Tương lai của nhân loại xoay quanh cách chúng ta trả lời câu hỏi chúng ta coi Vũ trụ là một thực thể sống hay một thực thể chết?

Những năm đầu của thế kỷ 21, một loạt các cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu đặt thế giới dưới áp lực rất lớn để thực hiện những thay đổi mang tính cơ bản. Nhiều năm nay, các nhà khoa học đã khẩn thiết kêu gọi nhân loại thực hiện những “thay đổi lớn” nhằm cứu vãn sự sống của chúng ta trên trái đất.

Năm 2009, Duane Elgin, tác giả, diễn giả, nhà giáo dục, nhà tư vấn và nhà hoạt động truyền thông người Mỹ đã đề xuất một giải pháp để thực hiện “thay đổi lớn” và khắc phục những khác biệt và chia rẽ to lớn trong cộng đồng con người. Đó là nhìn nhận rằng Vũ trụ là một sinh mệnh sống vĩ đại luôn vận động và phát triển và con người chúng ta đang trong hành trình khám phá bản thân mình bên trong đó. 

Trong cuốn sách “Vũ trụ sống: Chúng ta đang ở đâu, Chúng ta là ai và Chúng ta đang đi đâu” (The Living Universe: Where are We, Who are We, and Where are We Going),  Elgin cho rằng chúng ta không thể hiểu chúng ta là ai hoặc hành trình mà chúng ta đang đi nếu không hiểu mình đang ở đâu và hiểu về Vũ trụ mà con người đang ở trong đó. Tương lai của nhân loại xoay quanh cách chúng ta trả lời câu hỏi chúng ta coi Vũ trụ là một thực thể sống hay là một thực thể chết. 

Vũ trụ là sinh mệnh sống
Cuốn sách “Vũ trụ sống: Chúng ta đang ở đâu, Chúng ta là ai và Chúng ta đang đi đâu” của Duane Elgin

Quan điểm về Vũ trụ chết

Vài trăm năm trước, vật lý cơ học và triết học duy vật cho rằng Vũ trụ là một nơi cằn cỗi và khắc nghiệt bao gồm gần như hoàn toàn vật chất không sống (vật chất trơ), sự sống vô cùng hiếm hoi. Trên trái đất, bằng cách nào đó, vật chất đã tự tổ chức ở mức độ phức tạo cao và tạo ra các thực thể sống. Tuy nhiên, xét trong bối cảnh Vũ trụ lớn hơn, quần thể người chỉ là một chấm nhỏ tầm thường. Sự tồn tại của chúng ta với tư cách là con người dường như là vô nghĩa và không có mục đích. 

Bằng cách loại bỏ sự sống khỏi cấu tạo của Vũ trụ, thành công ban đầu của quan điểm duy vật cuối cùng đã dẫn đến việc khai thác tận diệt môi trường và một cuộc khủng hoảng toàn cầu sâu sắc.

Khoa học về Vũ trụ sống

Là một người có nhiều kinh nghiệm trực tiếp trong các thí nghiệm khám phá xem Vũ trụ có phải là một hệ thống sống hay không, và bản thân đã từng là một đối tượng để NASA nghiên cứu, Duane Elgin cho rằng bằng cách rút ra những hiểu biết sâu sắc từ các lĩnh vực khoa học và các bằng chứng có sẵn, ta có thể nhận thấy Vũ trụ là một hệ thống hay một sinh mệnh đang sống.

Elgin chỉ ra rằng có nhiều lý thuyết của khoa học về bản chất của sự sống dựa trên động vật và thực vật; tuy nhiên, giới hạn hiểu biết của chúng ta về sự sống trong các hình thái (form) quen thuộc này là sự nhầm lẫn giữa biểu hiện vật chất của sự sống với năng lượng của chính sự sống. Hình thái (form) không phải là sự sống (aliveness), mà chỉ là các vật chứa đựng (container) của sự sống. Chúng ta cần mở rộng sự tìm hiểu về ý nghĩa của sự sống.

