Trong phần 1, chúng ta đã tìm hiểu một số thông tin sơ lược về Đại kim tự tháp Khufu, nơi có các đường hầm chỉ tới các vì sao quan trọng trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại. Trong phần 2 này, hãy xem những kiến thức thiên văn sẽ dẫn chúng ta tới đâu trong việc giải đáp thông điệp của người xưa để lại.

kim tự tháp Robert Bauval Orion
(ảnh: Shutterstock)

Người cổ đại dường như nhìn thế giới theo một con mắt rất khác. Họ nghiên cứu về vũ trụ ngoài kia, về sinh mệnh và cả vũ trụ bên trong thân thể người. Có hai loại khoa học, một loại đi xem xét sự vật bên ngoài, một loại đi xem xét bên trong chúng ta. Đi sâu xuống nhỏ hơn phân tử, nguyên tử, hạt quark, neutrino… nữa thì là gì? Chúng ta vẫn chưa biết, nhưng người Ai Cập đã tìm ra rất nhiều điều phi thường, không chỉ là kim tự tháp. Họ dường như đã tìm ra cách, qua các nghi lễ, làm cho linh hồn thăng hoa tới những cảnh giới khác.

Nói một cách hình tượng, họ cần tới “phần cứng” – chính là kim tự tháp, một thiết bị tinh vi thuộc khoa học tâm linh. Còn “phần mềm” chính là con người ở bên trong công trình.

kim tự tháp Robert Bauval Orion
Nếu loại bỏ đi các bức tường trong kim tự tháp và chỉ giữ lại các căn phòng, những đường hầm hiện ra hệt như đường thông tới vì sao. (ảnh chụp/video)

Khi bước vào kim tự tháp, cũng chính là bạn đã bước vào trọng tâm của các ngôi sao. “Bộ vi xử lý” của thiết bị này, thứ luôn chuyển động thường hằng, liên tục không ngừng, chính là sự vận hành của Trái Đất và các vì sao. Trái Đất tự xoay quanh trục của nó, xoay quanh Mặt Trời và còn có chuyển động tuế sai, lắc lư trục theo chu kỳ 26.000 năm. Chính nhờ vậy mà chúng ta có các mùa, sông hồ vận hành và các loài động vật phong phú sinh sống và di cư. Nếu Trái Đất không vận hành như vậy, thế giới này sẽ không như chúng ta đang sống. Hành tinh này dường như đã được thiết kế như vậy.

Các nhà vũ trụ học đã đi đến một kết luận đáng chú ý. Họ nói, ngành vũ trụ học đã tìm ra rất nhiều thứ hay ho và làm người ta kinh ngạc, nhưng cơ bản thì kết luận là, toàn vũ trụ này phụ thuộc vào 2 hằng số: tốc độ ánh sáng và hằng số hấp dẫn. Nếu bạn chỉ thay đổi một phần tỷ tỷ tỷ của một trong 2 hằng số này, vũ trụ sẽ không hoạt động nữa. Kết luận, vũ trụ này hoặc là được thiết kế ra như vậy, hoặc có vô số các vũ trụ và cái chúng ta đang sống vô tình có hằng số đúng, hoặc ít ra là đang hoạt động đối với chúng ta. Đây là một kết luận đáng kinh ngạc. Không biết bạn chọn điều nào, nhưng kết luận đầu chính là trùng với những gì tôn giáo hay những người thực hành tu luyện đã nhắc đến từ hàng ngàn năm nay.

Vậy là, những người Ai Cập cổ đại dường như đã thử và lợi dụng sự vận hành của các hành tinh, các vì sao và xây nên những “cỗ máy” này. Họ dường như rất tin tưởng rằng nó sẽ giúp linh hồn họ trở về với các vì sao, quay lại với nguồn cội nguyên thủy của họ. Thật khó để chúng ta tin điều này, nhưng bạn hãy thử nghĩ, người ta đã xây một công trình chính xác cao như vậy, một tượng đài vĩ đại và quá cao siêu, chỉ khi họ thực sự có một động cơ ở mức độ ưu tiên cao nhất. Nếu họ không tin tưởng, họ chắc chắn sẽ không vượt qua bao nhiêu rắc rối và vất vả để xây, không phải một, hai mà tới 25 kim tự tháp hoàng gia. Người ta hẳn phải tin tưởng. Người ta hẳn phải chắc chắn 100% rằng điều này sẽ mang lại lợi ích. Đây là cách mà nhà nghiên cứu Robert Bauval tiếp cận vấn đề, và kết quả tìm thấy đã làm các nhà Ai Cập học chấn động.

Thuyết tương quan Orion

Khi Robert Bauval – một kỹ sư chuyên đo đạc và lập kế hoạch cho công trình – đến thăm bảo tàng Cairo năm 1983, ông đã rất bất ngờ và “khó chịu nghề nghiệp” khi thấy tấm ảnh chụp 3 Đại kim tự tháp từ trên cao. “Khi cái gì đó không đúng, nó làm tôi rất khó chịu,” ông chia sẻ trong một bài thuyết trình. “Bạn có 3 kim tự tháp trên một đường chéo, mà cái thứ 3 lại nhỏ hơn nhiều và bị lệch góc. Nó làm tôi chỉ muốn… chỉnh lại cho thẳng.”

kim tự tháp Robert Bauval Orion
2 kim tự tháp lớn và 1 kim tự tháp nhỏ hơi lệch về một bên (ảnh: Internet)

“Các vị Pharaoh thích những công trình to lớn và thể hiện quyền lực của họ, bạn biết đấy. Hãy thử tưởng tượng bạn là kiến trúc sư phải xây kim tự tháp thứ 3… và phải nói với Pharaoh rằng: ‘Xin lỗi, Ngài không to bằng những vị kia. Ngài không quyền lực bằng, nên tôi sẽ chỉ làm một kim tự tháp nhỏ hơn… Ngoài ra, tôi cũng sẽ để nó lệch góc.’

Đây là vấn đề về cái tôi và sự tự tôn. Tôi là kỹ sư và tôi thấy rằng đây là một bản đồ quy hoạch, nhưng tại sao họ lại làm như vậy? Ý nghĩa là gì?…” – Robert nói.

Còn đây là đai lưng Orion với 3 ngôi sao mà các kim tự tháp và văn tự cổ đều rất chú ý tới. Bạn có thể thấy rằng, chúng cũng bị lệch góc. Có 2 ngôi sao lớn và 1 ngôi sao nhỏ hơi bị lệch về bên trái.

tuong quan orion image

Robert đã nhìn thấy sự lệch góc từ năm 1983, công bố năm 1989 và xuất bản sách năm 1994. Thuyết tương quan Orion của ông nói rằng 3 Đại kim tự tháp không phải xây lệch ngẫu nhiên, mà chính là mô phỏng theo 3 ngôi sao trong Đai lưng Orion. Đề xuất này đã làm nổi giận rất nhiều người trong giới hàn lâm. Họ không ngờ một kẻ “tay ngang” lại dám đưa ra lý thuyết như vậy.

Khi BBC nhắc đến thuyết này lần đầu năm 1994, nhà đài đã nhận được điện thoại từ khắp mọi nơi. Giới khoa học dè bỉu nó bởi bỗng một nhà khảo cổ nghiệp dư nhìn thấy điều quá hiển nhiên, quá rõ ràng. Họ không thích điều này. Nhưng công chúng thì lại thích thú. May mắn thay, Robert được ủng hộ bởi giáo sư Stephen Edwards, một nhà Ai Cập học nổi tiếng người Anh. Ông cũng xuất hiện trên chương trình BBC và bày tỏ sự ủng hộ đối với thuyết tương quan Orion.

Tuy nhiên, thuyết này còn có 1 vấn đề khá nhỏ nhưng khá nhức nhối, đó là khi bạn nhìn vào tương quan giữa 3 ngôi sao và 3 kim tự tháp, hai góc lệch không bằng nhau.

Mọi thứ dường như đều hợp logic, tất cả những gì đã dẫn chúng ta đi tới kết luận thuyết tương quan này. Giờ thì nó có 1 yếu điểm chết người đủ để xóa sạch mọi logic trước đây. Giá như Robert có thể di chuyển các kim tự tháp một chút để chúng khớp với các ngôi sao, còn di chuyển các ngôi sao thì chắc chắn không thể nào.

Nhưng thực ra, bạn có thể. Bạn có thể di chuyển chúng nếu bạn quay ngược trở lại quá khứ.

“Thời đại đầu tiên”

Chúng ta đã biết rằng Đai lưng Orion đại diện cho thần Osiris, và người Ai Cập thường hay nhắc tới thời điểm khởi nguyên của nền văn minh của họ: “Zep tepi” – dịch ra là “thời đại đầu tiên.” Thời điểm các vị thần tạo ra thế giới, Osiris và Isis đã đến thế gian, cai trị và tạo lập nên nền văn minh Ai Cập cổ đại. Nhưng đó là khi nào?

Bởi vì có tuế sai (mà chúng ta đã nhắc tới ở phần 1), các vì sao trên bầu trời phía Nam (Orion) không đứng yên một chỗ khi chúng ta quan sát từ Trái Đất, mà chúng đi lên rồi đi xuống theo chu kỳ. Thời đại của chúng ta hiện đang ở gần điểm cao nhất của ngôi sao, “thời đại đầu tiên” có thể là lúc ngôi sao ở thấp nhất. Đây là cách Robert đã lý luận.

Vậy là ông dùng phần mềm mô phỏng thiên văn học và cho nó chạy để tìm thời điểm trong quá khứ mà góc lệch của của ngôi sao nhỏ trên Đai lưng Orion bằng với góc lệch của kim tự tháp. Quả thực là khi thời gian quay về quá khứ, Đai lưng Orion không chỉ hạ thấp xuống trên bầu trời mà 3 ngôi sao trong đó cũng thay đổi vị trí tương đối với nhau. Và tại thời điểm năm 10.450 TCN, chúng ta có góc bằng nhau.

Nhưng góc bằng nhau xảy ra ở một thời điểm rất đặc biệt chứ không phải thời điểm bất kỳ vu vơ nào đó trong năm 10.450 TCN. Nó xảy ra chính xác tại ngày xuân phân. Và quang cảnh bầu trời vào ngày hôm đó sẽ như sau:

10500 tcn image
(ảnh: Robert Bauval)
  • Khi đó, không chỉ 3 ngôi sao và 3 kim tự tháp tương quan nhau hoàn hảo, mà ngay cả dải Ngân Hà cũng dựng ở chân trời phía Nam, dường như phản chiếu dòng sông Nile.
  • Vào ngày xuân phân, Mặt Trời sẽ mọc ở chính Đông, và còn có một công trình quay ra hướng chính Đông vào lúc đó: tượng nhân sư. Cũng vào chính thời điểm đó, trên bầu trời phía Đông sẽ là chòm sao Sư Tử (Leo). Vậy là có thêm 1 hình ảnh nữa dường như là phản chiếu từ bầu trời xuống mặt đất. Chúng ta đã biết rằng thời xa xưa có thể tượng nhân sư chính là mang hình dạng một con sư tử, sau này có thể do bị xói mòn đi mất mà các thế hệ sau đã sửa lại phần đầu thành đầu người.

nhan su su tu image

Những gì xảy ra ngày xuân phân năm 10.450 TCN thể là một sự trùng hợp, nhưng là sự trùng hợp triệu năm có một. Ngoài ra, “trên sao dưới vậy”, “thiên – nhân hợp nhất” cũng là một quan niệm hết sức quen thuộc của người cổ đại.

Khi Robert công bố phát hiện này. Giới hàn lâm thực sự tức giận. Ông có bằng chứng là các văn tự cổ, ông có góc đúng giữa Orion và kim tự tháp, nhưng năm mà ông tìm ra lại quá xa so với con số đang được giới khảo cổ đồng thuận (2.500 năm TCN). Đối với giới Ai Cập học thì lịch sử Ai Cập chỉ bắt đầu sớm nhất là năm 3.000 TCN, còn trước đó nữa thì chẳng có ai sinh sống ở đó cả.

Giới khảo cổ dòng chính còn khó chịu hơn nữa khi cùng thời điểm đó, 2 nhà nghiên cứu John West và Robert Schoch công bố những khám phá địa chất tại cao nguyên Giza, nói rằng tượng nhân sư phải lâu đời hơn giới hàn lâm thừa nhận rất nhiều. Họ tìm thấy những kiểu xói mòn do nước gây ra, được tìm thấy trên cả bức tượng và dãy đá xung quanh.

Các nhà khoa học đã biết rằng, Sa mạc Sahara không phải lúc nào cũng khô hạn như hiện nay. Vào giai đoạn 8.500 tới 5.300 năm TCN, nó đã từng có mưa nhiều, đất đai rất màu mỡ và xanh tươi, có nhiều loài động thực vật phong phú. Sau đó mưa ít dần và 30 triều đại của các Pharaoh bắt đầu khoảng 3.000 năm TCN.

xoi mon kim tu thap 1 image
Những lỗ li ti do xói mòn của nước biển, trên những tảng đá nhẵn ở mặt ngoài Đại Kim tự tháp. Để đạt đến kích cỡ này, phải mất hàng thiên niên kỉ, rồi sau đó vài thiên niên kỉ nữa để gió làm phẳng chúng tới mức gần như không thấy rõ. Lấy ví dụ cụ thể hơn, để xói mòn loại này ăn đi 25cm bề mặt đá vôi, cần khoảng 10.000 năm. (ảnh: gizaforhumanity.org)
xoi mon kim tu thap 2 image
Những tảng đá ở góc Tây Nam kim tự tháp Khafre. Nơi đây hẳn đã phải chịu sóng vỗ mạnh nên mới tạo thành những hình dáng lồi lõi đặc trưng như vậy. (ảnh: gizaforhumanity.org)

Vậy là giờ đây, chúng ta có 2 chứng cứ lớn, cả ở thiên văn học và địa chất học. Chúng ở đó, dường như cả khu phức hợp kim tự tháp đều chỉ đến thời điểm này – “thời đại đầu tiên.” Nhưng như vậy thì sao? Người Ai Cập cổ đại muốn gửi gắm thông điệp gì?

Thông điệp của kim tự tháp Giza

Thứ nhất, kim tự tháp không chỉ nói ngôn ngữ thiên văn học, nó còn dùng ngôn ngữ của vũ trụ, thể hiện ở các tỷ lệ xây dựng và số vô tỷ. Ngôn ngữ này có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa quốc gia, có thể trường tồn tới hàng nghìn năm sau nếu các thế hệ tương lai tiến hành đo đạc.

Cũng tương tự như các vòng tròn đá Avebury mà chúng tôi đã từng phân tích, kim tự tháp truyền tải thông điệp của cổ nhân rằng “Chúng tôi đã ở đây!” – một nền văn minh cao cấp đã từng tồn tại bên dòng sông Nile 12.500 năm trước. Một thời kỳ huy hoàng khi các vị Thần đã đến thế gian và khai sáng nền văn minh – theo tín ngưỡng của người Ai Cập cổ – mà 3 Đại kim tự tháp là những tượng đài ghi dấu.

Liệu nền văn minh của chúng ta hiện nay có tiên tiến bằng trình độ của người xưa? Cho đến hiện tại chúng ta vẫn chưa thể giải mã hết và vẫn đang phỏng đoán về cách người xưa đã xây Đại kim tự tháp mà thôi. Nhưng việc đặt kim tự tháp vào đúng thời điểm của nó trên bản đồ sẽ giúp con người chỉnh lại cho đúng dòng lịch sử và các nền văn minh, đây lại là một công trình cổ đại nữa phủ định thời gian biểu mà thuyết tiến hóa đưa ra.

Ngoài ra còn có một ý nghĩa nhân sinh sâu xa hơn mà chúng ta có thể suy ngẫm. Con người chúng ta có 3 câu hỏi lớn trong đời người: tôi đến từ đâu, tôi là ai và tôi sẽ đi về đâu. Người Ai cập cổ đại cho rằng con người sống tại thế gian rất ngắn ngủi, nhưng tương lai là vĩnh hằng. Người Ai Cập cổ vô cùng xem trọng thân thể con người, họ cho rằng chỉ cần thân thể xác thịt được bảo tồn hoàn hảo, thì linh hồn sẽ có chỗ an nghỉ, sau khi chết sẽ có một cuộc sống mới. Người Ai Cập nhận thức rằng, cái chết là sự bắt đầu của sinh mệnh chân chính. Sau khi sinh mệnh rời khỏi nhân thế, linh hồn sẽ ngủ say trong lăng mộ, trong tương lai Thần của họ sẽ đến thế gian và đánh thức những linh hồn đang ngủ say đó, đưa tất cả họ về thế giới thiên quốc vĩnh hằng.

Và cuối cùng là một phỏng đoán, bản đồ năm 10.450 TCN còn chỉ tới một tượng đài khác trên cao nguyên Giza, đó là tượng nhân sư.

dau tuong nhan su image
Phần đầu tượng nhân sư dường như làm từ chất liệu khác so với phần thân, và có mức độ xói mòn rất ít so với phần thân. (ảnh: pixabay)
Zawi Hawass examining a chamber image
Zawi Hawass xem xét một căn phòng phía sau tượng nhân sư (ảnh chụp video)
Zawi Hawass image
Zawi Hawass leo xuống một đường hầm, tới căn phòng bị ngập nước có một quan tài lớn (ảnh: Fox)
can phong duoi tuong nhan su image
Máy quét phát hiện phòng ngầm dưới chân trái tượng Nhân sư. (Ảnh: Ancient-code.com)

Các nhà khảo cổ đã biết từ năm 1991, rằng có khả năng tồn tại căn phòng bí mật dưới chân tượng nhân sư. Nhưng giới quan chức Ai Cập vẫn khăng khăng rằng không có gì dưới đó, cho dù đã có những đoạn phim quay lại cảnh Zahi Hawass – cựu Bộ trưởng Bộ khảo cổ – leo xuống một lối vào phía sau tượng nhân sư. Do vậy, chúng chúng vẫn phải chờ, không phải vì lý do khó khăn kỹ thuật hay sông núi cách trở, mà bởi lòng người còn chưa thuận. Nhưng dù sao đi nữa, chúng ta đã đi được một chặng đường khá dài trong việc giải mã những bí ẩn của kim tự tháp.

(hết)

Theo các nghiên cứu của Robert Bauval
Sơn Vũ tổng hợp