Phải chăng những bộ quần áo màu sáng sẽ có khả năng chống nóng tốt hơn trong những ngày hè khắc nghiệt? Không nhất định là thế.

Có thể bạn từng được dạy rằng: khi trời nắng hãy mặc đồ sáng màu để cho mát, chớ mặc đồ tối màu. Logic của lời khuyên này có vẻ rất dễ hiểu. Những gam màu sáng (sáng nhất là màu trắng) có khả năng phản chiếu ánh sáng tốt, tức ánh sáng Mặt Trời sẽ không thể đi xuyên qua quần áo để tiếp xúc cơ thể bạn.

Điều này là hoàn toàn đúng, nhưng trong vấn đề hấp thụ nhiệt và thoát nhiệt, còn có các nhân tố khác nữa mà chúng ta cần lưu tâm đến, ví dụ như thân thiệt của con người.

Với tính chất phản xạ, quần áo sáng màu không chỉ chặn đứng nhiệt lượng từ bên ngoài mà còn ngăn cản nhiệt lượng thoát ra từ bên trong, cụ thể là từ cơ thể chúng ta thoát ra môi trường xung quanh. Nói cách khác, “nội bất xuất ngoại bất nhập”, quần áo sáng màu đóng vai trò như bức tường chặn đứng dòng luân lưu trao đổi nhiệt giữa cơ thể và môi trường. Với thân nhiệt trung bình lên đến 37 độ C đang bị kìm hãm bên trong khoảng không gian eo hẹp, bạn sớm muộn cũng sẽ đổ mồ hôi.

>> 12 vị trí đau trên cơ thể báo hiệu rằng nội tâm bạn đang gặp vấn đề

Tương tự logic bên trên, những loại vải tối màu không phản xạ nhiệt lượng từ ánh sáng Mặt Trời, do đó sẽ không tồn tại một bức tường “bế quan tỏa cảng” như kiểu bên trên. Nhờ đó, luồng nội nhiệt cơ thể và ngoại nhiệt môi trường (có thể từ Mặt Trời) sẽ luân chuyển qua lại lẫn nhau. Nhiệt lượng từ ánh sáng Mặt Trời có thể tiếp cận cơ thể bạn, đồng thời nội nhiệt cơ thể có thể giải thoát ra bên ngoài.

Nhưng rốt cuộc đó vẫn là lý thuyết. Trong thực tế, những người dân sống ở sa mạc chọn mặc màu gì?

Trang phục đen rất thường gặp ở Trung Đông

Năm 1980, một nghiên cứu mang tên “Tại sao người Bedouin mặc áo thụng đen ở sa mạc nóng?” đã được đăng tải trên tạp chí Nature.

Khi đó, các nhà nghiên cứu đã rất khó hiểu khi những cư dân trong sa mạc Sinai (đông bắc Ai Cập) mặc áo thụng đen thay vì một loại quần áo sáng màu nào đó. Khi họ tiến hành thí nghiệm sự chênh lệch nhiệt độ giữa áo thụng màu đen và màu trắng, sự khác biệt giữa 2 trường hợp là bằng không. Họ thấy rằng màu đen thực sự có hấp thụ nhiệt nhiều hơn, nhưng cũng chỉ vậy thôi, phần nhiệt chênh lệch đã tản đi mất trước khi chạm đến được da của người mặc.

Hóa ra, lý do chính người dân ở sa mạc chọn mặc loại trang phục này là vì chúng rộng thùng thình, cho phép không khí lưu thông, giúp nội nhiệt trong cơ thể dễ dàng trao đổi ra ngoài.

Ngoài ra, quần áo đen còn có một lợi thế nữa, tia cực tím (UV) xuyên qua màu trắng dễ hơn là màu đen. Ví dụ, áo thun trắng có khả năng chống tia UVB (chỉ số SPF) là 7, nhưng sau khi bị ướt (ví dụ, do đổ mồ hôi) chỉ số này giảm chỉ còn 3, theo thông tin của Tổ chức Ung thư Da. Màu đen tự bản thân nó có khả năng hấp thụ tia UV tốt hơn.

Lều của người Bedouin cũng có màu tối (ảnh: Wiki)
Lều của người Bedouin cũng có màu tối (ảnh: Wiki)

Tiền lệ mặc áo tối màu trong trời nóng đã được ghi nhận rộng rãi ở khu vực Trung Đông hàng nghìn năm qua, nơi sa mạc ngập tràn. Phụ nữ nơi đây thường trùm kín thân bằng một loại quần áo đen, rộng rãi, rất có thể một phần là vì lý do này.

Vì vậy, nếu có thể chọn lựa, hãy chọn mặc màu đen và rộng rãi vào những ngày nóng. Đồng thời hãy tìm những nơi râm mát, bạn sẽ không phải hứng chịu hấp thụ thêm nhiệt lượng từ ánh sáng Mặt Trời.

Việt Anh tổng hợp

Xem thêm: