Sudan là tên của con tê giác đực cuối cùng thuộc phân loài tê giác trắng phương Bắc. Hôm thứ Hai vừa qua nó đã qua đời ở khu bảo tồn Ol Pejeta, Kenya, hưởng thọ 45 tuổi.

tê giác trắng phương Bắc
(ảnh: Ol Pejeta)

45 tuổi ở tê giác là tương đương với 90 tuổi ở con người, vì vậy người ta không hề bất ngờ khi Sudan qua đời ở độ tuổi này. Trong vài tháng vừa qua, nó đã lâm trọng bệnh, bị viêm da phần chân sau và rất đau đớn. Cơ và xương bị thoái hóa còn da đã bị loét nghiêm trọng khiến nó không thể đứng trong nhiều ngày qua. Cuối cùng những người chăm sóc đã quyết định cho nó một “cái chết êm ái” vào ngày 20/3.

Loài tê giác trắng phương Bắc bị săn bắn đến mức gần như tuyệt chủng. Năm 1960 số lượng loài này là 2000, đến năm 1980, chỉ còn 15 con và đến nay sau cái chết của Sudan, loài này chỉ còn lại hai cá thể là Najin và Fatu – “con gái” và “cháu gái” của Sudan.

Tê giác trắng phương Bắc là một nhánh của loài tê giác trắng, một loài khác có số lượng đông hơn là tê giác trắng phương Nam. Loài phương Bắc này từng sinh sống trên những đồng cỏ phía đông và trung tâm châu Phi.

Chúng khác với các loài khác trong họ tê giác ở chỗ đôi tai có nhiều lông hơn, hàm răng có cấu trúc khác biệt, và kích thước cơ thể nhỏ hơn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng loài tê giác trắng phương Bắc nên được coi là một loài độc lập.

Do chiến tranh, môi trường sống bị phá hoại và bị săn bắn lấy sừng, số lượng loài này đã bị giảm rất nhiều. Năm 2008, các nhà khoa học đã không còn tìm thấy con tê giác trắng phương Bắc nào trong tự nhiên. Nhưng nhiều con đã bị bắt và đưa vào sở thú, trong đó có Sudan (ở trong sở thú từ năm 1975).

Video: Những hình ảnh cuối cùng của Sudan

Ông Jan Stejskal, Giám đốc Dự án quốc tế tại Sở thú Dvur Kralove, nơi nuôi dưỡng Sudan trong phần lớn cuộc đời của nó, phát biểu: “Sudan là một biểu tượng rõ rệt cho sự thiếu tôn trọng tự nhiên của con người. Nhờ sống trong vườn thú nó mới thoát khỏi bị tuyệt chủng như đồng loại của mình.”

>> Sừng tê giác: Thần dược hay lời đồn?

Cuộc chạy đua của công nghệ sinh sản mới

Đứng trước nguy cơ bị mất loài động vật quý hiếm này, các nhà khoa học đã bắt đầu một nỗ lực phát triển công nghệ sinh sản mới với hy vọng có thể bảo tồn loài này. Một nhóm các nhà khoa học đến từ 5 châu lục đang tìm cách kết hợp các kỹ thuật sinh sản cổ điển và phương pháp tế bào gốc hiện đại.

Người ta đã lưu trữ tinh trùng của loài tê giác trắng phương Bắc, vốn là của những con đực không có họ hàng với Najin và Fatu, nhưng cả hai con cái này đều không thể mang thai hoàn thiện cho đến khi sinh nở. Các nhà bảo tồn động vật hy vọng có thể tách trứng của Najin và Fatu, rồi thụ tinh trứng đó trong ống nghiệm; sau đó cấy trứng vào các con tê giác cái của loài tê giác trắng phương Nam.

Mặc dù thụ tinh trong ống nghiệm đã được thực hiện thành công cho người và các loài vật nuôi, nhưng nó chưa bao giờ thành công trên tê giác. Cho đến giờ, các nhà khoa học đã hoàn thiện kỹ thuật tách trứng trên tê giác trắng phương Nam, và họ sẽ lên kế hoạch để sớm thực hiện việc này với Najin và Fatu.

Cho dù trứng của chúng có thể sẽ tạo ra được những con tê giác trắng phương Bắc khỏe mạnh, nhưng nếu cả quần thể chỉ được sinh ra từ hai mẹ con Najin và Fatu thì sẽ dẫn đến sự thiếu đa dạng về gen, gây ảnh hưởng nguy hiểm đến sự phát triển của các thế hệ tê giác sau này.

Vì vậy, các nhà khoa học cũng lên kế hoạch sử dụng các tế bào đông lạnh của 12 con tê giác trắng phương Bắc để nuôi cấy thành tế bào gốc. Về mặt lý thuyết nó có thể phát triển thành trứng và tinh trùng, sau đó kết hợp để tạo ra phôi.

Các tiến bộ về công nghệ gần đây đã giúp kế hoạch này trở nên khả thi hơn trước đây rất nhiều. Tiến sĩ Shinya Yamanaka của đại học Kyoto đã giành được giải Nobel năm 2012 nhờ phát triển khả năng tạo các tế bào gốc bằng cách nuôi cấy tế bào. Kỹ thuật này đã được sử dụng thành công để tạo ra những con chuột khỏe mạnh và có khả năng sinh sản tốt.

Mặc dù kỹ thuật này rất hứa hẹn nhưng nó sẽ cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện. Theo bà Cathy Dean, giám đốc điều hành của tổ chức Cứu trợ Tê giác thì phải mất 15 năm, và sợ rằng đến lúc đó thì đã quá muộn để cứu loài tê giác trắng phương Bắc này. Tuy vậy, nếu hoàn thiện được kỹ thuật này, chúng ta vẫn có thể cứu được nhiều loài khác.

Nguyên Khánh tổng hợp