Được biết, Patriot là hệ thống phòng không tiên tiến bậc nhất trong kho vũ khí của Mỹ và Washington cam kết sẽ chuyển loại vũ khí này cho Ukraine.

Hệ thống phòng không
Hệ thống phòng không Patriot. (Ảnh: Mike Mareen/Shutterstock)

Hôm 21/12 vừa qua, ngay trước cuộc gặp của Tổng thống Volodymyr Zelensky với Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington, D.C, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 1,85 tỷ USD cho Ukraine, trong đó có các hệ thống phòng không Patriot.

Thời gian gần đây, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết một số đồng minh NATO trước đây đã ngăn chặn quá trình chuyển giao hệ thống Patriot trong nhiều tháng.

Lực lượng Mỹ sẽ huấn luyện quân đội Ukraine sử dụng và bảo trì hệ thống Patriot ở nước thứ 3, nhiều khả năng là Đức. Tuy nhiên, khó có khả năng Ukraine nhận được hệ thống phòng không này trước mùa xuân.

Trước sự việc trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng việc các nước phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ chỉ càng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột hiện nay và là điều không có lợi cho Ukraine. Ngày 14/12, ông Peskov tuyên bố Nga chắc chắn sẽ tấn công các hệ thống Patriot của Mỹ ở Ukraine, nếu loại vũ khí này được triển khai trong cuộc xung đột đang diễn ra tại đây.

Cùng ngày, hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga, ông Vladimir Dzhabarov, cho rằng Mỹ cấp vũ khí cho Ukraine sẽ làm dấy lên nguy cơ về một cuộc xung đột giữa Nga và NATO. Theo quan chức này, Mỹ đã đẩy thế giới đến bờ vực của cuộc Thế chiến III.

Quân đội Mỹ từng giới thiệu Patriot là hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa dẫn đường hàng đầu của nước này. Loại vũ khí này được biên chế từ những năm 1980 và kể từ đó, Patriot đã được chuyển giao cho hơn 10 đồng minh của Mỹ trong nhiều thập kỷ.

Patriot có thể tấn công các mục tiêu trên không, từ máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình cho đến máy bay chiến đấu và trực thăng. Phạm vi hoạt động của Patriot thay đổi linh hoạt, từ 90 km đối với PAC-1, 160 km đối với PAC-2 và từ 30 – 60 km đối với PAC-3/PAC-3MSE. Các tên lửa có độ cao triệt hạ mục tiêu tối đa hơn 24 km và hoạt động ở tốc độ từ Mach 2,8 đến Mach 4, đủ để đánh chặn hầu hết mọi vật thể trên lý thuyết.

Một khẩu đội tên lửa Patriot gồm một thiết bị cung cấp năng lượng, một trạm chỉ huy, một đơn vị radar, ăng-ten, và tối đa 8 bệ phóng gắn trên xe tải, mỗi bệ chứa 4 tên lửa đất đối không. Là sản phẩm của nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon, hệ thống này có tầm bắn lên tới 160 km và có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tên lửa hành trình hoặc máy bay đang lao tới.

Theo các chuyên gia quân sự, để vận hành hiệu quả các hệ thống tên lửa Patriot, cần có một đội ngũ chuyên gia lớn và hàng chục binh sĩ được đào tạo bài bản. Quá trình huấn luyện đặc biệt để sử dụng tên lửa Patriot có thể mất nhiều tháng. Hệ thống Patriot thông thường cần 90 binh sĩ để vận hành và bảo trì. Dẫu vậy, hệ thống này vẫn có thể được khai hỏa với một đội chỉ gồm 3 người khi cần.

Phan Anh

Video: ‘Hố tử thần’ nuốt chửng 25 học sinh Peru nhảy múa trong tiệc tốt nghiệp