Việc xác định một virus có sống hay không là sự minh họa cho khó khăn của các nhà khoa học trong việc  phân định rõ ràng giữa sự sống và không sống. Bản thân virus là một thực thể không sống nhưng khi nó tìm thấy vật chủ có khả năng phù hợp, nó có thể nhanh chóng tự tái tạo và tiến hóa thành các dạng mới, dễ lây lan hơn. Bởi vì khả năng sao chép và tiến hóa là yếu tố cơ bản đối với sự sống, virus di chuyển trong vùng xám giữa sự sống và không sự sống.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi không có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi. Sự sống là một năng lượng vô hình hay nó không thể tách rời khỏi tác nhân vật lý của năng lượng đó? Trong khi nhiều nhà khoa học chỉ áp dụng một vài tiêu chí để mô tả một hệ thống sống, Elgin đề xuất một loạt 6 tiêu chí để xem xét liệu Vũ trụ có sống hay không:

  1. Vũ trụ có thống nhất mặc dù có kích thước rất lớn?
  2. Năng lượng có xuyên suốt trong Vũ trụ hay không?
  3. Vũ trụ có được tái tạo liên tục không?
  4. Có tình cảm hay ý thức xuyên suốt trong Vũ trụ không? 
  5. Vũ trụ có sự tự do lựa chọn không?
  6. Liệu Vũ trụ của chúng ta có thể tự sinh sản không?

Đây là một danh sách các tiêu chí rất thách thức mà Vũ trụ phải đáp ứng nếu chúng ta coi nó như một hệ thống sống. Hãy cùng xem xét chúng, rút ​​ra những hiểu biết sâu sắc từ các nguồn có uy tín trong khoa học chính thống và Vũ trụ học: 

Tiêu chí 1: Một Vũ trụ thống nhất 

Làm thế nào mà vũ trụ của chúng ta, nơi dường như hầu hết là không gian trống rỗng với các thành phần riêng biệt từ nguyên tử, con người, đến hành tinh, thiên hà, cụm thiên hà, siêu cụm thiên hà… lại là một chỉnh thể không bị chia cắt? 

Một trong những phát hiện tuyệt vời của vật lý lượng tử là tính phi định xứ (non-locallity) trong đó hiệu ứng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) được coi là một trường hợp điển hình. 

Trước đây, các nhà khoa học đã giả định rằng giao tiếp tức thời không thể diễn ra giữa hai điểm xa nhau; thay vào đó, phải mất thời gian để một thông điệp truyền từ nơi này đến nơi khác, ngay cả với tốc độ ánh sáng. Bởi vì các thiên hà khác cách chúng ta hàng triệu năm ánh sáng, chúng dường như xa xôi đến mức hoàn toàn tách biệt với sự tồn tại của chúng ta. 

Tuy nhiên, các thí nghiệm khoa học cho thấy rằng, bất chấp những khoảng cách rộng lớn dường như không thể kết nối, trên thực tế, mọi thứ trong vũ trụ đều liên kết với nhau một cách sâu sắc. Các thí nghiệm đã nhiều lần chứng minh rằng các hạt hạ nguyên tử có thể liên lạc tức thời với nhau, bất kể khoảng cách giữa chúng. (Xem bài Dịch chuyển tức thời: Vật chất có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng?)

Nhà vật lý nổi tiếng David Bohm đã giải thích hiện tượng này bằng cách miêu tả vũ trụ như một toàn ảnh ba chiều (hologram) khổng lồ được tái tạo tại mỗi thời điểm. Tại mọi thời điểm, mọi phần của vũ trụ đều chứa thông tin về toàn thể vũ trụ. Tương tự, nếu bạn chụp một toàn ảnh ba chiều của một người và sau đó cắt tấm ảnh làm đôi, khi mỗi nửa được chiếu sáng, nó sẽ chứa toàn bộ hình ảnh gốc, mặc dù mờ nhạt hơn. Nếu mỗi nửa được cắt làm đôi một lần nữa, mỗi phần sẽ chứa một phiên bản nhỏ hơn nhưng hoàn chỉnh của bản gốc. Cái toàn thể nằm trong mọi bộ phận và mọi bộ phận nằm trong cái toàn thể. (Xem bài: Nơi khoa học gặp tôn giáo – P1: Vũ trụ và não bộ là những toàn ảnh (hologram))

