Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin COVID-19 đầu tiên của “xứ cờ hoa”, qua đó chính thức mở đường cho việc phân phối rộng rãi loại vắc-xin này.

vắc-xin
(Ảnh minh họa: Alexandros Michailidis/Shutterstock)

Cụ thể, ngày 12/12 vừa qua (theo giờ Việt Nam), FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin do hãng Pfizer (Mỹ) cùng đối tác BioNTech (Đức) phát triển, vốn đã chứng tỏ đạt hiệu quả đến 95% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối của các công ty này, theo hãng tin Reuters.

FDA cho biết loại vắc-xin trên sẽ được phép dùng để tiêm chủng cho tất cả những người từ 16 tuổi trở lên. Hiện hãng Pfizer đang tiếp tục nghiên cứu vắc-xin này ở trẻ em từ 12-15 tuổi. Các quan chức y tế và những người cao tuổi sống tại viện dưỡng lão sẽ là đối tượng ưu tiên nhận đợt tiêm chủng 2,9 triệu liều đầu tiên.

Ngay sau khi FDA phê chuẩn cho vắc-xin của Pfizer-BioNTech, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát biểu trong một video trên trang Twitter cá nhân, trong đó ca ngợi rằng đây như một phép màu y học. Ông cho hay: “Chúng tôi đã cung cấp một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả chỉ trong 9 tháng. Đây là một trong những thành tựu khoa học vĩ đại nhất trong lịch sử. Nó sẽ cứu sống hàng triệu người. Vắc-xin đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng trong vòng 24 giờ. Chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển vắc-xin tới mọi bang và khu vực trên lãnh thổ nhờ sự phối hợp của FedEx và UPS. Tôi tự hào nói rằng chúng ta sẽ đảm bảo vắc-xin miễn phí cho toàn bộ người dân Mỹ.” 

Ông Alex Azar, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, nói với các phóng viên trước đó vào hôm thứ 11/12 vừa qua rằng bộ của ông sẽ làm việc với hãng Pfizer để bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà vào đầu tuần tới. Các quan chức liên bang tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho biết rằng khoảng 21 triệu nhân viên y tế nhà nước nên được ưu tiên trước nhất, cũng như 3 triệu người Mỹ cao tuổi sống trong các viện dưỡng lão chăm sóc dài hạn. Trong khi đó, theo các quan chức, việc tiêm chủng cho các nhóm không thuộc diện nguy cơ cao dự kiến ​​sẽ được thực hiện vào mùa xuân năm 2021.

Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu xem thời gian miễn dịch do vắc-xin tạo ra sẽ kéo dài bao lâu, tỷ lệ bệnh không có triệu chứng ở những người được tiêm và liệu nó có thể ngăn ngừa lây truyền COVID-19 hay không.

Ngoài Mỹ, loại vắc-xin này đã được Anh, Canada, Bahrain, Ả Rập Saudi, Mexico chấp thuận theo quy định ở các quốc gia này. Hôm 2/12 vừa qua, Anh trở thành nước đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin của liên danh Pfizer-BioNTech. Người dân Anh cũng đã được tiêm chủng vắc xin từ ngày 8/12. Canada cũng đã cấp phép cho vắc xin của Pfizer-BioNTech và sẽ sớm khởi động chương trình tiêm chủng trong tuần tới.

Phân phối vắc-xin dự kiến ​​sẽ là một trong những chiến dịch y tế công cộng phức tạp nhất trong lịch sử. Vắc-xin COVID-19 của hãng Pfizer yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Nhưng ngay cả khi vắc-xin sắp được phân phối, các chuyên gia tiếp tục cảnh báo rằng tình hình vẫn có khả năng chưa thể trở lại trạng thái bình thường sau khi tiêm chủng.

Theo dự kiến, có khoảng 20 triệu liều vắc-xin sẽ được cung cấp vào cuối tháng 12/2020 sau khi được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp. Hôm 11/12 vừa qua, chính quyền Mỹ thông báo đã mua thêm 100 triệu liều vắc-xin này, qua đó nâng tổng số liều đã mua lên 200 triệu và sẽ cho phép phân phối liên tục cho đến thời điểm tháng 6/2021.

Một loại vắc-xin thứ hai, được công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) và Viện Y tế Quốc gia phát triển, cũng đang xin được phê duyệt khẩn cấp ở Mỹ. Giống như vắc-xin của hãng Pfizer, loại vắc-xin này yêu cầu tiêm thành 2 đợt.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: