Bộ Giáo dục Trung Quốc gần đây đã bổ sung thêm 37 chuyên ngành mới để giảng dạy ở 43 trường đại học tại nước này và sẽ bắt đầu tiến hành đào tạo từ kỳ nhập học mùa thu. Hơn 25% số chuyên ngành mới này có liên quan đến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Tháng 12/2020, Viện Outlook (một trong những tổ chức nghiên cứu chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ), đã liệt kê AI là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc sẽ cạnh tranh với thế giới.

ĐCSTQ
(Ảnh minh họa: Metamorworks/ShutterStock)

Vào ngày 14/8/2020, Văn phòng Chính sách về Khoa học và Công nghệ Mỹ (OSTP) đã phát hành báo cáo có tên tạm dịch là: “Các ưu tiên về ngân sách cho nghiên cứu và phát triển của Chính phủ năm 2022”, trong đó xác định AI và khoa học thông tin lượng tử (QIS) là các ngành quan trọng trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh rằng sự phát triển của 2 ngành này có liên quan đến việc tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc phòng.

Bám sát Mỹ, ĐCSTQ đã thiết lập công nghệ AI như một định hướng cho sự phát triển quân sự trong tương lai.

Trong số 37 chuyên ngành đại học mới được Bộ Giáo dục Trung Quốc bổ sung, có ít nhất 10 chuyên ngành liên quan đến trí tuệ hoặc liên quan đến AI, chẳng hạn như: Kỹ thuật Điều khiển và Đo lường Thông minh, Công nghệ Máy bay Thông minh, điện tử linh hoạt, khoa học và công nghệ mật mã, và những ngành khác.

Điện tử linh hoạt là công cụ hỗ trợ cơ bản cho AI. Các tấm wafer dạng thần kinh nhân tạo linh hoạt có thể mô phỏng não người trong thời gian thực để học tập và tính toán với tốc độ cao, do đó đáp ứng được các yêu cầu về phần cứng của công nghệ trí tuệ nhân tạo dùng cho điện toán đám mây và các thuật toán siêu xử lý khác.

ĐCSTQ đặt mục tiêu đứng số 1 về AI

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 đã được ĐCSTQ công bố vào tháng 3/2021, trong đó đặt AI (được ưu tiên nhất), thông tin lượng tử và mạch tích hợp là 3 nội dung hàng đầu nằm trong kế hoạch.

Theo tuyên bố được nêu trong Outlook Weekly số 51 vào năm 2020, tạp chí hàng tuần của Viện Outlook, AI được coi là một trong 6 lĩnh vực mà Trung Quốc hướng đến để chạy đua với Mỹ, Châu Âu và các quốc gia phát triển khác. Trực thuộc Tân Hoa Xã, Viện Outlook là một tổ chức nghiên cứu chính sách được chính phủ hậu thuẫn.

CCID Wise (tổ chức nghiên cứu chính sách khác có quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ) giải thích thêm rằng “máy tính tiên tiến là lĩnh vực bắt buộc phải có đối với các cường quốc”. CCID Wise là một chi nhánh thuộc Học viện Phát triển Công nghiệp Thông tin Điện tử Trung Quốc (CCID).

Ứng dụng công nghệ AI để chuẩn bị cho chiến tranh 

Tháng 11/2017, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đề xuất rằng quân đội phải “nâng cao toàn diện khả năng chiến đấu và chiến thắng”, “khả năng chiến đấu” và “chiến thắng trong các trận đánh”.

Vào năm 2020, một tạp chí của Đại học Công nghệ Quốc phòng (NUDT) ở Trung Quốc đã tuyên bố rằng sự phát triển của AI là điều cần thiết cho chiến tranh trong tương lai, đồng thời nhấn mạnh rằng AI giúp nâng cao “khả năng chỉ huy chiến đấu” và “đảm bảo chiến thắng trong chiến tranh”.

Quốc phòng của ĐCSTQ có ý định tận dụng các chuyên gia về AI để phát triển những thuật toán thông minh. Một thử thách về AI đã kết thúc vào ngày 1/ 6/ 2021, với tổng giải thưởng trị giá khoảng 1.165 triệu USD, gồm 899 nhóm, 1640 đội và 3937 người chơi tham gia. Sự kiện này do Phòng Phát triển Thiết bị của Lực lượng Tên lửa PLA và Viện Nghiên cứu Lực lượng Tên lửa tổ chức.

Theo thông tin được Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố hôm 12/6 vừa qua, một thiết bị mô phỏng không chiến tự động AI có tên là “AI Blues”, đã được sử dụng trong quá trình huấn luyện hàng ngày của các phi công.

Các tiêu chuẩn về đạo đức không tồn tại trong quá  trình phát triển AI của ĐCSTQ 

Ngày 21/4/2021, Ủy ban Châu Âu đã công bố Đạo luật đầu tiên về AI của Châu Âu.

ĐCSTQ đã tập trung vào việc đổi mới công nghệ trong lĩnh vực AI nhưng “thiếu các quy định pháp lý, hệ thống quản lý và khuôn khổ về tiêu chuẩn”, chuyên gia Saidi thừa nhận, đồng thời nói thêm rằng điều này phản ánh hiện trạng và định hướng phát triển về AI của ĐCSTQ.

Các ứng dụng AI của Trung Quốc “thiếu các tiêu chuẩn về đạo đức trong khoa học và công nghệ”, ông Jiang Yugang, hiệu trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Máy tính tại Đại học Phúc Đán cho biết. Ông nhận thấy việc ứng dụng các thuật toán thông minh chưa bao giờ xuất phát từ góc độ cải thiện cuộc sống của con người và phục vụ xã hội nhân loại.

Ông Jiang đã trích dẫn ví dụ về robot trò chuyện để “thuyết phục chủ nhân của chúng tự sát”, các máy AI trò chuyện (chatbot) học điều này từ các dữ liệu, nó không được những nhà phát triển lập trình để thực hiện việc đó. Ngoài ra, các chatbot cũng học cách nói tục và phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc. Những vấn đề như vậy phát sinh trong quá trình phát triển AI ở Trung Quốc. Ông lo lắng rằng nếu các tiêu chuẩn về công nghiệp như vậy được áp dụng cho quân đội, thì ĐCSTQ có thể sẽ khám phá ra các hệ thống vũ khí tự hành (autonomous weapon) gây chết người. Vũ khí tự hành là loại vũ khí có thể tìm kiếm một cách độc lập, xác định và tấn công mục tiêu mà không cần sự can thiệp của con người.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: