Vật liệu sinh học kỳ diệu và những khám phá mới về hình học nhãn khoa đã dẫn dắt giáo sư Ernst Muldashev và những nhà khoa học Nga dấn thân vào hành trình đến Himalaya để khám phá nguồn gốc loài người.

Tiếp theo phần 1.

Himalaya là dãy núi cao nhất hành tinh, trải khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanma và Afghanistan. Nó cũng là nơi phân chia cao nguyên Tây Tạng với tiểu lục địa Ấn Độ. Đây cũng là khu vực chứa đựng vô số điều bí ẩn của nhân loại.

Phát hiện sửng sốt từ dãy Himalaya (P2): Trạng thái xô-ma-chi
Dãy núi Himalaya và các nước xung quanh (nguồn: Internet)

Là một nhà khoa học uy tín, Giáo sư Ernst Muldashev cho rằng các thành phần tham gia chuyến đi thám hiểm xuyên Himalaya cần phải có tư duy khách quan trong khoa học.

“Nhằm khẳng định hoặc phủ định giả thuyết của chính mình, chúng tôi đã tổ chức chuyến thám hiểm quốc tế, thành phần của đoàn, ngoài Nga ra, còn có đại diện của Ấn Độ và Nepal. Chuyến thám hiểm được tổ chức dưới sự bảo trợ của Viện khoa học Quốc Tế thuộc Liên Hiệp Quốc. Tổ chức này bao gồm các học giả hàng đầu thế giới, trong đó có cả những người đạt giải thưởng Nobel, rất quan tâm tới các nghiên cứu của chúng tôi,” Muldashev cho biết.

Trong chuyến thám hiểm đầu tiên, Ernst Muldashev lựa chọn lộ trình từ Nga, qua Ấn Độ, tới Nepal rồi mới tới Tây Tạng.

Phát hiện sửng sốt từ dãy Himalaya (P2): Trạng thái xô-ma-chi
Đoàn thám hiểm: 1) Giáo sư Ernst Muldashev – trưởng đoàn, 2) Tiến sĩ vật lý Valery Lobankov – phó đoàn, 3) Valentina Yakovleva, 4) S.A. Selivestrov, 5) V.G. Gafarov, 6) Tiến sĩ Paristra – Ấn Độ, 7)S. Riel – Nepal, 8) K. Budaacharaiya (nguồn: Muldashev)

Trạng thái xô-ma-chi

Tại Ấn Độ, đoàn của Muldashev gặp đại đức (Swami) Sabva Manaiam, người đứng đầu đạo viện Rama Krishna, tại thành phố Trandiga – một đạo viện hàng đầu Ấn Độ và đạo sư Daram Radje Bharti tại thành phố Amritsar. Cả 2 đạo sư này khi vừa nhìn thấy bức hình mà Muldashev đưa ra đều giật mình, kêu lên “Samadhi” (tiếng Việt đọc là xô-ma-chi), họ đều hỏi Muldashev rằng ông đã gặp người ấy phải phải không. 

Dai duc Sabva Manaiam
Đại đức Sabva Manaiam (giữa) và Giáo sư Mudashev (phải) (nguồn: Muldashev)

Theo hai vị Đạo sư của Ấn Độ, tại những hang động bí mật trong lòng đất khu vực Tây Tạng, có tồn tại những người có khuôn mặt giống như bức ảnh tái tạo của Muldashev đang ngồi thiền ở trạng thái xô-ma-chi với thân thể bất động, như đá, như thể đã chết nhưng thực ra thân thể họ vẫn còn sống.

“Trạng thái bất động như đá (stone-still-state) là thuật ngữ đã được giới khoa học nghiên cứu hiện tượng xô-ma-chi thừa nhận. Dĩ nhiên không phải xương thịt người ta biến thành đá tự nhiên, chỉ là thân thể trở nên rất và rất rắn.” đạo sư Daram cho biết.

Giải thích vì sao cơ thể của người trong trạng thái xô-ma-chi có thể trở lên rất rắn, đạo sư Daram cho biết, thông qua việc điều khiển trường sinh học để tác động vào nước trong cơ thể, những người nhập trạng thái xô-ma-chi vốn là những người có tâm hồn vô cùng trong sạch, thanh tịnh có thể khiến trao đổi chất trong cơ thể họ hạ xuống điểm không, khiến cho cơ thể hoá cứng, gần như không bị tác động bởi vi khuẩn. Điều kiện tốt nhất để bảo quản cơ thể người trong trạng thái xô-ma-chi là nhiệt độ lạnh (khoảng +4 độ C).

Phát hiện sửng sốt từ dãy Himalaya (P2): Trạng thái xô-ma-chi
Đạo sư Daram Dadje Bharti (phải) và Giáo sư Muldashev (nguồn: Muldashev)

Trong chúng ta, một số người thực hành thiền định sẽ biết đến khái niệm “định”. “Định” thường chỉ trạng thái mà một người tâm hồn trong sạch, không có chấp trước và tạp niệm thì khi ngồi thiền có thể đạt đến trạng thái toàn thân bất động, nhưng ý thức tỉnh táo, sáng suốt minh bạch, không có cảm giác về cơ thể. Người ta cho rằng trạng thái xô-ma-chi chính là “định”.

Tuy vậy, đạo sư Daram cho biết, không phải ai tham thiền cũng đạt được định và không phải người nào học được cách nhập định rồi đều có thể đạt được trạng thái xô-ma-chi, khi mà thể xác có thể được bảo toàn trong nhiều năm, thậm chí hàng nghìn, hàng triệu năm.

samdadhi
Hình vẽ một người tu luyện trong trạng thái xô-ma-chi (samadhi) (nguồn: Muldashev)

“Vậy, điều gì sẽ xảy đến với ý thức trong trạng thái xô-ma-chi?”, Muldashev hỏi đạo sư Daram.

“Trong học thuyết về xô-ma-chi, có thuật ngữ OBE (Out of Body Experience), có nghĩa là “trải nghiệm ngoài thân xác”, người ta có thể quan sát thân thể mình từ ngoài. Ở trạng thái xô-ma-chi phần linh hồn ở ngoài, dường như bên cạnh thân xác. Con người có thể tiếp tục sự sống sau khi thể xác đã rơi vào trạng thái như bị ướp khô, rồi lại quay về đó. Nhờ xô-ma-chi có thể hiểu được sự sống của linh hồn; bạn thấy được thể xác mình trong thực tại, một thân thể bất động và dường như đã chết, song bạn cảm thấy mình đang sống. Trong trạng thái xô-ma-chi, con người hiểu rằng có thể sống không cần đến phần xác”, đạo sư Daram trả lời.

Trạng thái Xô-ma-chi có thật sự tồn tại?

Nhiều người chúng ta được nghe câu chuyện về Bồ Đề Đạt Ma, sư tổ phái Thiền Tông của Phật giáo đã tham thiền nhập định 9 năm liên tục, không ăn không uống. Đây không phải là câu chuyện hoang đường, liệu khi đó Bồ Đề Đạt Ma có nhập Xô-ma-chi hay không?

Tờ báo London Telegraph năm 1880 đã thuật lại câu chuyện trong hồi ký của Đại tá Claude Martin Wade (phái viên của toàn quyền Anh tại Punjab, Ấn Độ) về một trường hợp nhập xô-ma-chi trong 40 ngày. Năm 1837, đích thân Ranjeet Singh, quốc vương đế quốc Sikh (vùng Punjab hiện nay) đã yêu cầu Haridas, một giáo sĩ Hồi giáo người Ấn Độ chứng minh khả năng trở về từ cõi chết sau một thời gian nằm dưới đất.

>> Khoa học chứng minh tu luyện có thể sản sinh năng lượng siêu thường

Trước sự chứng kiến của nhà vua và các quan lại trong triều và một nhóm các quân nhân và bác sĩ người Anh và người Pháp, Haridas rơi vào trạng thái xô-ma-chi chỉ trong một thời gian ngắn. Tướng Osborn, một nhân chứng lúc bấy giờ, kể lại:

“Khi mọi dấu hiệu của sự sống đã tắt, người ta trói tay của Haridas và khóa lại, tiếp đến họ quấn một tấm vải lanh có dấu triện của nhà vua lên người ông ấy. Sau đó thi thể được đặt vào trong một chiếc rương lớn, đưa ra ngoài thành phố và chôn trong ngôi vườn của một giáo sĩ. Người ta xây tường quanh địa điểm chôn sau khi đã rắc lúa mạch xung quanh và cử lính canh gác suốt ngày đêm”.

Sau 40 ngày, vào ngày 23/4/1837, ngôi mộ được đào lên. Dù hơi lạnh, nhưng cơ thể Haridas vẫn như trước đó 40 ngày.

Người hầu bắt đầu tắm cho Haridas bằng nước nóng, sau đó cho một chút bơ sữa trâu vào miệng ông ấy. Một vài phút sau đồng tử của Haridas giãn ra, Haridas ngồi dậy và nhận ra nhà vua đang ngồi cạnh mình. Ông thốt lên: “Giờ nhà vua đã tin tôi chưa?”

Maharaja Ranjit Singh Emperor of the Sikh Empire
Ranjeet Singh, quốc vương đế quốc Sikh, người chứng kiến việc Haridas nhập xô-ma-chi trong 40 ngày (ảnh: thevintagenews.com)

Đây là lần đầu tiên một người nhập trạng thái xô-ma-chi và thoát khỏi trạng thái này  trong thời gian dài được khoa học chứng nhận và đây cũng không phải lần cuối các nhà khoa học chứng kiến điều đó. Nếu lúc đó không có bác sĩ và nhà nghiên cứu của Anh chứng nhận thì người ta sẽ coi đó là chuyện cổ tích.

Vào thế kỷ 20 đã có rất nhiều thực nghiệm tương tự đã được thực hiện và đã chứng nhận được sự thật là một số người thiền định có thể nhập xô-ma-chi.

Những năm 1990, Kênh truyền hình nước Nga đã chiếu một bộ phim tài liệu (xem video clip phía dưới), trong đó mô tả: thử nghiệm đầu tiên của việc chôn người nhập xô-ma-chi được thực hiện vào năm 1959 tại trường ĐH Y học Ấn độ, khoa sinh lý. Tại đó, một người thực hành thiền đã chứng minh cho các nhà nghiên cứu là mình đã vào trạng thái xô-ma-chi 8 ngày. Người này đã được đưa vào trong một phòng nhỏ để theo dõi. Sau 2 giờ trong trạng thái đó, mạch đã đập đến 200 lần/phút. Khi ông làm ngừng hơi thở đột ngột thì mạch đập trên 250 lần/phút. Sau đó tự nhiên máy đo nhịp tim không hiển thị nhịp đập nữa, nhưng ông vẫn sống và ở trong trạng thái tim không đập cả tuần. Đến ngày thứ 8, ngày cuối cùng thì nhịp tim đập trở lại như cũ là 140 lần/phút. Trong phòng, lúc ban đầu khi ông vào là trạng thái trên là 37,2 độ C. Sau 7 ngày thì nhiệt độ cơ thể giảm xuống 34,8 độ, nhưng sau 2 giờ, nhiệt độ đã trở về mức bình thường.

Vào tháng 4/1971, ở thành phố Bombe người ta đã chôn một người tu luyện 106 tuổi xuống độ sâu 2m và không có một chỗ nào để thở, không có nước, không có oxi và ông nằm ở đó 1 tuần. Khi đào ông lên, các bác sĩ đã xoa bóp, làm ông thở lại được, và ông đã trở lại bình thường, chỉ sút mất 2kg. Ông cũng giảm thân nhiệt so với trước 1 độ C. Ông nói, cách ông “tắt” cơ thể của mình để tự làm sạch thân thể như vậy đã thực hiện hơn 100 lần.

Vậy, chuyện người con người có thể nhập định vào trạng thái xô-ma-chi không phải là chuyện hoang đường. Câu hỏi bạn đọc có thể đặt ra bây giờ là: vậy những người mà các đạo sư vùng Himalaya đề cập đến nhập xô-ma-chi để làm gì

Vì sao người ở Tây Tạng nhập định trong thời gian dài?

Khi Giáo sư Muldashev trao đổi với đạo sư Daram Radje Bharti tại thành phố Amritsar về các nền văn minh tiền sử, ông đã nhận được những thông tin vô cùng bất ngờ:

“Trên trái đất đã có 22 nền văn minh”- đạo sư Daram vào đề ngay,– “Đúng là các nền văn minh đã đạt trình độ công nghệ có hàm lượng chất xám cao và tự tiêu vong. Nạn tự hủy diệt diễn ra hoặc ở dạng “xung đột toàn cầu hoặc là hệ quả của thảm họa vũ trụ do tác động của tâm năng tiêu cực gây ra. Sau các thảm họa toàn cầu, khí hậu trên trái đất thay đổi. Và chỉ cần khí hậu trên trái đất trở nên thuận tiện cho sự sống, loài người lại xuất hiện dưới dạng nền văn minh mới, nó phát triển, đạt trình độ công nghệ có hàm lượng chất xám cao và lại tự hủy diệt”.

Chúng ta vẫn thường xuyên thấy các tin tức về việc phát hiện những di tích văn minh tiền sử từ khắp nơi trên Trái Đất, vậy câu chuyện của đạo sư Daram về 22 nền văn minh đã từng tồn và từng bị huỷ diệt cũng không phải là điều hoang đường. Và có lẽ, đã từng xuất hiện không chỉ 22 nền văn minh tiền sử trên Trái Đất.

Nhưng nếu thực sự loài người đã trải qua hàng chục đợt huỷ diệt và phục hồi như vậy, làm sao để khôi phục nhân chủng người một cách thuận lợi nhất? Rõ ràng, không có chuyện con người 22 lần tiến hoá từ vượn người mà thành người.

Theo các tài liệu đọc được, Muldashev phát hiện rằng nhân loại chúng ta ở chu kỳ văn minh lần này xuất phát từ chủng người Aryan. Và người Aryan có nguồn gốc xuất phát từ người Atlan (Atlantean).

Đạo sư Daram cho biết: “Chúng ta thoát thai từ người Atlan. Người Atlan có thể bảo toàn thân thể mình ở trạng thái xô-ma-chi trên Himalaya : phần cao nhất của thế giới, trong thời gian xảy ra đại hồng thủy, sóng biển đã không lên tới nơi. Sau này khi nước đã rút và điều kiện trên Trái Đất lại khá thuận tiện cho sự sống, các linh hồn quay lại với thân xác người Atlan và thế là họ lại bắt đầu sống trở lại, gieo hạt giống nền văn minh ngày nay. Điều kiện sống của họ khó khăn lắm. Ngoại hình của họ thay đổi dần theo sự thay đổi điều kiện sống trên trái đất và có những đường nét của con người thuộc nền văn minh của chúng ta”.

>> Điều gì đã xảy ra vào năm 9600 TCN khi Atlantis bị hủy diệt?

“…Đối với các đạo thầy phương Đông, xô-ma-chi cũng tự nhiên và dễ hiểu như định luật Newton đối với các vị vậy. Xô-ma-chi là điểm cứu hộ duy nhất trong trường hợp nền văn minh tự hủy diệt. Những người nhập xô-ma-chi và ở trong trạng thái đó hàng nghìn hàng triệu năm đã hiến mình cho mục đích cao cả: bảo toàn nhân loại trong trường hợp nền văn minh tự tiêu vong”.

Điều này cũng được đại đức Sabva Manaiam (Ấn Độ) hay vị lạt ma Phật giáo trường phái Bonpo ở Nepal (di cư từ Tây Tạng) khẳng định với Muldashev:

“Xô-ma-chi là thời điểm cứu nguy loài người, bởi chỉ có thông qua xô-ma-chi mới có thể bảo quản thân thể hàng nghìn năm và trong trường hợp cần thiết nhờ thể xác “sống lại” gieo mầm nền văn minh đã tiêu vong. Không phải chỉ có một nền văn minh đã tiêu vong và mỗi lần như vậy, người ta lại xuất hiện gieo mầm mới cho loài người.

…Một thân thể đã được tạo nên hoàn thiện phải được bảo toàn (ở trạng thái xô-ma-chi), bởi chỉ có một thân thể như vậy mới đủ khả năng sống sót trong những điều kiện khó khăn của sự phục sinh nền văn minh mới của con người. Người có thân xác ốm yếu, bệnh hoạn không thể định sâu và không chắc chắn”, vị lạt ma trường phái Bonpo cho biết.

Nói theo ngôn ngữ khoa học hiện đại của Giáo sư Muldashev, những người Atlan nhập xô-ma-chi và kể cả những người Aryan nhập xô-ma-chi hiện nay chính là nguồn quỹ gen của các nền văn minh nhân loại, giúp cho con người có thể khôi phục trong các thảm họa toàn cầu.

day himalaya hung vi
Theo Giáo sư Muldashev, người nhập xô-ma-chi trong các hang động ở Tây Tạng là quỹ gen của nhân loại dự phòng cho các thảm họa toàn cầu (Ảnh: Shutterstock)

Vậy, nguồn quỹ gen của nhân loại, hay những người nhập xô-ma-chi hiện đang ở đâu? Chúng ta có thể tiếp cận họ hay không? Liệu chỉ có người Atlan đang nhập xô-ma-chi hay không? Ai là tổ tiên của người Atlan? Chúng ta cùng tìm hiểu điều này ở các phần tiếp theo.

Video phim tài liệu của Kênh truyền hình nước Nga về thí nghiệm với người nhập xô-ma-chi (tiếng Nga):

Đón xem Phần 3.

Thiện Tâm tổng hợp 

Tài liệu tham khảo:

[1] Chúng ta thoát thai từ đâu?, Ernst Muldashev, Nhà xuất bản thế giới, 2009

[2] Chúng ta thoát thai từ đâu?, Ernst Muldashev, Bản tiếng Anh và tiếng Nga