Khám phá sửng sốt của nhà khoa học: cách kết nối với thế giới tâm linh

Là một nhà khoa học xuất sắc và có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu vật liệu bán dẫn, vị Giáo sư đáng kính từng giữ chức Hiệu trưởng Đại học Quốc gia Đài Loan chưa bao giờ tin rằng thế giới tâm linh có tồn tại, cho đến khi những cô cậu học trò tham gia khóa huấn luyện của ông phát hiện nhiều điều kỳ lạ từ những con chữ bị dấu kín dưới những chiếc găng tay đen. Nhờ đó, ông cũng phát hiện ra cách giúp các nhà khoa học có thể kết nối và nghiên cứu thế giới lâm linh.

Giáo sư Lý Tự Sầm (Lee Si-chen/Li Sichun) là nhà khoa học xuất sắc người Đài Loan. Ông lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành điện tại Đại học Stanford. Giáo sư Lý có nhiều thành tựu lớn và nhận được nhiều giải thưởng khoa học, điển hình như nghiên cứu dẫn đến phát minh ra linh kiện bán dẫn lưỡng cực có tiếp giáp không đồng nhất (Heterojunction Bipolar Transistor – HBT), trở thành tiêu chuẩn sản xuất bộ khuếch đại công suất thống trị ngành sản xuất điện thoại di động với hàng tỷ linh kiện mỗi năm. Ông giữ chức hiệu trưởng Đại học Quốc gia Đài Loan từ năm 2005 đến năm 2013. 

thế giới tâm linh
Giáo Sư Lý Tự Sầm (ảnh: website Lý Tự Sầm)

Ngoài nghiên cứu về thiết bị bán dẫn, Giáo sư Lý Tự Sầm cũng đặc biệt say mê nghiên cứu lĩnh vực khoa học nhân thể bao gồm khí công Trung Quốc và tiềm năng của con người trong đó có việc nghiên cứu về con mắt thứ ba. 

Từ năm 1993, trong vòng 9 năm, Giáo sư Lý Tự Sầm đã thực hiện hơn 3.000 lần thử nghiệm, chứng minh rằng việc dùng ngón tay đọc chữ và sự tồn tại của con mắt thứ ba là việc có thật. 

Từ làn sóng nghiên cứu công năng đặc dị ở Trung Quốc 

Năm 1979, cậu bé có tên Đường Vũ (Tang Yu) ở Tứ Xuyên, Trung Quốc đại lục được phát hiện có khả năng “đọc bằng tai”. Cậu bé có thể đọc được các chữ viết trên một mảnh giấy được cuộn thành 1 viên bi và nhét vào tai. 

Sau đó, hàng trăm đứa trẻ khác ở cùng Tứ Xuyên đã được các giáo viên phát hiện ra khả năng này. Một số dùng tai, một số lại dùng ngón tay để đọc chữ. 

Giáo sư Trần tại Đại học Bắc Kinh phát hiện ra khả năng đọc chữ bằng ngón tay có thể được phát triển qua đào tạo chuyên sâu. Ông đã huấn luyện 40 đứa trẻ trong độ tuổi 8-14 trong 8 ngày. Kết quả là có 15 em trong số đó đã phát triển khả năng đọc bằng tay. 

Năm 1980, Giáo sư Tiến ở Đại học Honjo (Nhật Bản) đã điều tra 1.222 học sinh từ 7 đến 18 tuổi ở các trường phổ thông. Ông phát hiện ra tỷ lệ cao nhất của khả năng đọc bằng ngón tay là 20% vào lúc 9 tuổi. Sau 14 tuổi, khả năng này hiếm khi được tìm thấy. 

Phương pháp thí nghiệm

Để điều tra tính thực tế của hiện tượng con mắt thứ ba và khả năng đọc chữ bằng tay, từ năm 1993, Giáo sư Lý đã bắt đầu thí nghiệm với 1 bé gái có bố là người Nhật, mẹ là người Trung Quốc, được sinh ở Mỹ có tên Takahashi (ông gọi là đối tượng C) có khả năng đọc chữ bằng tay bẩm sinh. Takahashi đã trải qua hơn 800 lần kiểm tra và cho kết quả rất khả quan. Từ năm 1996, Giáo sư Lý bắt đầu các lớp đào tạo khả năng đọc chữ bằng tay vào mùa hè cho các trẻ từ 6 đến 13 tuổi. 3 trẻ em trong đó có Takahashi là những có khả năng đọc bằng tay tốt nhất được lựa chọn là đối tượng nghiên cứu thường xuyên. Mỗi đứa trẻ trung bình thực hiện trên 300 bài kiểm tra đọc chữ bằng ngón tay bằng phương pháp mù đôi (double-blind), trong đó cả đối tượng thí nghiệm lẫn nhà khoa học đều không biết trước nội dung cần kiểm tra. 

Phương pháp kiểm tra: hơn 1.000 mẫu là các mảnh giấy 5x8cm được in 1 số có 2 chữ số hoặc 1 chữ tiếng Trung Quốc bằng máy in laser với mực in màu xanh lục, xanh lam hoặc đỏ vào các tờ giấy. Các bé được yêu cầu đút tay vào 1 chiếc găng tay vải đen có chất liệu chống ánh sáng. Những nhân viên thí nghiệm chọn ngẫu nhiên một mẫu, gấp đôi 2 lần và đưa vào găng tay qua 1 chiếc túi nhỏ có khóa kéo may phía trên của găng tay.

thế giới tâm linh
Các em bé đang cố gắng đọc các chữ được dấu trong găng tay đen (ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Bất cứ điều những đứa trẻ nhìn được trong não của mình sẽ các được báo cho nhân viên thí nghiệm và ghi lại. Sau đó các bé rút tay ra khỏi găng tay và viết lại đáp án trên mảnh giấy 5x5cm. Tiếp theo, nhân viên thí nghiệm sẽ mở khóa túi ở găng tay, lấy tờ giấy mẫu và dán cả mẫu chữ và câu trả lời lên bản ghi thí nghiệm. 

SCLee ke qua thi nghiem 1
Bản ghi kết quả thí nghiệm (ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Trong 6 năm có 138 trẻ em tham gia khóa đào tạo. Có 98 trẻ hoàn thành khóa đào tạo và trong đó có 21 trẻ thể hiện khả năng đọc chữ bằng ngón tay đáng kể. 

SCLee Bang ket qua 2
Thống kê kết quả đào tạo khả năng đọc chữ bằng ngón tay qua 6 năm (ảnh: GS Lý Tự Sầm)

Quá trình thí nghiệm với các trẻ có thể nhìn được bằng ngón tay sau một thời gian được đào tạo, cho thấy, trong não trẻ sẽ xuất hiện một “màn hình” giống như màn hình tivi. Các ký tự nhìn được sẽ xuất hiện từ một phần nhỏ đến phần lớn hơn và cuối cùng xuất hiện trên toàn bộ “màn hình”. Quá trình phát triển “màn hình” này được người Trung Quốc gọi là mở con mắt thứ 3, hay là “khai thiên mục” hoặc “mở thiên nhãn”.

Cac chu trong thi nghiem
Các phần của một chữ dần dần xuất hiện (ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Giáo sư Lý cũng sử dụng máy điện não (EEG) để đo sóng não alpha, máy siêu âm xuyên sọ để đo vận tốc dòng chảy máu não (cBFV), máy đo điện thế da đặt trong lòng bàn tay trái và phải của Takahashi khi thí nghiệm đọc chữ bằng ngón tay  trong khi mắt của bé nhắm hoặc bị bịt kín. Kết quả cho thấy khi bé nhìn thấy màu sắc hoặc các ký tự trên “màn hình” trong não, sóng não alpha sẽ gia tăng biên độ, điện áp cBFV sẽ giảm 20% sau đó lập tức phục hồi đồng thời điện thế da lòng bàn tay của đối tượng cũng tăng 30mV. Điều này dường như cho thấy sự tồn tại của con mắt thứ ba trong não là có thật cũng như mô tả một trong những cách thức con mắt thứ 3 này tiếp nhận thông tin và hiển thị trong não. 

 Chấp nhận thách thức khoa học 

Sau vài năm nghiên cứu về thị giác ngón tay hay con mắt thứ 3, Giáo sư Lý Tự Sầm bắt đầu công bố các kết quả nghiên cứu và tạo ra sự chú ý đặc biệt từ công chúng. Tuy vậy, nhiều nhà khoa học đã chỉ trích ông. Họ không tin ông và cho rằng ông đang thúc đẩy “giả khoa học”.

Hơn 10 nhà khoa học vật lý và 2 nhà tâm lý học đã thách thức Giáo sư Lý. Họ muốn đến thăm phòng thí nghiệm của ông và chứng kiến thí nghiệm trong điều kiện các mẫu thí nghiệm đọc chữ bằng ngón tay phải do chính họ chuẩn bị, mọi kết quả xấu sẽ được công bố ra công chúng. Giáo sư Lý chấp nhận thử thách này. 

Sáng ngày 26/8/1999, các nhà vật lý học và tâm lý học đứng đầu bởi chủ tịch Hiệp hội Vật lý Đài Loan đã đến phòng thí nghiệm của Giáo sư Lý để đánh giá “nghiên cứu khoa học giả” của ông. Họ chuẩn bị 100 ký tự để đánh giá trực tiếp 3 đối tượng nghiên cứu, vốn là những người có thể đọc chữ bằng ngón tay bẩm sinh. Một trong số đó là Takahashi.

Sau 6 đến 7 lần thử nghiệm, các nhà khoa học vốn nghi ngờ đã bị thuyết phục rằng kết quả nghiên cứu của Giáo sư Lý không phải là giả mạo, khả năng đọc chữ bằng ngón tay hay con mắt thứ 3 thực sự tồn tại. 

thế giới tâm linh
Một đối tượng thí nghiệm đang đọc chữ qua các đầu ngón tay (ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Kết quả bất ngờ khi đọc những chữ linh thiêng bằng ngón tay

Vào buổi chiều ngày 26/8/1999, một trong những nhà khoa học thử thách Giáo sư Lý, vốn là một người theo Phật giáo đã viết ra chữ Phật bằng tiếng Hán (佛) để Takahashi (đối tượng C) đọc thử bằng ngón tay. 

Thật kỳ lạ, dưới sự quan sát của các nhà khoa học, Takahashi báo cáo một điều mà cô bé chưa từng gặp trước đây như dưới đây. Thay vì nhìn thấy một chữ nào đó, cô lại nhìn thấy thứ gì đó bay qua “màn hình” của mình, các chớp sáng, một người toàn thân mang ánh sáng xuất hiện và mỉm cười với cô.

thế giới tâm linh
Bản ghi nội dung thí nghiệm đối với Takahashi ngày 26/8/1999 (ảnh: GS Lý Tự Sầm, TTVN Việt hóa)

Khi được yêu cầu nhìn chữ “Sam”, viết tắt của từ Samuel, tên tiếng Do Thái của Chúa trong Do Thái giáo, cô bé không thể nhìn thấy từ “Sam”, thay vào đó là các ánh sáng với cường độ tăng dần. 

Khi được yêu cầu nhìn chữ “耶稣”, tên chúa Jesus trong tiếng Trung, cô bé nhìn thấy một cây thánh giá.

Đối với dòng chữ “Ta chính là ta”, được viết bằng tiếng Do Thái, là lời mà Đức Chúa Trời trả lời Moses khi ông hỏi tên Ngài. Mặc dù không biết tiếng Do Thái, nhưng Takahashi nhìn thấy một luồng sáng với độ sáng tương đương 20.800 Lux. 

thế giới tâm linh
Một bản ghi nội dung thí nghiệm đối với Takahashi khi cô bé đọc các chữ viết bằng ngôn ngữ khác từ ngón tay (ảnh: GS Lý Tự Sầm, TTVN Việt hóa)

Tương tự, cô bé nhìn thấy một luồng sáng khi đọc dòng chữ Tây Tạng “Mahakala”, tên của một vị thần hộ pháp trong Phật giáo kim cương thừa Tây Tạng, mặc dù cô không biết tiếng Tây Tạng. Cô bé cũng phát hiện thấy các chớp ánh sáng nhỏ và biến mất khi đọc dòng chữ “Padma Sambhava” viết bằng tiếng Tây Tạng, tên của Đức Liên Hoa Sinh, người truyền Phật giáo vào Tây Tạng trong thế kỷ thứ 8. 

thế giới tâm linh
Một bản ghi nội dung thí nghiệm đối với Takahashi khi cô bé đọc các chữ viết bằng tiếng Tây Tạng từ ngón tay (ảnh: GS Lý Tự Sầm, TTVN Việt hóa)

Những phát hiện này gây sửng sốt cho bản thân Takahashi, Giáo sư Lý và những nhà khoa học khác chứng kiến sự việc ngày 26/8/1999. Đây là điều mà chưa bao giờ họ nghe nói đến hoặc trải nghiệm trước đây.

Vì vậy, không chỉ kiểm tra với Takahashi (đối tượng thí nghiệm C), Giáo sư Lý và các nhà khoa học còn thử nghiệm đọc chữ Phật bằng ngón tay với 2 em nhỏ có công năng đặc dị là đối tượng B (tên Vương) và đối tượng D (tên Trần). 

Kết quả, Vương nhìn thấy một ngôi chùa ở phía xa, có một vị tăng nhân đứng trước ngôi chùa. Vương đã thực hiện 355 thử nghiệm 3 năm trước đó, nhưng cô bé chưa từng nhìn thấy điều này. 

Vì mới chỉ tham gia 120 thử nghiệm trước ngày 26/8/1999, khi được thử nghiệm đọc chữ “Phật” bằng ngón tay, cậu bé tên Trần nghe thấy 1 giọng nói, nhìn thấy một vị tăng nhân mặc áo đen tay cầm tràng hạt, trên áo có thêu chữ “Phật”.

Kết quả đọc chữ “Phật” từ người có công năng nổi tiếng Trung Quốc

Để kiểm chứng cho những gì được phát hiện tại Đài Loan, Giáo sư Lý Tự Sầm đã sang Viện Khoa học Con người, Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc và thí nghiệm đọc chữ Phật bằng tay với cô Tôn Trữ Lâm (Sun Chu-Lin) , người có công năng đặc dị nổi tiếng Trung Quốc.

Kết quả là khi cô Tôn dùng tay đọc chữ “Phật” trong mảnh giấy được gấp lại và dán kín, cô nhìn thấy vô số tia ánh sáng vàng phát ra. Còn khi được đưa cho  giấy ghi 2 chữ “Phật sơn”, cô nói rằng đã nhìn thấy một ngọn núi làm bằng thủy tinh tuyệt đẹp, trong suốt như pha lê. 

Giáo sư Lý cũng phát hiện rằng, nếu các nhà khoa học thay một nét hoặc giảm bớt đi một nét hoặc viết các phần của chữ “Phật” tách xa nhau một chút, kết quả là hiện tượng ánh sáng lạ không xuất hiện nữa.

Rõ ràng, các kết quả thí nghiệm độc lập với các em nhỏ tại Đài Loan và cô Tôn Trữ Lâm ở Trung Quốc cho thấy phát hiện bất thường của những người có công năng đặc dị đối với các mẫu ký tự liên quan đến các Giác Giả trong các tín ngưỡng và tôn giáo là không phải ngẫu nhiên và cũng không phải là ảo giác. 

thế giới tâm linh
GS. Lý Tự Sầm (phải) chụp ảnh cùng cô Tôn Trữ Lâm (giữa) trong một lần thí nghiệm (ảnh: GS. Lý Tự Sầm)

Dựa trên kết quả thí nghiệm, Giáo sư Lý Tự Sầm cho rằng ngoài thế giới vật chất của chúng ta, còn tồn tại một “trường thông tin” hay còn được gọi thế giới tâm linh mà tâm trí con người có thể truy cập được. Trường thông tin này ở không gian khác, hoạt động tương tự thế giới internet. Người sở hữu khả năng đọc bằng ngón tay hay năng lực nhìn bằng con mắt thứ 3 có thể “nhấp chuột” vào địa chỉ (những chữ thiêng liêng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo) và kết nối với trang web tương ứng trong trường thông tin hay các thiên quốc tương ứng của các Giác Giả trong thế giới tâm linh. 

Giáo sư Lý cho rằng nội dung trong các “trường thông tin” họ có thể xem được phụ thuộc vào khả năng đọc bằng ngón tay hay năng lực nhìn bằng con mắt thứ 3 của từng người. Bộ não của họ hoạt động giống như các trình duyệt web có phiên bản khác nhau. Những người có năng lực con mắt thứ 3 kém hơn sẽ ít thấy những hiện tượng “bất thường” hơn, tựa như phiên bản “trình duyệt web” của họ chỉ hiển thị thông tin hạn chế hơn. Ngược lại, người có năng lực con mắt thứ 3 tốt hơn sẽ nhìn điều nhiều điều “bất thường” hơn hay kỳ diệu hơn ở thế giới tâm linh, tương tự như phiên bản trình duyệt web của họ hiển thị nhiều thông tin hơn. 

Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng ký hiệu chú âm (ký hiệu cách phát âm chữ Hán) của chữ Phật cũng xuất hiện tượng phát ra ánh sáng lạ, điều này đã chứng minh việc đọc đúng âm của chữ “Phật” cũng có thể kết nối đến “trường thông tin” đặc biệt hay thế giới của các Giác Giả. 

Hướng nghiên cứu mới của khoa học về  thế giới tâm linh? 

Giáo sư Lý Tự Sầm thú nhận rằng mình vốn đã là người không tin vào sự tồn tại của Thần, Phật, chỉ tin vào những gì mắt thấy tay sờ. Nhưng quan điểm của ông đã thay đổi hoàn toàn kể từ sau thí nghiệm đọc chữ bằng tay ngày 26/8/1999.

Với giả thuyết về “trường thông tin” hay thế giới tâm linh, Giáo sư Lý tin rằng có thể sử dụng những người có khả năng về con mắt thứ ba để làm phương tiện đi vào thế giới đó và nghiên cứu. Đây là một ý tưởng rất sáng tạo.

Trong một số báo cáo của mình, Giáo sư Lý đã cho biết kết quả thí nghiệm của mình về việc tiếp cận thế giới tâm linh.

Ví dụ, cô bé Takahashi nhìn thấy một cây thánh giá lớn ở lối vào của cổng thiên đàng, khi mảnh giấy được ghi những lời thánh của Cơ Đốc giáo. Sau khi nói “hallelujah” (Tạ ơn Thiên Chúa), cô bé có thể đi vào cây thánh giá lớn và nhìn thấy một số bóng người rất rạng rỡ, có lẽ đó là những thiên thần. Cô bé cho biết mình có cảm giác bình yên khi ở nơi ấy.

Khi được cung cấp mảnh giấy có dòng chữ “Đức Phật Dược Sư, con có thể vào không?” bằng tiếng Trung Quốc, cô bé nhìn thấy 5 chấm sáng bóng liên tiếp. Sau khi được cho phép, cô bé có thể đi vào một số chấm sáng bóng đó. Mỗi chấm sáng là một khu vườn của một loại thảo mộc kỳ lạ. Những thảo mộc đó phát ra ánh sáng và cô bé cảm thấy rất thoải mái khi đặt mắt lên đó.

Khu vườn của Đức Phật Dược Sư cũng được cô Tôn Trữ Lâm đến từ Trung Quốc đại lục xác minh độc lập. Là một người có công năng mạnh hơn, những gì cô Tôn Trữ Lâm nhìn thấy trong thế giới của Phật Dược Sư chi tiết hơn nhiều. Cô nhìn thấy không chỉ có 5 mà có đến 6 hoặc 7 chấm sáng bóng liên tiếp. Trong vườn thảo mộc của Phật Dược Sư, có rất nhiều sinh vật đang thu thập các loại thảo mộc trong đó. Ngoài ra, còn có một hiệu thuốc ở chỗ của Phật Dược Sư…

Cả Takahashi và Tôn Trữ Lâm không biết được nội dung của các dòng chữ được viết trên mảnh giấy được dấu kín trong chiếc găng tay. Những hình ảnh họ báo cáo phù hợp với nội dung được ghi trong các mảnh giấy nên những gì họ nhìn thấy về những nơi khác nhau trong thế giới tâm linh. Đây không thể là ảo giác và cũng khó có thể là lừa đảo.

Rất có thể, những phát hiện của Giáo sư Lý về sự tồn tại và giả thiết về cách kết nối đến thế giới tâm linh là hoàn toàn khác biệt với quan niệm của một số người. Tuy nhiên Albert Einstein đã từng nói: “Quan niệm chung thực tế chỉ là hàng loạt những định kiến được nhồi nhét vào đầu óc bạn trước khi bạn đủ 18 tuổi”. 

Trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta cần dũng cảm loại bỏ những định kiến và quan niệm cũ, có như thế ta mới có thể tìm thấy những chân lý mới. Và rất có thể, những phần thưởng xứng đáng cho sự dũng cảm đó đang chờ ta ở phía trước.

Thiện Tâm

Tài liệu tham khảo:

[1] Si-Chen Lee, Daren Tang, Chien-Te Chen and Shih-Chin Fang: Finger-reading: Exploring the Information Field 

[2] Omni Living – Life is Like a Dream and There is a Way to Wake Up

[3] Các từ khóa về khả năng đọc viết của ngón tay và chế độ kết nối của trường thông tin (tiếng Trung)

Xem thêm:

Bình Luận