Chỉ mất khoảng 2 ngày sau lời hứa của CEO SpaceX và Tesla Elon Musk (người giàu nhất thế giới hiện nay), dịch vụ Internet vệ tinh Starlink đã được triển khai tại Ukraine trong bối cảnh nước này bị Nga tấn công. Mới đây, một email của Tesla được tiết lộ đã giải thích cho mọi người lý do tại sao thiết bị đầu cuối (terminal) lại có thể được chuyển đến Ukraine chỉ trong thời gian ngắn ngủi như vậy.

Internet vệ tinh Starlink
(Ảnh minh họa: Tatiana Shepeleva/Shutterstock)

Cụ thể, tỉ phú Elon Musk tuyên bố hôm 26/2 vừa qua rằng dịch vụ Intenet vệ tinh Starlink của công ty đã được “kích hoạt” ở Ukraine sau khi Phó Thủ tướng Mykhailo Fedorov lên tiếng đề nghị hỗ trợ.

Ông cho biết thêm rằng SpaceX đang gửi thêm các thiết bị đầu cuối (terminal) đến Ukraine, nơi mạng Internet đã bị gián đoạn do cuộc tấn công của Nga. Kết quả là, chỉ khoảng 2 ngày sau phát biểu trên, thiết bị đã được gửi tới. Thông tin này đã được ông Fedorov xác nhận trên Twitter. Tốc độ đáp ứng lời yêu cầu của ông Musk nhanh đến mức hầu như mọi người đều phải kinh ngạc về khả năng của SpaceX.

Mới đây, trong một email của Tesla được tiết lộ đã giải thích cho mọi người lý do tại sao dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX lại có thể được triển khai ở Ukraine chỉ trong một vài ngày ngắn ngủi như vậy.

Trong một buổi nói chuyện tại Học viện Công nghệ California, bà Gwynne Shotwell của SpaceX tiết lộ rằng, trên thực tế, SpaceX đã lên kế hoạch triển khai dịch vụ Internet vệ tinh tại Ukraine từ 6 tuần trước khi Phó Thủ tướng Fedorov đưa ra lời khẩn cầu trên Twitter. Đến thời điểm đó, dịch vụ Starlink vẫn đang chờ sự chấp thuận của chính phủ Ukraine để được phủ sóng ở nước này và bài đăng trên Twitter của ông Fedorov chính là bước tiến mà họ cần. Sự chuẩn bị từ trước cho kế hoạch phủ sóng tại Ukraine chính là lý do tại sao SpaceX có thể nhanh chóng vận hành dịch vụ Internet vệ tinh cho Ukraine trong một thời gian ngắn như vậy.

Ngoài ra, trong email mới đây của Tesla đã cho biết thêm rằng nhiều nhân viên của công ty đang làm việc tại Đức đã tình nguyện đóng gói các bộ thu tín hiệu Starlink để có thể nhanh chóng vận chuyển sang Ukraine. Bên cạnh các bộ thu tín hiệu, họ còn đóng gói kèm cả các bộ pin Powerwall, khối pin Lithium-Ion để cung cấp nguồn điện dự phòng cho các thiết bị Internet vệ tinh.

Một số sợi cáp điện Powerwall được làm từ phế liệu của nhà máy Tesla Gigafactory mới tại Berlin. Chúng vừa được chấp thuận có điều kiện để sản xuất thương mại vào đầu tháng này. Trước đó, Tesla cũng thường quyên góp các khối pin Powerwall này cho những khu vực gặp thiên tai như Puerto Rico sau cơn bão Maria.

Theo Fortune,

Phan Anh