Nepal và Trung Quốc vừa công bố kết quả đo đạc mới nhất và thống nhất về độ cao của đỉnh Everest, kết quả tăng gần 1m so với tính toán trước đó.

Đỉnh Everest
Đỉnh Everest. (Ảnh: Evgeny Subbotsky/Shutterstock)

Một thông cáo chung của Trung Quốc và Nepal công bố ngày 8/12 vừa qua khẳng định, chiều cao mới được đo của đỉnh Everest – nóc nhà thế giới là khoảng 8.848,86m so với mực nước biển, và sự kiện này chính thức chấm dứt sự chênh lệch về độ cao của đỉnh núi cao nhất thế giới được đưa ra bởi 2 quốc gia này trong quá khứ, theo tờ National Geographic.

Dữ liệu về độ cao của Everest được công bố bởi khá nhiều cơ quan, tổ chức. Trước đây Nepal chưa từng đo đạc núi Everest, và thay vào đó sử dụng con số ước tính là 8.848m, bao gồm cả tuyết, do tổ chức Khảo sát Ấn Độ thực hiện vào năm 1954.

Năm 1975, các nhà khảo sát Trung Quốc đo được Everest cao 8.848,13m so với mực nước biển, và số liệu này được cộng đồng quốc tế công nhận.

Năm 1999, Hiệp hội Địa lý Quốc gia Mỹ và Bảo tàng Khoa học của Boston xác định độ cao của đỉnh Everest là 8.850m.

Năm 2005, Trung Quốc đã đo lại độ cao của đỉnh núi cao nhất thế giới bằng cách kết hợp các phương pháp trắc địa truyền thống và công nghệ vệ tinh. Sau khi đo độ sâu của lớp tuyết trên đỉnh, cuộc khảo sát đã ghi nhận chiều cao đá của đỉnh Everest là 8.844,43m và lớp băng tuyết sâu 3,5m. Có 1m lớp vật liệu không xác định, có thể là hỗn hợp của đá và sỏi cách giữa lớp đá và băng tuyết.

Bên cạnh đó, những người leo núi cho rằng trận động đất với cường độ 7,8 độ Richter vào tháng 4/2015 ở Nepal có lẽ đã tác động làm thay đổi chiều cao của ngọn núi.

Trước những tranh luận lâu nay về ngọn núi cao nhất thế giới, Nepal vào tháng 5/2019 đã triển khai đội khảo sát thực địa đầu tiên để đo lại núi và Trung Quốc năm 2020 đã giúp 2 quốc gia đi đến thống nhất với kết quả nêu trên.

Đỉnh Everest là tên gọi phổ biến ở phương Tây, trong khi ở Trung Quốc đỉnh núi cao nhất thế giới được gọi là Qomolangma, còn ở Nepal là Sagarmatha.

Theo National Geographic,

Linh Sơn

Xem thêm: