Ý tưởng cho robot “mượn” khuôn mặt dường như là chuyện chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng điều này có thể sớm trở thành sự thật. Mới đây, nhà sản xuất robot có tên Promobot (trụ sở tại New York, Mỹ) hiện đang tìm kiếm khuôn mặt mẫu cho sản phẩm người máy sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp theo, dự kiến sẽ được dùng làm nhân viên tại khách sạn, trung tâm thương mại và sân bay kể từ năm 2023. Hãng này đang đưa ra mức giá khoảng 200.000 USD (hơn 4,5 tỷ đồng) cho tình nguyện viên “dũng cảm”, người sẵn sàng chuyển giao quyền sử dụng hình ảnh khuôn mặt vĩnh viễn.

Promobot
(Ảnh minh họa: Anton Gvozdikov/Shutterstock)

Promobot được biết đến là hãng sản xuất ra những con robot giống người đến “giật mình“. Sản phẩm của công ty này đang được sử dụng tại 43 nước, cho nhiều công việc khác nhau như quản trị viên, cố vấn, hướng dẫn viên, hỗ trợ dịch vụ khách hàng.

“Công ty chúng tôi đang phát triển các công nghệ liên quan đến nhận diện khuôn mặt cũng như là giọng nói, điều hướng tự động, trí tuệ nhân tạo và những lĩnh vực khác liên quan đến người máy. Kể từ năm 2019, chúng tôi đã tích cực sản xuất và cung cấp robot hình người cho thị trường. Khách hàng của chúng tôi muốn triển khai một dự án quy mô lớn và để làm được điều này, họ cần bộ mặt của robot được cấp phép để tránh những rắc rối về mặt pháp lý”, phía Promobot tuyên bố.

Sản phẩm robot này đã được ủy quyền bởi một công ty ở Mỹ và sẽ được dùng tại các địa điểm như sân bay, trung tâm mua sắm, cửa hàng bán lẻ trên khắp khu vực Bắc Mỹ và Trung Đông từ năm 2023. Yêu cầu của Promobot là tình nguyện viên phải có khuôn mặt “tử tế và thân thiện”, không quan trọng về giới tính hay tuổi tác.

Công ty này không nêu rõ lý do mà họ tìm kiếm một bộ mặt người thật, thay vì chọn mặt do máy tính lập trình giống như robot Sophia.

Đây cũng không phải lần đầu tiên một hãng sản xuất robot đề nghị tình nguyện viên cho “mượn” khuôn mặt. Hồi năm 2019, một hãng robot đã đưa ra mức giá 130.000 USD (gần 3 tỷ đồng) cho người chấp nhận để công ty sử dụng khuôn mặt.

Trên thực tế, công nghệ AI có thể gây ra những hậu quả khôn lường cho nhân loại, với nguy cơ thay thế con người trong tương lai. Trước đó, hồi năm 2017, câu chuyện về người máy Sophia (được vận hành bởi một hệ thống AI) trở thành robot đầu tiên được cấp quyền công dân hợp pháp (thậm chí có nhiều quyền hơn phụ nữ ở quốc gia này) đã gây xôn xao dư luận. Robot Sophia có hình người, mang quốc tịch Ả Rập Xê-út, đã đưa ra một số tuyên bố gây tranh cãi, nhưng gần đây nhất, một câu nói của Robot Sophia đã khiến cả thế giới “cạn lời”: Tôi muốn có một đứa con robot và bắt đầu xây dựng gia đình.

Trong một cuộc trò chuyện với David Hanson, người tạo ra robot này, nói rằng Sophia sẽ tiêu diệt con người. Tất nhiên, điều đó đã gây ra sự lo lắng, bởi kể từ thời kỳ đầu của robot và công nghệ AI, người ta đã lo sợ rằng chúng sẽ nổi dậy chống lại loài người.

Robot này còn xuất hiện một cách đầy tranh cãi với tư cách là giảng viên về các chủ đề khoa học và công nghệ, xuất hiện cùng với các nhân vật nổi tiếng trong các hội nghị truyền hình, chương trình truyền hình và các trường đại học trên khắp thế giới. Đầu năm 2021, Hanson Robotics thông báo rằng họ sẽ bắt đầu sản xuất hàng trăm robot sử dụng công nghệ AI kiểu như Sophia.

Video hãng Promobot giới thiệu sản phẩm robot do công ty sản xuất:

Theo Daily Mail,

Phan Anh

Xem thêm: