Mới đây, các nhà khoa học đã phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng đọc được suy nghĩ của con người bằng cách đo lường hoạt động của não bộ và chuyển đổi chúng thành văn bản. Nghiên cứu này làm dấy lên những lo ngại về quyền riêng tư và tự do.

Robot - AI - Trí tuệ (và quái vật) nhân tạo
(Ảnh minh họa: Sdecoret, Shutterstock)

Bài nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Neuroscience vào ngày 1/5 đã sử dụng mô hình “Transformer”, tương tự như mô hình của chatbot trí tuệ nhân tạo ChatGPT do OpenAI phát triển, để giải mã suy nghĩ của con người. Transformer là một mô hình học sâu (deep learning), ra đời vào năm 2017, được áp dụng chủ yếu vào lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính.

Những người tham gia thử nghiệm ban đầu sẽ nghe hàng giờ podcast và hoạt động não bộ của họ được ghi lại. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã huấn luyện bộ giải mã (decoder) về những bản ghi này. Tiếp theo, người tham gia sẽ nghe một câu chuyện mới hoặc tưởng tượng họ đang kể một câu chuyện, điều này cho phép bộ giải mã tạo ra văn bản tương ứng bằng cách phân tích hoạt động của não.

Các nhà nghiên cứu đã huấn luyện bộ giải mã về 3 chủ đề. Bài nghiên cứu cho biết: “Bởi vì bộ giải mã của chúng tôi sử dụng các biến ngữ nghĩa (semantic features), chứ không phải các biến vận động (motor features) hay các biến thính giác (auditory features), do đó các dự đoán của bộ giải mã sẽ nắm bắt được ý nghĩa của những kích thích (stimuli).”

“Kết quả cho thấy các chuỗi từ được giải mã không chỉ nắm bắt được ý nghĩa của những tác nhân kích thích mà thậm chí thường là các từ và cụm từ chính xác.”

Công nghệ đọc được suy nghĩ của con người có thể hỗ trợ cho những ai mất khả năng giao tiếp về mặt thể chất. Tuy nhiên, chúng cũng gây lo ngại về quyền riêng tư và tự do.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 17/3 với tạp chí MIT Technology Review, bà Nita Farahany, một người theo thuyết vị lai và là nhà đạo đức học tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Carolina, đã cảnh báo rằng việc thu thập dữ liệu não bộ có thể bị chính phủ và các thế lực khác sử dụng cho những mục đích bất chính.

“Ví dụ, một chính phủ độc tài có quyền truy cập vào công nghệ này có thể sử dụng nó để nhận biết những người không bày tỏ sự tuân thủ về mặt chính trị. Đây là việc lạm dụng dữ liệu một cách khá nhanh và nghiêm trọng. Hoặc là [người ta có thể] cố gắng xác định những người mắc bệnh thần kinh, sau đó phân biệt đối xử hoặc cô lập họ”, trích lời bà Farahany.

Tại nơi làm việc, công nghệ “phi nhân tính” này có thể được sử dụng để bắt buộc các nhân viên phải chịu sự giám sát thần kinh.

“Vấn đề xảy ra nếu nó được dùng như một công cụ bắt buộc, và người sử dụng lao động sẽ thu thập dữ liệu để đưa ra những quyết định về tuyển dụng, sa thải hoặc thăng chức. Họ biến nó thành một loại đo lường năng suất. Sau đó, tôi nghĩ rằng nó sẽ thực sự có vấn đề và ngấm ngầm [gây tác hại]. Nó làm xói mòn lòng tin… và có thể biến nơi làm việc trở thành phi nhân tính.”

Công nghệ đọc suy nghĩ mà không cần xâm nhập vào cơ thể, làm dấy lên các vấn đề về quyền riêng tư

Không giống như các hệ thống giải mã ngôn ngữ khác đang được phát triển hiện nay, kỹ thuật được công bố trong nghiên cứu ngày 1/5 hoàn toàn không xâm nhập vào cơ thể và không yêu cầu các đối tượng tham gia phải phẫu thuật cấy ghép.

Ông Alex Huth, trợ lý giáo sư về khoa học thần kinh và khoa học máy tính tại Đại học Texas ở Austin, người đứng đầu nghiên cứu, đã gọi kết quả này là một “bước tiến thực sự” đối với việc đọc hiểu não bộ mà không cần xâm nhập vào cơ thể.

Ông Huth cho hay: “Chúng tôi đang sử dụng mô hình để giải mã ngôn ngữ liên tục trong thời gian dài với những ý tưởng phức tạp”. Kết quả được giải mã không phải là bản dịch theo kiểu “word-for-word” (dịch từng chữ, từng từ). Thay vào đó, chúng nắm bắt được ý chính về những gì mọi người đang nghĩ.

Để giải quyết những lo lắng về quyền riêng tư, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm bộ giải mã để xem liệu chúng có thể được huấn luyện mà không cần sự hợp tác của con người hay không. Nhóm nghiên cứu đã cố gắng đọc hiểu giọng nói trong nhận thức được từ nhóm người này bằng cách sử dụng bộ giải mã được huấn luyện từ dữ liệu của một nhóm người khác.

“Những bộ giải mã được huấn luyện dựa trên dữ liệu của các nhóm chéo (những nhóm người tham gia khác nhau) cho ra kết quả gần như ngẫu nhiên và kém hơn đơn kể so với những bộ giải mã được huấn luyện dựa trên dữ liệu của cùng một nhóm. Điều này cho thấy rằng sự hợp tác của chủ thể vẫn cần thiết trong việc huấn luyện bộ giải mã”, trích dẫn bài báo.

Các nhà nghiên cứu cũng xác nhận rằng bộ giải mã được huấn luyện với sự hợp tác của một người không thể được sử dụng để xác định suy nghĩ của cá nhân đó nếu họ cố tình chống lại nó. Những chiến thuật như nghĩ về các con vật hoặc lặng lẽ tưởng tượng ra những câu chuyện có thể ngăn hệ thống này đọc được suy nghĩ.

Ông Huth phân tích: “Một người cần dành tới 15 giờ nằm trong máy quét MRI, hoàn toàn bất động và tập trung cao độ vào những câu chuyện mà họ đang nghe trước khi hệ thống này thực sự hoạt động hiệu quả với họ.”

Ông Jerry Tang, đồng tác giả của bài nghiên cứu, nhận định rằng trong lúc công nghệ này đang ở giai đoạn đầu, các chính phủ nên tìm cách ban hành những chính sách bảo vệ mọi người và quyền riêng tư của họ:  “Việc ban hành quy định về việc các thiết bị này có thể được sử dụng vào mục đích gì cũng rất quan trọng”.

Vy An (Theo Epoch Times)