Sáng 17/3 tại Gia Lai, nhiều người ngạc nhiên khi trên bầu trời xuất hiện vòng sáng kỳ lạ quanh mặt trời. Nhiều người đã đăng ảnh và video lên mạng Internet.

Xuất hiện khoảng 9h sáng và biến mất khoảng 9h30, vòng tròn sáng lớn đi qua mặt trời và trên đó còn có 4 đốm sáng nhỏ đối xứng, trông như những mặt trời giả. Ngoài ra còn có 1 quầng sáng lớn nhiều màu sắc bao quanh mặt trời.

Rất nhiều người xôn xao chạy ra xem, quay video, chụp lại cảnh tượng kỳ lạ lần đầu tiên xuất hiện ở Gia Lai này. Nhiều người tỏ ra thích thú, nhưng cũng có người hoang mang lo lắng không biết là hiện tượng gì, cho rằng đây là thiên nhiên đang cảnh báo con người…



Video “5 mặt trời”:

Hiện tượng mặt trời giả trên thế giới

Mặt trời giả (hay mặt trời ma) có tên khoa học parhelion (hay sundog), là một hiện tượng khí quyển, trên bầu trời xuất hiện các đốm sáng, thường thấy trên các cạnh của quầng bao quanh mặt trời.

Mặt trời giả ở North Dakota, Hoa Kỳ, với quầng sáng 22 độ rất rõ (ảnh: Public Domain)
Mặt trời giả ở North Dakota, Hoa Kỳ, với quầng sáng 22 độ rất rõ (ảnh: Public Domain)

Mặt trời giả có thể xuất hiện như một đốm màu ánh sáng ở bên trái hoặc bên phải mặt trời, vị trí 22 độ và tại cùng một khoảng cách trên đường chân trời như mặt trời. Chúng có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu trên thế giới trong bất cứ mùa nào, nhưng chúng không phải luôn luôn rõ ràng hoặc sáng. Mặt trời giả dễ thấy nhất khi mặt trời ở vị trí thấp.

Hiện tượng này thường xảy ra khi ánh sáng được phản xạ nhiều bởi những tinh thể băng trong không khí hoặc trong những đám mây ti lạnh và cao (Cirrostratus cloud) hoặc mây ti bay thấp vào mùa lạnh tạo nên hiện tượng “bụi kim cương” trong không khí. Những tinh thể băng hoạt động như các lăng kính nằm ngang, làm chệch hướng ánh sáng mặt trời ở góc nhỏ nhất là 22 độ.

Video mặt trời giả kèm theo hiện tượng “bụi kim cương” tuyệt đẹp:

Theo mô tả của người dân Gia Lai, quả thật có người quan sát thấy những đám mây tua trắng xen giữa khoảng cách giữa mặt trời và quầng sáng.

Phong Trần (T/H)

Xem thêm: