết.

Theo CNA,

Phan Anh

Xem thêm: