Đám đông cuồng nhiệt gồm hàng chục nghìn người biểu tình tuần hành qua các đường phố ở thành phố lớn nhất của Burma (Miến Điện, còn được gọi là Myanmar) hôm 7/2 để phản đối cuộc đảo chính diễn ra vào tuần trước nhằm lật đổ chính phủ đắc cử của bà Aung San Suu Kyi, và tinh thần của họ được nâng lên nhờ sự trở lại của các dịch vụ Internet đã bị chặn trước đó 1 ngày.

biểu tình
(Ảnh: Kan Sangtong/ Shutterstock)

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở nhiều nơi khác nhau ở thành phố Yangon cùng đổ về chùa Sule, nằm ở trung tâm của thành phố. Những người biểu tình hô vang “Mẹ Suu muôn năm (Long live Mother Suu)” và “Đả đảo chế độ độc tài quân sự.” Những người biểu tình ở các vùng khác của đất nước đã hô vang lời kêu gọi của mình.

Giới chức trách đã cắt quyền truy cập Internet khi các cuộc biểu tình gia tăng vào hôm 6/2, làm dấy lên lo ngại về việc mất hoàn toàn thông tin. Tuy nhiên, vào chiều ngày 7/2, người dùng Internet ở Yangon đã báo cáo rằng quyền truy cập dữ liệu trên điện thoại di động của họ đã bất ngờ được khôi phục trở lại.

Những người biểu tình đang tìm cách đảo ngược việc nắm quyền của quân đội vào hôm 1/1 và yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo bị lật đổ của đất nước và các nhân vật hàng đầu khác thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.

Quân đội đã cáo buộc chính phủ của bà Suu Kyi không thực hiện các khiếu nại của họ, trong đó cho rằng cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11/2020 đã bị hủy hoại do gian lận, mặc dù ủy ban bầu cử cho biết họ không tìm thấy bằng chứng nào để chứng minh nhận định trên.

Các cuộc biểu tình ngày càng tăng là một lời nhắc nhở rõ ràng về cuộc đấu tranh dài lâu và đẫm máu cho dân chủ ở một quốc gia mà quân đội trực tiếp cai trị trong hơn 5 thập kỷ trước khi nới lỏng sự kìm kẹp vào năm 2012. Chính phủ của bà Suu Kyi, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử long trời lở đất vào năm 2015, lần đầu tiên được lãnh đạo bởi thường dân trong nhiều thập kỷ, mặc dù phải đối mặt với một số hạn chế về quyền lực theo hiến pháp do quân đội soạn thảo.

Trong những năm Miến Điện bị cô lập dưới sự cai trị của quân đội, chùa Sule có mái vòm vàng đóng vai trò là điểm tập hợp các cuộc biểu tình chính trị kêu gọi dân chủ, đáng chú ý nhất là cuộc nổi dậy lớn diễn ra vào năm 1988 và một lần nữa vào năm 2007 do các nhà sư Phật giáo lãnh đạo.

Quân đội đã sử dụng vũ lực chết người để chấm dứt cả 2 cuộc nổi dậy đó, với ước tính hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người thiệt mạng vào năm 1988. Trong khi cảnh sát chống bạo động đã được cử đến để theo dõi các cuộc biểu tình trong tuần qua, binh lính đã vắng mặt và không có báo cáo về các cuộc đụng độ.

Một số video đăng trực tuyến vào hôm 7/2 được cho là từ thị trấn Myawaddy, ở biên giới phía đông của Miến Điện với Thái Lan, cho thấy cảnh sát bắn vào không trung trong một nỗ lực nhằm giải tán đám đông. Không có dấu hiệu cho thấy sự hoảng sợ và cũng không có báo cáo nào về thương tích.

Đám đông tỏ ra không mấy sợ hãi, với số lượng ngày càng đông hơn và trở nên dũng cảm hơn trong những ngày gần đây, trong khi vẫn duy trì trạng thái không bạo lực nhằm ủng hộ lời kêu gọi của NLD và các đồng minh về việc bất tuân dân sự (civil disobedience).

Trong một cuộc tụ tập hôm 7/2, có ít nhất 2.000 nhà hoạt động công đoàn lao động và sinh viên cũng như thành viên của công chúng đã tập trung tại một giao lộ chính gần Đại học Yangon. Họ diễu hành dọc theo một con đường chính, còn xe cộ thì qua lại đông đúc. Các tài xế bấm còi ủng hộ.

Cảnh sát trong trang phục chống bạo động đã chặn lối vào chính của trường đại học. Hai xe vòi rồng đậu gần đó.

Những người biểu tình chủ yếu là thanh niên cầm biểu ngữ kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, những người bị quản thúc tại gia và bị buộc tội nhẹ, được nhiều người coi là dấu hiệu pháp lý cho việc giam giữ họ.

Người biểu tình Htain Linn Aung, 46 tuổi, nói: “Chúng tôi chỉ muốn cho thế hệ hiện tại thấy cách mà thế hệ đi trước chống lại cuộc khủng hoảng này, bằng cách tuân theo phương châm của Mẹ Suu, đó là trung thực, minh bạch và hòa bình. Chúng tôi không muốn một nhà độc tài quân sự. Hãy để kẻ độc tài nếm mùi thất bại.”

Các báo cáo trên phương tiện truyền thông xã hội và bởi một số dịch vụ tin tức Miến Điện cho biết các cuộc biểu tình cũng đang diễn ra ở các vùng khác của đất nước, với một đám đông có quy mô rất lớn ở thành phố trung tâm Mandalay, nơi cũng có một đám diễu hành bằng xe máy với hàng trăm người tham gia, liên tục bóp còi xe.

Hôm 6/2 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng về ​​quy mô của các cuộc biểu tình trên đường phố, từ hàng trăm đến hàng nghìn người, nhưng cùng với đó là việc ​​các nhà chức trách đã cắt hầu hết quyền truy cập vào Internet. Những lỗ hổng trong hệ thống tường lửa (firewall) của quân đội đã cho phép một số tin tức được truyền ra, nhưng cũng làm dấy lên nỗi sợ hãi về việc mất hoàn toàn thông tin.

Các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter trước đó đã bị ra lệnh chặn, nhưng vẫn có thể truy cập được một phần. Các nền tảng truyền thông xã hội là nguồn cung cấp tin tức độc lập chính cũng như các công cụ tổ chức cho các cuộc biểu tình.

Netblocks, một dịch vụ có trụ sở tại London, chuyên theo dõi tình trạng gián đoạn và ngừng hoạt động của Internet, xác nhận rằng đã có một phần được khôi phục kết nối Internet vào hôm 7/2, nhưng lưu ý rằng tình trạng này có thể chỉ là tạm thời và mạng xã hội vẫn bị chặn.

Sự phong tỏa thông tin liên lạc là một lời nhắc nhở cứng rắn rằng cuộc biểu tình ở Miến Điện có nguy cơ thất bại. Trong nhiều thập kỷ cai trị của quân đội Miến Điện, đất nước này bị cô lập với quốc tế và  việc giao tiếp với thế giới bên ngoài bị kiểm soát một cách chặt chẽ.

Các nhà lập pháp được bầu trong đảng của bà Suu Kyi đã gặp nhau trong một cuộc họp trực tuyến vào hôm 5/2 để tuyên bố mình là những đại diện hợp pháp duy nhất của người dân và yêu cầu quốc tế công nhận là chính phủ của quốc gia.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: