Du hành lên Mặt Trăng, chuyến bay riêng trong không gian hay các điểm đến khác thuộc Hệ Mặt Trời rộng lớn là những điều có thể xảy ra vào năm 2023, theo tạp chí công nghệ MIT Technology Review của Mỹ.

Theo tạp chí này, con người sẽ quay trở lại Mặt Trăng vào năm 2023. Nhiều chuyến bay thử nghiệm không người lái lên Mặt Trăng đã được lên kế hoạch trong năm tới, được thúc đẩy bởi một nỗ lực mới của Mỹ nhằm đưa con người trở lại vệ tinh tự nhiên lớn thứ 5 trong Hệ Mặt Trời.

Bà Jill Stuart, chuyên gia lĩnh vực chính sách không gian thuộc Trường Kinh tế London (Anh) cho hay rằng vào những năm trước, các nghiên cứu thường tập trung vào việc đưa con người lên sao Hỏa, nhưng bây giờ đã quay trở lại Mặt Trăng.

Năm 2023 có thể chứng kiến những bước tiến đáng kể của những chuyến bay vào vũ trụ của con người, bao gồm cả những chuyến đi bộ ngoài không gian đầu tiên, những chuyến đi mới tới các điểm khác thuộc Hệ Mặt Trời.

Chuyến du hành lên Mặt Trăng

Được biết, một chiếc tàu bộ sẽ tới Mặt trăng vào đầu năm 2023. Ngày 11/12/2022, tàu đổ bộ Hakuto-R của Nhật Bản mang theo robot tự hành Rashid của UAE đã lên đường tới Mặt Trăng bằng hệ thống phóng của hãng SpaceX. Các thiết bị đặt trên đỉnh tên lửa Falcon 9 được phóng lên từ Trạm không quân Mũi Canaveral ở tiểu bang Florida, Mỹ.

điểm đến
(Ảnh minh họa: Artsiom P/Shutterstock)

Theo ispace, công ty tại Tokyo, tàu Hakuto-R dự kiến sẽ đáp xuống Mặt Trăng vào khoảng tháng 3/2023. Nếu thành công, Hakuto-R có thể trở thành con tàu đổ bộ tư nhân đầu tiên hoàn thành sứ mệnh lên Mặt Trăng trong năm 2023.

Ngoài ra, hai tàu đổ bộ tư nhân của Mỹ là tàu Peregrine của tập đoàn công nghệ Astrobotic và tàu Nova-C của Intuitive Machines cũng được thiết lập để phóng lên Mặt Trăng vào cùng thời điểm.

Cả hai đều là các nhiệm vụ do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) hỗ trợ với nhiều công cụ khác nhau trên tàu để nghiên cứu môi trường trên Mặt Trăng, một phần của chương trình Dịch vụ tải trọng mặt trăng thương mại của cơ quan, được thực hiện với mục đích thúc đẩy lợi ích thương mại trên Mặt Trăng.

Công ty Intuitive Machines đã lên kế hoạch đưa tàu đổ bộ hạ cánh lần thứ 2 trên Mặt Trăng vào năm 2023. Các cơ quan vũ trụ của Ấn Độ và Nhật Bản cũng có kế hoạch đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm tới. Ấn Độ hy vọng sẽ phóng tàu đổ bộ Chandrayaan-3 vào tháng 8/2023. Đây sẽ là nỗ lực đưa tàu đổ bộ lên Mặt Trăng lần thứ 2 của nước này, với lần đầu tiên là vào năm 2019. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn chưa ấn định ngày phóng tàu đổ bộ SLIM lên Mặt Trăng. Trong năm 2023, Nga được cho là cũng có kế hoạch đưa tàu đổ bộ Luna-25 lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.

Các chuyến bay không gian riêng

Từ tháng 5/2020, hãng SpaceX đã sử dụng tàu vũ trụ Crew Dragon để đưa các phi hành gia lên vũ trụ, trong đó, một số thành viên đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) theo hợp đồng với NASA và những người khác thực hiện các sứ mệnh riêng.

điểm đến
Tên lửa đẩy Falcon Heavy của SpaceX. (Ảnh: Kent Weakley/Shutterstock)

Tuy nhiên, sứ mệnh Polaris Dawn của SpaceX, hiện đang được lên kế hoạch vào tháng 3/2023, sẽ là một bước tiến lớn. Đối với dự án Polaris Dawn, phi hành đoàn dự kiến sẽ đi sâu vào không gian hơn bất kỳ sứ mệnh nào trước đó của tàu vũ trụ Crew Dragon.

Chuyến bay của Polaris Dawn bao gồm 4 phi hành gia thương mại sẽ nhắm mục tiêu tới quỹ đạo Trái đất tối đa 1.200 km, cao hơn bất kỳ tàu vũ trụ nào chở người kể từ các sứ mệnh Apollo.

Nhiệm vụ này có thể giúp NASA quyết định liệu một sứ mệnh trong tương lai có thể được sử dụng để phục vụ Kính viễn vọng Không gian Hubble hay không, một khả năng mà cơ quan này đang nghiên cứu với SpaceX.

Axiom-2 và Axiom-3, hai chuyến bay không gian riêng khác sử dụng tàu vũ trụ Crew Dragon, cũng được lên kế hoạch bay lên ISS vào năm 2023.

Nhiều chuyên gia cũng mong chờ sự trở lại của Blue Origin, công ty hàng không vũ trụ của tỉ phú Mỹ Jeff Bezos trong cuộc đua vào không gian. Công ty này đã ngừng hoạt động sau một vụ phóng tên lửa không thành công vào tháng 9/2022.

Dẫu vậy, tất cả những phát triển trong chuyến bay thương mại của con người vào vũ trụ có thể bị lu mờ bởi nỗ lực bay lên quỹ đạo đầu tiên của tên lửa Starship khổng lồ và có thể tái sử dụng của SpaceX. Tên lửa Starship đang trải qua các cuộc thử nghiệm bệ phóng vào đầu tháng 12 và sẽ phóng vào năm 2023, và cũng có thể là vào cuối năm 2022.

Nếu thành công, tên lửa sẽ vượt qua Hệ thống Phóng Không gian của NASA với tư cách là tên lửa lớn nhất lên quỹ đạo, có thể thay đổi hành trình khám phá không gian của con người.

Những điểm đến khác nằm trong Hệ Mặt Trời

Những chuyến đi mới tới các điểm khác trong Hệ Mặt Trời cũng là điều nhận được nhiều sự quan tâm trong năm 2023.

Tháng 4/2023 sẽ chứng kiến một nhiệm vụ mới do Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) thực hiện có tên lên JUICE, với nhiệm vụ khám phá mặt trăng băng giá của sao Mộc. Dự kiến bay tới quỹ đạo sao Mộc vào năm 2031, tàu vũ trụ JUICE sẽ thực hiện các nghiên cứu chi tiết về các mặt trăng Ganymede, Callisto và Europa, tất cả đều được cho là có các đại dương có thể chứa sự sống bên dưới bề mặt băng giá.

Nhung buoc tien va dot pha ve khoa hoc cong nghe trong nam 2021 6
Giản đồ Hệ Mặt Trời. (Ảnh: Siberian Art/Shutterstock)

“Đây là sứ mệnh đầu tiên về cơ bản tập trung vào các mặt trăng băng giá. Chúng tôi có thể biết được những mặt trăng băng giá này có các đại dương rất sâu và chúng có thể có các điều kiện để sự sống phát triển”, Mark McCaughrean, cố vấn cấp cao về khoa học và thám hiểm tại ESA, chia sẻ.

Cuối năm 2023, ESA dự kiến ​​sẽ ​​một nhiệm vụ quan trọng khác, đó là phóng kính thiên văn vũ trụ Euclid để tìm kiếm vật chất tối.

Vào tháng 10/2023, NASA sẽ khởi động một sứ mệnh khoa học quan trọng là khám phá 16 Psyche, một tiểu hành tinh khổng lồ nằm trong Vành đai Tiểu hành tinh. 16 Psyche chiếm tới 1% khối lượng của toàn bộ vành đai và được suy đoán là lõi của một hành tinh cổ đại. Đây là một tiểu hành tinh giày kim loại, với nhiều sắt, niken và vàng.

Sứ mệnh OSIRIS-REx của NASA dự kiến sẽ quay trở lại Trái Đất vào tháng 9/2023 với các mẫu vật từ tiểu hành tinh Bennu. Amazon đặt mục tiêu gửi các vệ tinh đầu tiên cho Dự án Kuiper vào đầu năm 2023, khởi đầu của mạng liên lạc quỹ đạo 3.000 vệ tinh mà họ mong đợi rằng có thể cạnh tranh với dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của hãng SpaceX.

Phan Anh

Video: Cháy sòng bài Campuchia: Hàng loạt người nhảy khỏi tòa nhà, ít nhất 16 người chết cháy