Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore (LLNL) ở California hôm thứ Ba (13/12) thông báo rằng họ đã đạt được đột phá quan trọng trong năng lượng nhiệt hạch (nuclear fusion) khi thành công đưa loại phản ứng, theo các khoa học, đang khiến các ngôi sao phát sáng vào thực hiện trong phòng thí nghiệm và có hiệu quả về năng lượng. Khả năng trong tương lai có thể tiến đến triển khai ứng dụng thực tế cho nhu cầu quốc phòng hoặc làm nguồn năng lượng mới cho thương mại.

nang luong
Buồng trung tâm của LLNL nơi 192 chùm tia laze truyền hơn 2 triệu Jun năng lượng tia cực tím vào một viên nhiên liệu nhỏ để tạo ra năng lượng nhiệt hạch vào hôm 5/12/2022. (Nguồn: Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore)

Phản ứng tổng hợp hạt nhân (nuclear fusion), thường được gọi là phản ứng nhiệt hạch, đã được các nhà khoa học mong muốn khai thác từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Theo công bố của LLNL, ngày 5/12/2022 là lần đầu tiên các nhà khoa học thành công triển khai trong phòng thí nghiệm loại phản ứng nhiệt hạch mà có năng lượng sinh ra lớn hơn rất đáng kể so với năng lượng đầu vào.

nang luong nhiet hach
Các nhà khoa học công bố đột phá trong thí nghiệm tổng hợp hạt nhân. (Ảnh chụp màn hình video)

Tiến sĩ Arati Prabhakar, cố vấn khoa học và công nghệ của Nhà Trắng, cho biết: “Tuần trước… họ đã bắn một loạt tia laze vào một viên nhiên liệu, và nhiều năng lượng được giải phóng từ quá trình đánh lửa nhiệt hạch đó hơn năng lượng của các tia laze đang di chuyển. Đây là một ví dụ tuyệt vời về những gì mà sự kiên trì thực sự có thể đạt được.”

nuclear fusion 001
Phản ứng nhiệt hạch tại phòng thí nghiệm LLNL, trong đó các tia laze được dùng để khiến các đồng vị Deuterium và Tritium của Hydro được tổng hợp lại thành Heli và giải phóng năng lượng. (Nguồn: Phòng Thí nghiệm Quốc gia Lawrence Livermore)

Theo Guardian phân tích, còn phải mất nhiều thời gian nữa thì công nghệ này mới sẵn sàng biến thành các nhà máy điện khả thi, và sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu hôm nay, nhưng các nhà khoa học ca ngợi bước đột phá này là bằng chứng cho thấy năng lượng của các ngôi sao có thể được khai thác trên Trái Đất.

Một kilôgam nhiên liệu nhiệt hạch, được tạo thành từ các Hydro nặng là Deuterium và Tritium, cung cấp năng lượng tương đương với 10 triệu kilôgam nhiên liệu hóa thạch. Nhưng phải mất 70 năm để đạt được điểm này.

Cũng trong phát biểu tại buổi công bố hôm thứ Ba (13/12), bà Jill Hruby, thuộc Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia (NNSA), bình luận rằng Hoa Kỳ đã “thực hiện bước thăm dò đầu tiên hướng tới một nguồn năng lượng sạch có thể cách mạng hóa thế giới.”

Khai thác năng lượng như công bố vừa nêu, là hứa hẹn một loại hình nguồn năng lượng không tạo ra chất thải phóng xạ như phản ứng phân rã hạt nhân (nuclear fission) hiện được dùng trong các nhà máy điện nguyên tử hoặc bom nguyên tử, hay tạo ra khí thải mà các nhà khoa học cho là gây hại môi trường như dùng nhiên liệu hóa thạch.

Thiên Đức