Vũ trụ sống
Vũ trụ như một toàn ảnh 3 chiều (ảnh: Paragorn Dangsombroon/Shutterstock)

Tính phi định xứ tồn tại, không phải do sự nhắn tin qua lại cực kỳ nhanh chóng ở cấp độ hạ nguyên tử, mà bởi vì sự phân tách không xảy ra. Bohm nói rằng cuối cùng chúng ta phải xem toàn bộ Vũ trụ là “một tổng thể duy nhất, không phân chia.” Thay vì phân tách Vũ trụ thành các thực thể sống và không sống, ông xem vật chất có sinh khí (animate) và không có sinh khí (inanimate) như đan xen không thể tách rời với sinh lực (life force) hiện hữu khắp vũ trụ. Đối với Bohm, ngay cả một tảng đá bản thân nó cũng có dạng tồn tại sống đặc biệt, bởi vì sinh lực đang chảy một cách năng động qua toàn bộ kết cấu của Vũ trụ. 

Nhà vật lý lỗi lạc John Wheeler cho rằng, khi nói về Vũ trụ, người ta phải gạch bỏ từ cũ đó là “người quan sát” và đặt vào vị trí của từ mới “người tham gia”. Theo một nghĩa kỳ lạ nào đó, Vũ trụ là một Vũ trụ có sự tham gia của mọi cá thể.

Tiêu chí 2: Vũ trụ là một đại dương của năng lượng nền

Đặc tính quan trọng thứ hai của các hệ thống sống là năng lượng chảy qua chúng. Còn vũ trụ của chúng ta thì sao? Có bằng chứng nào về năng lượng chảy trong toàn bộ Vũ trụ trong các không gian rộng lớn dường như trống rỗng hay không?

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng Vũ trụ đã tăng tốc giãn nở khoảng 5 tỷ năm trước và hiện nay sự giãn nở càng ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Các nhà nghiên cứu đã bị sốc khi phát hiện ra rằng có một năng lượng phi thường hiện hữu khắp nơi trong Vũ trụ đang đẩy các thực thể của Vũ trụ ra xa nhau. Người ta gọi đó là năng lượng tối và ước tính nó chiếm 73% vật chất trong Vũ trụ.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng biết rằng khắp Vũ trụ tồn tại một đại dương năng lượng nền, được gọi là năng lượng điểm 0, tức là năng lượng ở độ 0 tuyệt đối tương ứng với nhiệt độ 0°K hay -273,15°C. Chúng ta không thể nhìn thấy năng lượng điểm 0 bởi vì nó ở khắp mọi nơi và xuyên qua mọi thứ. 

Vũ trụ sống
Năng lượng điểm 0, dòng năng lượng vô tận có thể vận hành qua các hình xuyến (ảnh: Dani3315/Shutterstock)

Mặc dù vẫn chưa rõ năng lượng điểm 0 có mối quan hệ thế nào với năng lượng tối, nhưng rõ ràng là những lượng năng lượng nền đáng kinh ngạc liên tục chảy qua Vũ trụ. 

Dù chúng ta gọi nó là gì thì năng lượng điểm 0 của vũ trụ cũng lớn đến mức đáng kinh ngạc. Nhà vật lý David Bohm đã tính toán rằng 2,54cm3 không gian “trống” chứa nhiều hơn năng lượng của hàng triệu quả bom nguyên tử! 

Đại dương năng lượng tiềm ẩn này là thực tế cơ bản. Hiện nay có nhiều nhà khoa học đã phát minh ra các thiết bị phát điện từ năng lượng điểm 0. Điều này đã không phải là sự hoang đường nữa. (Xem bài: Khám phá quan trọng nhất thời đại: Khống chế năng lượng ‘miễn phí’ từ thinh không)

Tiêu chí 3: Một Vũ trụ được tái sinh liên tục

Một đặc điểm quan trọng khác của hệ thống sống là tái tạo liên tục. Ví dụ, lớp da bên ngoài của con người cứ 2 tuần đổi mới một lần. Chúng ta nhận được một lá gan mới khoảng 2 tháng một lần và xương trong cơ thể chúng ta được thay thế hoàn toàn sau mỗi 7 đến 10 năm. 

Lý thuyết Vũ trụ sống xem sự sáng tạo không phải là một sự kiện xảy ra một lần mà là một quá trình liên tục. Toàn bộ câu chuyện đơn nhất được duy trì theo từng khoảnh khắc bởi một dòng năng lượng xuyên suốt không gián đoạn. Quan điểm tái tạo gợi ý lý do tại sao có rất nhiều năng lượng chảy qua Vũ trụ — cần phải liên tục tái tạo toàn bộ Vũ trụ, bao gồm cấu tạo của không-thời gian và vật chất-năng lượng.

Ví dụ, nếu chúng ta đi đến trung tâm của một nguyên tử, những gì chúng ta tìm thấy gần như hoàn toàn là không gian trống. Nếu lõi trung tâm hoặc hạt nhân của một nguyên tử được mở rộng bằng kích thước của một quả bóng golf, các electron bao quanh lõi sẽ mở rộng ra phía ngoài một dặm rưỡi. Các electron bao quanh hạt nhân của nguyên tử đang chuyển động rất nhanh – vài nghìn tỉ lần một giây – đến nỗi chúng biểu hiện như một đám mây mờ. 

Khi chúng ta càng nhìn sâu vào trung tâm của vật chất, thì nó càng có vẻ ít vật chất đi. Khi kiểm tra kỹ, vật chất tan thành các nút năng lượng và không-thời gian mà tính ổn định động của chúng mang lại vẻ ngoài của sự rắn chắc lâu bền của vật thể. Thật kinh ngạc khi cơn bão xoáy chuyển động chảy này lại kết hợp với nhau để thể hiện ra thế giới bình thường xung quanh chúng ta.

Nếu chúng ta đi vào trung tâm của không gian, những gì chúng ta tìm thấy là sự năng động, năng lượng và cấu trúc. Không gian không phải là sự trống rỗng tồn tại từ trước chờ đợi để được lấp đầy bởi vật chất; thay vào đó, giống như vật chất, nó xuất hiện vào mọi thời điểm. Không gian tồn tại tích cực như vật chất. Cả hai đều được truyền sinh lực duy trì toàn diện. Không gian trống là một vật trong suốt được cấu tạo động lực học chứa đầy các mức năng lượng và chuyển động khổng lồ. 

“Giờ đây chúng tôi đã đi đến kết luận rằng không gian là điều chính yếu và vật chất chỉ là thứ yếu.” –  Albert Einstein

Với tính năng động của cả vật chất và không gian, Vũ trụ, theo cách nói của David Bohm, là “một sự toàn vẹn không thể phân chia trong chuyển động chảy.” Theo quan điểm này, toàn bộ Vũ trụ đang được tái sinh tại mỗi thời điểm trong một bản giao hưởng duy nhất được trình diễn, mở ra từ những khía cạnh vi mô nhất của cõi hạ nguyên tử cho đến phạm vi rộng lớn của hàng tỷ hệ thống thiên hà. Vũ trụ được coi là đơn vị cơ bản của sự sáng tạo liên tục.

Nhà toán học Norbert Wiener đã nói “Chúng ta không phải là những thứ tồn tại, mà là những mẫu hình tồn tại mãi mãi; những xoáy nước trong một dòng sông không ngừng chảy. ” Tất cả dòng chảy tạo thành một bản giao hưởng lớn trong đó tất cả chúng ta đều là người chơi, một trình diễn sáng tạo duy nhất – một Vũ trụ.

Vũ trụ sống
Đường xoắn ốc – hình đặc trưng cho các thiên hà và vũ trụ – cũng xuất hiện nhiều trong thế giới con người (ảnh: pixelparticle/Shutterstock)

Xem tiếp Phần 2

Thiện Tâm
(Theo “The Living Universe: Where are We, Who are We, and Where are We Going” của Duane Elgin)

Xem thêm: