Một thẩm phán liên bang Mỹ đã chấp thuận việc Facebook trả khoản tiền 650 triệu USD để giải quyết vụ kiện tập thể liên quan đến quyền riêng tư giữa gã khổng lồ công nghệ và khoảng 1,6 triệu người dùng.

Facebook kiểm duyệt (Ảnh: Ink Drop/ Shutterstock)
(Ảnh: Ink Drop/Shutterstock)

Cụ thể, phán quyết trên được đưa ra bởi thẩm phán James Donato của Tòa án Quận bắc California. Theo đó, khoảng 1,6 triệu người dùng Facebook khác sẽ được bồi thường ít nhất 345 USD/người sau khi gã khổng lồ công nghệ bị cáo buộc sử dụng tính năng gắn thẻ ảnh khuôn mặt (photo-tagging) và dữ liệu sinh trắc học khác mà không được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Ông Donato cho biết thỏa thuận này là một “kết quả mang tính bước ngoặt” và là một “chiến thắng lớn cho người tiêu dùng trong lĩnh vực quyền riêng tư về kỹ thuật số đang tranh cãi gay gắt.” Facebook cuối cùng cũng phải thỏa hiệp dù vẫn phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi sai trái.

Vụ kiện này bắt đầu được đệ trình tại tiểu bang Illinois từ năm 2015. Facebook đã đồng ý đạt được thỏa thuận dàn xếp trị giá 550 triệu USD vào tháng 1/2020, và sau đó đồng ý tăng khoản bồi thường lên 650 triệu USD theo yêu cầu của thẩm phán Donato bởi ông cho rằng khoản tiền 550 triệu USD là chưa đủ do xuất hiện yếu tố Facebook đã vi phạm luật pháp của tiểu bang Illinois mà không được sự đồng thuận của người sử dụng. 

Theo thỏa thuận dàn xếp, Facebook sẽ đặt chế độ tùy chọn “nhận dạng khuôn mặt” mặc định của người dùng thành “tắt” và xóa tất cả dữ liệu khuôn mặt hiện có cũng như dữ liệu được lưu trữ của người dùng tham gia vụ kiện tập thể. Nếu người dùng tham gia vụ kiện không thực hiện bất kỳ hoạt động nào trên Facebook trong vòng 3 năm, Facebook cũng sẽ xóa các mẫu khuôn mặt của họ. 

Đây là một trong những vụ kiện về quyền riêng tư lớn nhất trong lịch sử. Với sự quan tâm hơn nữa đối với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư, nhiều tiểu bang ở Mỹ đã ban hành luật nghiêm ngặt hơn để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng ở cấp địa phương. Illinois là một trong những tiểu bang có sự bảo vệ nghiêm ngặt nhất về quyền riêng tư của người dùng. Đạo luật Bảo mật Thông tin Sinh trắc học do tiểu bang xây dựng đặc biệt bảo vệ dữ liệu sinh trắc học như dấu vân tay, quét nhận dạng khuôn mặt và quét võng mạc. Đây cũng là tiểu bang duy nhất ở Mỹ có luật cho phép mọi người đòi bồi thường việc khai thác dữ liệu trái phép.

Đạo luật bảo mật thông tin sinh trắc học của Illinois cũng đã ảnh hưởng đến các công ty khác. Chú chó robot của Sony, Aibo, có camera ở mũi và công nghệ nhận dạng khuôn mặt, vì vậy nó có thể nhận dạng những người xung quanh và phản ứng tương ứng. Do đó, Sony không thể bán Aibo ở Illinois. Và trong năm 2020, hai đứa trẻ ở tiểu bang này đã kiện Google khi cáo buộc hãng thu thập ảnh quét khuôn mặt của hàng triệu học sinh thông qua các công cụ phần mềm dành cho lớp học.

Trên thực tế, việc giải quyết các vấn đề về quyền riêng tư của người dùng không phải là điều gì mới mẻ đối với các công ty truyền thông. Hiện tại, các luật và quy định trong lĩnh vực Internet toàn cầu vẫn đang được tìm hiểu. Nhiều công ty Internet nói riêng và công nghệ nói chung đã phải chịu các vụ kiện tập thể của người tiêu dùng trên toàn thế giới, không ít người chọn giải quyết các tranh chấp pháp lý đó thông qua dàn xếp.

Trước đó, TikTok cũng bị cáo buộc lấy và chia sẻ dữ liệu cá nhân của người dùng một cách bất hợp pháp. Vào hôm 24/2 vừa qua, TikTok đã đạt được thỏa thuận dàn xếp với số tiền giải quyết là 92 triệu USD. Phía TikTok cho biết mặc dù công ty phủ nhận các tuyên bố trong vụ kiện, nhưng họ muốn giải quyết vụ việc càng sớm càng tốt.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: