Theo tờ The Jerusalem Post đưa tin hôm 14/9, một nhóm các nhà khoa học Israel cho biết một loại thuốc kháng virus từng được sử dụng để điều trị HIV có thể điều trị COVID-19 với thời gian chỉ trong vài ngày.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par Melinda Nagy/Shuttertock)

Công ty Code Pharma, trụ sở đặt tại Hà Lan nhưng có văn phòng nghiên cứu và phát triển ở Israel, đã hoàn tất thử nghiệm giai đoạn I đối với thuốc Codivir trong điều trị COVID-19. Hôm 13/9 vừa qua, nhóm nhà khoa học Israel đã nộp đơn xin cấp phép tiến hành thử nghiệm giai đoạn II tại Trung tâm Y tế Barzilai ở nước này.

Quá trình thử nghiệm giai đoạn II dự kiến bắt đầu vào tháng tới, với sự tham gia của khoảng 150 bệnh nhân đến từ nhiều quốc gia, trong đó có Tây Ban Nha, Brazil và Nam Phi.

Theo Giám đốc điều hành (CEO) Code Pharma Zyon Ayni, mục tiêu của họ là hoàn tất thử nghiệm giai đoạn II trong 3-6 tháng và sau đó xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thuốc Codivir .

Quá trình thử nghiệm giai đoạn I vừa hoàn thành tại Brazil và được Ủy ban Đạo đức Nghiên cứu Quốc gia (CONEP) phê duyệt. Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 12 bệnh nhân trong độ tuổi 18-60, với các triệu chứng COVID-19 từ nhẹ đến trung bình. Trong quá trình thử nghiệm, 7 người trong số này được xét nghiệm PCR 2 ngày/lần kể từ thời điểm tiêm Codivir (tương tự như tiêm insulin dưới da). Bệnh nhân sẽ tiêm 2 liều/ngày trong 10 ngày.

Codivir, một peptide ngắn gồm 16 axit amin tổng hợp, có nguồn gốc từ tích hợp HIV-1, được phát hiện đầu tiên tại Đại học Hebrew ở Israel. Về bản chất, peptide là một chuỗi dài các axit amin được cơ thể sản sinh ra với tác dụng sinh tổng hợp các loại protein.

Phương pháp nghiên cứu mù đôi (double-blind study) là một phương pháp nghiên cứu mà trong đó cả đối tượng được nghiên cứu và cả các nhà khoa học đều được “làm mù”. Cả thuốc thật và giả dược có hình dạng y hệt nhau (về màu sắc và hương vị) được phát cho các nhóm đối tượng. Một nhóm sử dụng thuốc và một nhóm sử dụng giả dược. Công việc thống kê sự cải thiện và hiệu quả sẽ do bên thứ 3 thực hiện. Phương pháp nghiên cứu mù đôi nhằm mục đích loại bỏ được yếu tố thiên vị, cảm tính và kỳ vọng của các đối tượng liên quan trong quá trình thử nghiệm, đảm bảo được kết quả chính xác nhất.

Ông Shlomo Maayan, giám đốc bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Barzilai, cho biết 5 trong số 7 bệnh nhân tiêm Codivir có tải lượng virus giảm mạnh trong thời gian điều trị.

Codivir ức chế đáng kể sự nhân lên của virus ở tất cả bệnh nhân, với tác dụng kháng virus được ghi nhận sớm nhất là 3 ngày sau khi tiêm.

Trong bối cảnh tỉ lệ lây nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng cao trên toàn thế giới, Code Pharma đang chuẩn bị để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp sản phẩm của họ ở nhiều quốc gia ngay khi quá trình thử nghiệm giai đoạn II kết thúc, CEO Ayni cho biết. Hãng dược phẩm này cũng đã lên kế hoạch sản xuất quy mô lớn Codivir tại nhiều địa điểm trên toàn thế giới.

Theo The Jerusalem Post,

Phan Anh

Xem thêm: